Đặc xá là chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội bị kết án tù. Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long triển khai công tác đặc xá công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, khuyến khích những người được hưởng chính sách tích cực học tập, lao động cải tạo để được sớm hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.
Những năm qua, công tác đặc xá được tỉnh Vĩnh Long thực hiện công khai, minh bạch, công bằng, đúng đối tượng. Ảnh tư liệu |
Đặc xá là chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước và thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc Việt Nam đối với những người phạm tội bị kết án tù. Những năm qua, tỉnh Vĩnh Long triển khai công tác đặc xá công bằng, minh bạch, đúng đối tượng, khuyến khích những người được hưởng chính sách tích cực học tập, lao động cải tạo để được sớm hòa nhập cộng đồng, làm lại cuộc đời.
Chính sách nhân đạo
Thực hiện Luật Đặc xá và quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021, Công an tỉnh đã triển khai đến các đơn vị tổ chức thực hiện. Đồng thời, tuyên truyền rộng rãi đến toàn thể nhân dân nắm rõ về đối tượng, điều kiện được và không được xét đặc xá.
Anh T.H.N. (Tam Bình) từng bị tòa án tuyên phạt 1 năm 6 tháng tù vì tội “Vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường bộ”. Ý thức được lỗi lầm đã gây ra, anh N. phấn đấu rèn luyện bản thân, tuân thủ tốt các quy định của trại giam nên hơn 1 năm chấp hành án, anh được xét đặc xá. Hòa nhập cộng đồng hơn 3 năm nay, anh N. cho biết, quá khứ lỗi lầm và quyết tâm trở thành người có ích cho gia đình và xã hội đã giúp anh vượt qua mặc cảm, phấn đấu không tái phạm.
Theo Đại tá Huỳnh Thanh Mộng- Phó Giám đốc Công an tỉnh, Trưởng Tiểu ban chỉ đạo công tác đặc xá của Công an tỉnh, trong công tác tổ chức, thực hiện, xét duyệt hồ sơ đặc xá luôn đảm bảo đúng trình tự, thủ tục, thời gian, đối tượng quy định, công khai, minh bạch, kiên quyết không để người không đủ điều kiện được đặc xá, cũng như không để sót những người có đủ điều kiện mà không được xét đặc xá.
Bên cạnh đó, qua mỗi lần thực hiện đặc xá, Công an tỉnh đã chủ động phối hợp với các ban ngành, đoàn thể tổ chức tiếp nhận, quản lý, giúp đỡ người được đặc xá về địa phương cư trú sớm ổn định cuộc sống, tạo việc làm thu nhập ổn định, thực hiện tốt công tác đăng ký cư trú, cho người được đặc xá cam kết không vi phạm pháp luật. Đồng thời, nắm chắc tình hình, diễn biến của số người được đặc xá về cư trú tại địa phương, không để họ gây ảnh hưởng đến an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, xử lý kịp thời, nghiêm minh những người có hành vi tái phạm tội và vi phạm pháp luật.
Để người được đặc xá tự tin hòa nhập cộng đồng
Đặc xá là một trong những chế định pháp lý được quy định tại Điều 88 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là sự khoan hồng đặc biệt của Nhà nước, thể hiện truyền thống nhân đạo của dân tộc đối với người phạm tội bị kết án phạt tù. Những người được đặc xá luôn nhận được sự quan tâm, giúp đỡ của các cơ quan, ban ngành, đoàn thể các cấp để họ có thể sớm nhất tái hòa nhập cộng đồng. Chính vì vậy, Đại tá Huỳnh Thanh Mộng cho rằng, những người được đặc xá cần phải thực hiện tốt những quy định của địa phương sau khi trở về tái hòa nhập cộng đồng, phải thật sự biết ăn năn hối cải, tích cực học tập, lao động cải tạo để sớm trở thành người có ích cho xã hội.
Thống kê về việc thực hiện công tác giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng, hiện toàn tỉnh đang duy trì mô hình “Quản lý, giáo dục, giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng” tại các xã- phường- thị trấn. Mô hình phát huy hiệu quả trong công tác giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương, tái hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, để những người được đặc xá, tái hòa nhập cộng đồng, không tái vi phạm pháp luật, không bị xã hội kỳ thị, thì gia đình, chính quyền, địa phương, ban ngành, đoàn thể đóng vai trò rất quan trọng. Thực tế, nếu nhận được sự quan tâm, động viên kịp thời từ gia đình, xã hội thì đó sẽ là điểm tựa, động lực để những người lầm lỡ phấn đấu, cống hiến và hòa nhập với cộng đồng theo cách tích cực nhất.
Theo Đại tá Huỳnh Thanh Mộng, địa phương, ban ngành, đoàn thể các cấp cần có những chương trình hành động cụ thể trong việc hỗ trợ những người được đặc xá tái hòa nhập cộng đồng. Đó là, phải thực hiện tốt vai trò kết nối giữa các doanh nghiệp, các tổ chức tín dụng với những người tái hòa nhập cộng đồng, để họ có thể tiếp cận các chương trình an sinh xã hội, nguồn vốn sản xuất, kinh doanh. Đây cũng là điều kiện để những người từng lầm đường lỡ bước vượt qua những rào cản định kiến, kỳ thị, khó khăn để hòa nhập cộng đồng, trở thành người có lối sống tích cực hơn.
Đặc biệt, lực lượng công an địa phương có vai trò rất lớn và phải phối hợp chặt chẽ với ban ngành, đoàn thể các cấp, cơ sở giáo dục trong việc đào tạo nghề, hướng nghiệp cho người lầm lỗi, để khi họ trở về địa phương, với tay nghề được đào tạo, kiến thức được dạy, có thể đáp ứng được các yêu cầu công việc mà các doanh nghiệp cần. Đây cũng là một trong các cách hiệu quả ngăn ngừa tình trạng tái phạm.
Theo Quyết định của Chủ tịch nước về đặc xá năm 2021 các đối tượng được hưởng đặc xá là người đang chấp hành án phạt tù có thời hạn, tù chung thân đã được giảm xuống tù có thời hạn đang chấp hành án phạt tù tại trại giam, trại tạm giam, cơ quan thi hành án hình sự công an cấp huyện, người đang được tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù. Những đối tượng được hưởng đặc xá phải đáp ứng đủ điều kiện như: chấp hành nghiêm nội quy trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, có nhiều tiến bộ, tích cực học tập, lao động, có ý thức cải tạo và các quý đã đủ thời gian xếp loại trong quá trình chấp hành án phạt tù được xếp loại khá hoặc tốt theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự. Những quy định về đối tượng, điều kiện để được xét đề nghị đặc xá được quy định cụ thể tại Luật Đặc xá năm 2018, Nghị định 52/2019/NĐ-CP ngày 14/6/2019 của Chính phủ, Quyết định số 1161/2021/QĐ-CTN ngày 30/6/2021 của Chủ tịch nước, Hướng dẫn số 63/HĐ-HĐTVĐX ngày 7/7/2021 của Hội đồng Tư vấn đặc xá Bộ Công an. |
QUANG VINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin