Trên 25.000 lao động tự do, người bán vé số được hỗ trợ do ảnh hưởng COVID-19

08:09, 08/09/2021

Tại tỉnh Vĩnh Long, bên cạnh các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và người lao động gặp khó do dịch bệnh, thì lao động tự do là đối tượng bị tác động nhiều nhất.  Xoay quanh việc hỗ trợ lao động tự do trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Vĩnh Long có phỏng vấn nhanh bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Long.

Dịch COVID-19 đã tác động, ảnh hưởng lớn đến tình hình sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. Ngày 1/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 68/NQ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19, nhằm góp phần phục hồi, ổn định sản suất, kinh doanh, giảm thiểu những tác động tiêu cực của đại dịch, đảm bảo đời sống và an toàn cho người lao động.

Tại tỉnh Vĩnh Long, bên cạnh các cơ sở sản xuất, doanh nghiệp và người lao động gặp khó do dịch bệnh, thì lao động tự do là đối tượng bị tác động nhiều nhất.  Xoay quanh việc hỗ trợ lao động tự do trên địa bàn tỉnh, phóng viên Báo Vĩnh Long có phỏng vấn nhanh bà Huỳnh Thị Mỹ Hà- Phó Giám đốc Sở Lao động- Thương binh và Xã hội Vĩnh Long.

- PV: Đến thời điểm này, chính sách hỗ trợ lao động tự do và người bán vé số trên địa bàn tỉnh như thế nào, thưa bà?

- Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà: Theo Quyết định số 20/2021/QĐ-UBND, ngày 23/7/2021 của UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành chính sách hỗ trợ người lao động không có giao kết hợp đồng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP của Chính phủ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long, các đối tượng hỗ trợ là người lao động là người bán vé số (bao gồm người bán vé số lưu động hoặc người khuyết tật bán vé số cố định tại một địa điểm); người lao động không giao kết hợp đồng lao động (lao động tự do) làm một trong các công việc sau: bán hàng rong (bán dạo), buôn bán nhỏ lẻ, bán đồ ăn vặt không có địa điểm cố định; thu mua ve chai, phế liệu lưu động; chạy xe honda khách (xe ôm); bán thức uống nhỏ lẻ tại lề đường, tại các chợ, trước trụ sở các cơ quan, trường học. Mức hỗ trợ: 50.000 đ/người/ngày căn cứ theo thực tế số ngày tạm dừng hoạt động theo yêu cầu của chính quyền địa phương.

Đến thời điểm hiện tại, UBND tỉnh đã quyết định hỗ trợ cho 25.218 đối tượng, với tổng kinh phí 57.442.800.000đ, trên cơ sở số ngày theo 3 đợt giãn cách xã hội từ ngày 9/7/2021 đến ngày 25/8/2021. Trong đó: quyết định hỗ trợ người lao động tự do là 18.118 người, số tiền 40.402.800.000đ; quyết định hỗ trợ người bán vé số là 7.100 người, số tiền 17.040.000.000đ.

PV: Việc chi hỗ trợ đến nay ra sao, thưa bà?

- Bà Huỳnh Thị Mỹ Hà: Về tổ chức chi trả, đến nay các địa phương đã chi trả xong số đối tượng lao động tự do có quyết định hỗ trợ của UBND tỉnh theo quy định. Riêng người bán vé số, các địa phương đã chi trả xong số ngày hỗ trợ theo đợt giãn cách xã hội thứ nhất và thứ hai. Đợt giãn cách thứ ba (từ ngày 16- 25/8) hiện các địa phương đang tổ chức chi trả, đến ngày 7/9/2021 là 34,14%. Do khó khăn về nguồn kinh phí, đến ngày 1/9/2021 các địa phương mới được bố trí kinh phí.

Ngày 26/8/2021, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tiếp tục trình UBND tỉnh quyết định hỗ trợ bổ sung 10 ngày cho các đối tượng (theo quyết định giãn cách xã hội từ ngày 26/8 đến 4/9/2021). UBND tỉnh đang chỉ đạo cơ quan chuyên môn tham mưu cân đối nguồn ngân sách tỉnh, hiện chưa ra quyết định hỗ trợ.

- PV: Cảm ơn bà đã dành thời gian cho cuộc phỏng vấn này!

MINH THÁI (thực hiện)

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh