Nghị quyết 01 "mở đường" cho du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Cập nhật, 10:54, Chủ Nhật, 04/04/2021 (GMT+7)

(VLO) Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy ra đời đã tạo sức bật mạnh mẽ để Vĩnh Long tăng sức cạnh tranh, phát huy hết thế mạnh tiềm năng sẵn có. Nhưng để du lịch trở thành ngành kinh tế quan trọng của tỉnh vào năm 2025 và ngành kinh tế mũi nhọn năm 2030, đòi hỏi nhiều nỗ lực, quyết tâm chính trị và sự định hướng chiều sâu của các đơn vị doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch.

Bên cạnh đó, công tác thu hút đầu tư những dự án lớn, triển khai những hướng đi mới cho du lịch là vô cùng cần thiết.

Đồng chí Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- trao bằng khen 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy giai đoạn 2015- 2020.
Đồng chí Lữ Quang Ngời- Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Vĩnh Long- trao bằng khen 10 cá nhân có thành tích xuất sắc trong thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy giai đoạn 2015- 2020.

Chỉ rõ hạn chế, xác định thế mạnh

Đánh giá việc thực hiện Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy giai đoạn 2015- 2020, đồng chí Bùi Văn Nghiêm- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh- nhấn mạnh 4 điểm nổi bật, đó là: nhận thức của cấp ủy, chính quyền, đảng viên và người dân về ý nghĩa, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của phát triển du lịch từng bước được nâng lên.

Số lượng du khách tăng về số lượng và doanh thu so với giai đoạn 2010- 2015. Hạ tầng du lịch và cơ sở vật chất ngành du lịch phát triển khá; loại hình, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng.

Số doanh nghiệp và người dân tham gia phát triển du lịch tăng; từ đó, góp phần làm chuyển dịch cơ cấu kinh tế, giúp bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, tài nguyên thiên nhiên, tạo việc làm cho người lao động, nâng cao đời sống nhân dân.

Tuy nhiên, đồng chí Bùi Văn Nghiêm đã chỉ ra mấy vấn đề cần phải khắc phục trong giai đoạn mới. Trước hết là sự phát triển chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh về du lịch của tỉnh; sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn và tạo dấu ấn riêng, cũng như chất lượng dịch vụ chưa cao.

Công tác quản lý nhà nước còn nhiều bất cập, việc đầu tư còn dàn trải, chưa huy động tốt nguồn nhân lực xã hội phát triển du lịch. Việc phối hợp giữa các ngành, các đơn vị kinh doanh du lịch có lúc chưa nhịp nhàng, đồng bộ, cũng như phối hợp liên ngành, liên vùng còn thấp.

Đa số các doanh nghiệp du lịch vừa và nhỏ, nguồn vốn, nhân lực và kinh nghiệm quản lý còn hạn chế. Công tác đào tạo nguồn nhân lực chưa được quan tâm đúng mức.

Trên cơ sở nhận thức rõ ý nghĩa, vị trí, tầm quan trọng của Nghị quyết 01, ông Phan Văn Giàu- Tỉnh ủy viên, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch- phân tích: Xác định sản phẩm du lịch chủ lực của tỉnh là sinh thái sông nước miệt vườn, nghỉ dưỡng nhà dân (homestay), kết hợp tham quan di tích lịch sử văn hóa, danh nhân và làng nghề truyền thống; qua 5 năm triển khai xây dựng, Vĩnh Long đã tập trung phát triển, xây dựng thương hiệu.

Trong đó, homestay Vĩnh Long được xác định là một trong những sản phẩm du lịch đặc thù của tỉnh. Thời gian qua, phát triển loại hình du lịch này, tỉnh có các sản phẩm như: “Đi trong màu xanh đồng bằng”, “Một ngày làm nông dân”, tát mương bắt cá, chợ quê, dịch vụ giải trí sông nước, phát huy loại hình nghệ thuật hát bội kết hợp với phát triển du lịch,... đã thu hút một lượng lớn khách du lịch đến tham quan Vĩnh Long.

Thời gian qua, các địa phương trong tỉnh đã gắn kết xây dựng nông thôn mới với phát triển du lịch. Các địa phương đã thực hiện tốt công tác đảm bảo an ninh trật tự, giao thông thuận lợi, an toàn cho du khách.

