Ước mơ "Lều Trạng Nguyên"

05:03, 13/03/2021

Thời gian gần đây, nhiều người rất quan tâm lo lắng về sự quên lãng của nền văn hóa đọc; nhiều người khác lại lo ngại sự thiếu vắng của các tụ điểm vui chơi lành mạnh, bổ ích cho giới trẻ. Trong khi đó đã xuất hiện nhiều trò chơi bạo lực, nguy hiểm, có mặt khắp nơi nhất là trên các trang mạng xã hội (MXH) lôi cuốn nhiều bạn trẻ sa đà, hư hỏng, nghiện "game" quá mức dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường.

(VLO) Thời gian gần đây, nhiều người rất quan tâm lo lắng về sự quên lãng của nền văn hóa đọc; nhiều người khác lại lo ngại sự thiếu vắng của các tụ điểm vui chơi lành mạnh, bổ ích cho giới trẻ. Trong khi đó đã xuất hiện nhiều trò chơi bạo lực, nguy hiểm, có mặt khắp nơi nhất là trên các trang mạng xã hội (MXH) lôi cuốn nhiều bạn trẻ sa đà, hư hỏng, nghiện “game” quá mức dẫn đến nhiều hậu quả khôn lường.

Anh Nguyễn Văn Bé Ba.
Anh Nguyễn Văn Bé Ba.

Một mô hình mới, lạ, bổ ích cần nhân rộng

Hơn một tháng qua, nhiều cư dân sinh sống tại xã Thiện Mỹ (Trà Ôn) và nhiều em học sinh rất bất ngờ trước sự có mặt của một tụ điểm văn hóa có tên “Lều Trạng Nguyên” (tọa lạc trước Lăng Ông Thống chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn).

Anh Nguyễn Văn Bé Ba (thường gọi là Tuấn, 42 tuổi)- người khởi xướng mô hình này cho biết suy nghĩ và cách làm của mình: “Sở dĩ có tên “Lều Trạng Nguyên” là tôi muốn khơi dậy sự đam mê đọc, nghiên cứu sách báo trên nhiều lĩnh vực. Cạnh đó là động viên các em phấn đấu học tập tốt, rèn luyện giỏi, luôn vượt khó khăn như các vị trạng nguyên thời xa xưa”.

Trước đây anh Bé Ba có thời gian dài công tác trong ngành du lịch tại TP Hồ Chí Minh nên có điều kiện tìm hiểu, tham quan nhiều di tích lịch sử, văn hóa, nghệ thuật ở các địa phương. Bản thân anh luôn trăn trở trước việc các bạn trẻ chưa hiểu, chưa thật trân trọng, tự hào đất Trà Ôn khi có được một di tích lịch sử cấp quốc gia mang tên ông Nguyễn Văn Tồn.

Cùng với đó là môi trường, cảnh quan, an ninh trật tự xung quanh lăng thời gian qua chưa tốt. Sau khi bàn bạc với người bạn đời vốn là một nữ họa sĩ đang công tác tại TP Hồ Chí Minh, anh Bé Ba đã quyết định trở về Trà Ôn, quê hương của mình để bắt đầu cuộc hành trình rất “đặc biệt” và nhiều khó khăn nhưng không làm anh chùn bước. Đây là tâm nguyện lớn lao đã theo đuổi anh nhiều năm nay mới có cơ hội thực hiện.

Tiếp tục mở rộng mô hình

Từ tháng 2/2021, mô hình “Lều Trạng Nguyên” chính thức đi vào hoạt động từ 8 đến 20 giờ mỗi ngày thứ 3 đến chủ nhật (nghỉ vào thứ hai) với sự tham gia hào hứng của rất nhiều học sinh.

Học sinh đến đọc sách tại “Lều Trạng Nguyên”.
Học sinh đến đọc sách tại “Lều Trạng Nguyên”.

Em Võ Thị Huyền Nga- học sinh Trường PTTH xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn)- phấn khởi nói: “Tuy trường cách “Lều trạng Nguyên” gần 10km nhưng em và chúng bạn thường xuyên đến đây vào các ngày nghỉ, giờ nghỉ. Ở đây rất thoáng mát, yên tịnh, nhiều sách, báo, tư liệu miễn phí, nhiều cây xanh.

Vui nhất là được chơi rất nhiều trò chơi dân gian, chơi các loại cờ để mở mang trí tuệ. Không những thế, còn được nghe chú Bé Ba kể rất nhiều câu chuyện về 10 vị trạng nguyên tiêu biểu của nước ta và tiểu sử, công lao của ông Nguyễn Văn Tồn trên đất Trà Ôn”.

Tôi theo chân anh Bé Ba tham quan 10 chiếc lều rất khang trang, sạch đẹp, bố trí hài hòa với nhiều sách báo, trò chơi... Mỗi lều mang tên một vị trạng nguyên khác nhau ở các thời kỳ phong kiến, niên đại khác nhau như: Nguyễn Bỉnh Khiêm, Trần Sùng Dĩnh, Nguyễn Quan Quang, Lương Thế Vinh...

Chúng tôi rất ngưỡng mộ sự hiểu biết về cuộc đời, thân thế, công lao cùng nhiều mẩu chuyện từng trạng nguyên lẫn thân thế ông Nguyễn Văn Tồn mà anh Bé Ba dày công sưu tập, nghiên cứu.

Anh nói rất chân tình: “Mình phải tường tận như thế mới giải thích cho giới trẻ biết để tăng sức thuyết phục. Đây là trách nhiệm, là cách thức để thu hút người quan tâm đến với “Lều Trạng Nguyên”.

“Lều Trạng Nguyên” tại Khu di tích Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn”.
“Lều Trạng Nguyên” tại Khu di tích Lăng Ông Thống chế Điều bát Nguyễn Văn Tồn”.

Mừng là ngày có càng nhiều bạn trẻ đến đây, điều cốt lõi là để các em có điều kiện nâng cao nền văn hóa đọc, biết và trân trọng hơn những tấm gương hiếu học của các vị trạng nguyên nước nhà”.

Anh Bé Ba còn cho biết một số dự kiến thực hiện trong tương lai: Tôi sẽ mở lớp dạy mỹ thuật miễn phí cho các em, giáo viên là vợ tôi.

Cùng với đó sẽ hình thành thêm 10 chiếc lều (mỗi chiếc trị giá từ 6 đến 8 triệu đồng) với đầy đủ sách báo các loại; xây dựng nhiều thiết chế văn hóa; các điểm hoạt động trò chơi dân gian tiến đến mô hình “Làng Du lịch nghỉ dưỡng Lăng Ông Nguyễn Văn Tồn” với sự tham gia của 17 thành viên sống liền kề nhau và cùng là họ hàng, lớp cháu con qua nhiều thế hệ của Thống Chế Điều Bát Nguyễn Văn Tồn.

Bài, ảnh: TRƯƠNG THANH LIÊM

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh