Xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ hạnh phúc

02:06, 27/06/2021

Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói "Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội càng tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình".

(VLO) Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “Nhiều gia đình cộng lại mới thành xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội càng tốt thì gia đình càng tốt. Hạt nhân của xã hội là gia đình”.

Trải qua nhiều giai đoạn lịch sử của đất nước, gia đình Việt Nam được xây dựng, vun đắp bởi những giá trị chuẩn mực tốt đẹp của dân tộc như lòng yêu quê hương, đất nước, đoàn kết, thủy chung, hiếu học, tính cần cù, sáng tạo trong lao động, tinh thần bất khuất, kiên cường vượt qua những khó khăn và thử thách trong cuộc sống,… Những giá trị đó góp phần xây dựng nên bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Nhằm đề cao trách nhiệm của lãnh đạo các ngành, các cấp, các đoàn thể và tổ chức xã hội cùng toàn thể các gia đình thường xuyên quan tâm xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc, đẩy mạnh công tác bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; ngày 4/5/2001, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 72, lấy ngày 28/6 hàng năm là ngày Gia đình Việt Nam.

Ngày 21/2/2005, BCH Trung ương Đảng ra Chỉ thị số 49-CT/TW và một lần nữa khẳng định “Gia đình là tế bào của xã hội, là nơi duy trì nòi giống, là môi trường quan trọng hình thành, nuôi dưỡng và giáo dục nhân cách con người, bảo tồn và phát huy văn hóa truyền thống tốt đẹp, chống lại các tệ nạn xã hội, tạo nguồn nhân lực phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Chỉ thị đã đề ra 6 nhiệm vụ và 6 giải pháp cụ thể để xây dựng gia đình thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước.

Ngày 15/4/2005, Tỉnh ủy Vĩnh Long đã ban hành Kế hoạch số 50 thực hiện Chỉ thị số 49 của Ban Bí thư Trung ương Đảng. Xác định mục tiêu chủ yếu của công tác gia đình trong thời kỳ công nghiệp hóa- hiện đại hóa đất nước là ổn định, củng cố và xây dựng gia đình theo tiêu chí ít con (mỗi cặp vợ chồng chỉ có 1 hoặc 2 con) no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc để mỗi gia đình Việt Nam thật sự là tổ ấm của mỗi người, là tế bào lành mạnh của xã hội.

Nhằm mục đích nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về công tác gia đình trên địa bàn tỉnh; tăng cường các hoạt động tuyên truyền, giáo dục để nâng cao nhận thức vai trò, vị trí, trách nhiệm của gia đình và cộng đồng trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long; ngày 24/4/2013, UBND tỉnh Vĩnh Long ban hành Quyết định số 683 về ban hành Kế hoạch thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn tỉnh.

Đến nay, UBND tỉnh đã ban hành trên 70 văn bản triển khai thực hiện những nhiệm vụ thuộc lĩnh vực
gia đình.

Gia đình là một trong những nhân tố quan trọng và không thể thiếu trong công cuộc phát triển kinh tế- xã hội của địa phương cũng như của đất nước. 

Ở Vĩnh Long, công tác gia đình ngày càng được quan tâm. BCĐ công tác gia đình các cấp trên địa bàn tỉnh được thành lập và thường xuyên kiện toàn đảm bảo hoạt động hiệu quả.

Đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình ngày càng đạt chuẩn về trình độ chuyên môn. Hàng năm được tập huấn bồi dưỡng, nâng cao kiến thức về chuyên môn, nghiệp vụ về công tác gia đình.

Nhiều cấp ủy đảng, chính quyền đã có sự quan tâm, đưa nội dung công tác gia đình vào chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội của địa phương theo nhiệm kỳ và hàng năm; đồng thời, bố trí kinh phí triển khai thực hiện.

Bình quân hàng năm, cấp tỉnh bố trí khoảng 450 triệu/năm, cấp huyện từ 10-40 triệu/năm, cấp xã từ 7- 20 triệu/năm cho các hoạt động thuộc lĩnh vực gia đình.

Các mục tiêu của Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh cơ bản đạt, nhiều chỉ tiêu vượt kế hoạch đề ra.

Cụ thể: 95,52% gia đình được phổ biến, tuyên truyền và cam kết thực hiện tốt các chủ trương, chính sách, pháp luật về hôn nhân và gia đình, bình đẳng giới, phòng chống bạo lực gia đình (BLGĐ), phòng ngừa sự xâm nhập của các tệ nạn xã hội vào gia đình (vượt 0,52% kế hoạch); 97,28% nam nữ thanh niên trước khi kết hôn được trang bị kiến thức về hôn nhân, gia đình (vượt 2,28% kế hoạch); không có người kết hôn dưới tuổi pháp luật quy định; 96,32% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa (vượt 1,32% so với kế hoạch); 96,23% hộ gia đình dành thời gian chăm sóc, dạy bảo con cháu tạo điều kiện cho con cháu phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ, đạo đức và tinh thần, không phân biệt con cháu là trai hay gái (vượt 1,23% kế hoạch); 97,76% hộ gia đình được cung cấp thông tin về chính sách, pháp luật, phúc lợi xã hội dành cho các gia đình chính sách, gia đình nghèo (vượt 2,76% kế hoạch),...

Công tác phòng chống BLGĐ trên địa bàn tỉnh được quan tâm, đẩy mạnh thực hiện. Đến cuối năm 2020, toàn tỉnh có 100/107 địa phương được triển khai mô hình can thiệp phòng chống BLGĐ và Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam; với 526 CLB Gia đình phát triển bền vững, 364 nhóm phòng chống BLGĐ, 752 tổ hòa giải cơ sở thường xuyên tuyên truyền, can thiệp, tiếp nhận thông tin và xử lý các vụ BLGĐ.