Nhiều nơi vận động nhân dân xây hàng rào, trồng hoa dọc các tuyến đường, đảm bảo vệ sinh môi trường, làm nổi bật cảnh quan sinh thái tự nhiên… nhằm tăng tính thu hút du khách khi tham quan trải nghiệm đồng quê.

Đồng thời, xây dựng sản phẩm du lịch dựa trên tiềm năng có sẵn với các vùng chuyên canh cây ăn trái như: mận, cam, mít, nhãn, dưa hấu, khoai lang, bưởi,... đã phần nào đáp ứng nhu cầu phục vụ khách, gắn kết nông nghiệp với du lịch, thông qua du lịch góp phần xuất khẩu tại chỗ đối với sản phẩm nông nghiệp. Lượng khách đến các điểm vườn trái cây ngày càng tăng.

Để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn

Tuy nhiên, do nhu cầu và đòi hỏi chất lượng sản phẩm của du khách ngày càng cao, nhu cầu thưởng thức trái cây ngon, sạch là thiết yếu nhưng ngành du lịch thiếu sự chỉ dẫn những nơi đáp ứng sản phẩm sạch, từ đó gây tâm lý lo ngại trong du khách.

Mặt khác, các vườn trái cây chưa đảm bảo tính đa dạng và chỉ mang tính mùa vụ, phục vụ thiếu chuyên nghiệp (người phục vụ chủ yếu là người gia đình), khả năng phục vụ, đáp ứng yêu cầu du khách còn hạn chế.

Do đó, cùng với việc tiếp tục hoàn thiện, nâng chất sản phẩm thế mạnh homestay gắn với nông nghiệp; Vĩnh Long cần mở ra những hướng đi mới, đa dạng sản phẩm, tạo dấu ấn riêng biệt với các địa phương trong khu vực. Trong đó, phát triển du lịch gắn với nghề truyền thống là định hướng quan trọng.

Ông Phan Văn Giàu cho biết: “Thời gian qua đã giới thiệu tour- tuyến du lịch có gắn với làng nghề và nghề truyền thống, một số làng nghề đang được du khách quan tâm như.

Đặc biệt, du khách, các công ty lữ hành rất quan tâm làng nghề gạch gốm Mang Thít. Bên cạnh đó, Vĩnh Long sẽ đẩy mạnh dòng sản phẩm du lịch tâm linh nhằm khai thác ưu thế 700 di tích hiện có của tỉnh”.

Xác định tầm nhìn đến năm 2030 du lịch sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, mà trước mắt giai đoạn 5 năm tới Vĩnh Long cần phải thực hiện những bước đi cụ thể tạo tiền đề cho du lịch chuyển mình mạnh mẽ từ Nghị quyết 01 của Tỉnh ủy.

Để du lịch Vĩnh Long khởi sắc trong thời gian tới, đồng chí Bùi Văn Nghiêm đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, các ngành liên quan thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm: tiếp tục quán triệt, nâng cao hiệu quả tuyên truyền Nghị quyết 01.

Tăng cường quản lý điều hành của các cơ quan chuyên môn; nâng cao ý thức người dân, cộng đồng du lịch và doanh nghiệp để chủ động liên kết đầu tư, cộng đồng trách nhiệm, đa dạng sản phẩm du lịch và dịch vụ.

Khẩn trương triển khai 5 đề án quan trọng: “Ứng dụng công nghệ thông tin trong du lịch đến năm 2025”; “Xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù Vĩnh Long”; Đề án Bảo tàng Nông nghiệp ĐBSCL”; “Đề án Di sản đương đại Mang Thít”; “Cơ cấu lại ngành du lịch đến năm 2025”.

Đồng thời, tăng cường xây dựng, cải tạo kết cấu hạ tầng, đặc biệt là bến tàu, bến xe đón khách du lịch; cùng với công tác bồi dưỡng nguồn nhân lực là những nội dung quan trọng phát triển du lịch giai đoạn 2020- 2025 và tầm nhìn đến năm 2030.

Bài, ảnh: NGỌC TRẢNG