Thông qua hoạt động tuyên truyền, vận động của các CLB, nhóm, ấp- khóm ở địa phương, số vụ BLGĐ trên địa bàn tỉnh giảm hàng năm. Cụ thể năm 2010, toàn tỉnh có 280 vụ; đến năm 2015, còn 151 vụ, giảm 129 vụ; đến năm 2020, còn 29 vụ, giảm 122 vụ.

Công tác giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình được các cơ quan, đơn vị, địa phương quan tâm thực hiện thông qua các hình thức tuyên truyền gián tiếp và trực tiếp.

Trong đó, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã dựng 96 pa nô tấm lớn; 7.500 băng rôn, khẩu hiệu; 67.500 tờ rơi, tờ gấp, 1.500 tài liệu, sách về giáo dục đời sống gia đình; xuất bản 7 tập sách “Những gương điển hình văn hóa tỉnh Vĩnh Long” (2.400 quyển), với trên 250 tấm gương là những hộ gia đình văn hóa tiêu biểu điển hình trong xây dựng gia đình văn hóa; 7 cuộc tọa đàm; 10 chuyến giao lưu, tham quan học tập kinh nghiệm được tổ chức,...

Bên cạnh đó, hàng năm Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức trên 10 cuộc tập huấn, truyền thông trực tiếp cho các lực lượng thực hiện công tác gia đình các cấp, hội viên hội đoàn thể, công nhân lao động, đặc biệt chú trọng tuyên truyền các đối tượng có nguy cơ gây BLGĐ, gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người dân tộc Khmer trên địa bàn tỉnh.

Từ đó, nhận thức của các ngành, các cấp và các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò gia đình ngày càng cao, các giá trị truyền thống của dân tộc được các gia đình lưu giữ và truyền qua nhiều thế hệ, số vụ BLGĐ giảm qua các năm, quyền và trách nhiệm của các thành viên trong gia đình ngày càng được quan tâm thực hiện, đặc biệt là trẻ em và người cao tuổi.

Chất lượng phong trào xây dựng đời sống văn hóa ngày càng nâng cao. Năm 2005, toàn tỉnh có 184.446 hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa chiếm 85,06%, 639/846 ấp-khóm-khu đạt văn hóa (75,53%).

Đến năm 2020, 259.580 gia đình đạt chuẩn văn hóa (96,84%), 750/752 ấp-khóm-khu đạt chuẩn văn hóa (99,73%). Nhiều gia đình gương mẫu, điển hình trong xây dựng gia đình văn hóa, tích cực tham gia các phong trào yêu nước, giúp đỡ cộng đồng, sản xuất kinh doanh giỏi được biểu dương, nhân rộng.

Nhiều hủ tục rườm rà, lạc hậu trong việc cưới, việc tang và lễ hội được xóa bỏ; nhiều nghi thức, nghi lễ được rút gọn đảm bảo tính văn minh, phù hợp thuần phong mỹ tục của dân tộc.

Công tác xóa đói giảm nghèo, giải quyết việc làm đã giúp cho nhiều hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn thoát nghèo, nâng cao mức sống, góp phần xây dựng gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Năm 2020, toàn tỉnh còn 3.449 hộ nghèo, chiếm 1,16%; 10.463 hộ cận nghèo (3,52%) và 1.797 hộ gia đình thoát nghèo, ổn định cuộc sống.

Tiếp tục phát huy thành quả đã đạt được trong thời gian tới, các ngành chuyên môn kết hợp chặt chẽ các đơn vị liên quan, các địa phương cần tập trung chỉ đạo và triển khai thực hiện Chỉ thị số 49/CT-TW của BCH Trung ương Đảng và Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 683/QĐ-UBND trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long có trọng tâm, trọng điểm; gắn với cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới và đô thị văn minh; phát huy và nâng cao năng lực lãnh- chỉ đạo của BCĐ công tác gia đình các cấp; tổ chức hoạt động hiệu quả mô hình can thiệp phòng chống BLGĐ, Đề án Tuyên truyền, giáo dục đạo đức, lối sống trong gia đình Việt Nam ở các địa phương; chú trọng nâng cao chất lượng hoạt động của các CLB, đội, nhóm tại cơ sở và bố trí kinh phí đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của từng địa phương. Tin tưởng rằng công tác gia đình trong thời gian tới sẽ đạt kết quả cao hơn nữa.

Các ngày kỷ niệm về gia đình hàng năm như ngày Quốc tế Hạnh phúc (20/3), ngày Gia đình Việt Nam (28/6), Tháng hành động quốc gia về phòng chống BLGĐ (tháng 6), ngày Thế giới xóa bỏ bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái (25/11) được các cấp, các ngành tổ chức với nhiều hình thức phong phú, đa dạng như: Hội thi Gia đình nghệ thuật, Gia đình thể thao; Tọa đàm về chủ đề “Gia đình hạnh phúc”; Hội thi nấu ăn “Bữa cơm gia đình ấm áp, yêu thương”; hoạt động tham quan, du lịch cho các cặp vợ chồng nghèo, vợ chồng cao tuổi hạnh phúc bền vững, vợ chồng người dân tộc Khmer;… tạo không khí vui tươi, phấn phởi, củng cố niềm tin của quần chúng nhân dân vào chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về gia đình và cuộc vận động xây dựng đời sống văn hóa, nông thôn mới và đô thị văn minh của tỉnh.

HOÀNG OANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh