Phát triển đô thị, nông thôn ĐBSCL thích ứng BĐKH

05:03, 17/03/2021

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục dành nguồn lực thích đáng để triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 120, trong đó tập trung rà soát, điều chỉnh, lập mới, triển khai thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị và nông thôn, quan tâm phát triển đô thị có chất lượng bền vững, thích ứng với BĐKH.

 

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục dành nguồn lực thích đáng để triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 120, trong đó tập trung rà soát, điều chỉnh, lập mới, triển khai thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị và nông thôn, quan tâm phát triển đô thị có chất lượng bền vững, thích ứng với BĐKH.

Toàn vùng ĐBSCL hiện có 174 đô thị gồm: 1 đô thị trực thuộc Trung ương, 2 đô thị loại I thuộc tỉnh, 12 đô thị loại II, 9 đô thị loại III, 23 đô thị loại IV và 127 đô thị loại V. Tỷ lệ đô thị hóa toàn vùng tăng từ 27% năm 2017 lên trên 31% năm 2020.

Theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị, chất lượng các đô thị của vùng ĐBSCL từng bước được cải thiện, phát huy vai trò hạt nhân, động lực thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của từng tỉnh và của toàn vùng.

Thời gian qua, công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị được đẩy mạnh. Tổng công suất các nhà máy nước sinh hoạt đô thị vùng ĐBSCL đã đạt khoảng 1,32 triệu m3/ngày đêm. Tỷ lệ dân cư đô thị được cấp nước sạch trung bình vùng đạt khoảng 89,6% (tăng 1,5% so với năm 2017); tỷ lệ thất thoát, thất thu nước sạch trung bình vùng đạt 22,5% (giảm khoảng 1,5% so với năm 2017).

Bên cạnh, các chương trình, dự án hỗ trợ kỹ thuật của Ngân hàng Thế giới, các tổ chức quốc tế về nâng cấp ĐT, cấp thoát nước và xử lý nước thải được triển khai thực hiện có hiệu quả, góp phần cải thiện đời sống của người dân và thúc đẩy phát triển kinh tế- xã hội của các địa phương.

Tuy nhiên, bên cạnh các kết quả tích cực, vẫn còn nhiều thách thức: tỷ lệ ĐT hóa và tốc độ ĐT hóa của vùng vẫn thấp hơn so cả nước; hệ thống cơ sở hạ tầng kỹ thuật còn yếu và thiếu đồng bộ; việc thu gom và xử lý chất thải rắn, nước thải còn thấp và công nghệ lạc hậu. Trong khi đó, BĐKH đang diễn ra phức tạp, lũ lụt, hạn mặn, sụt lún nền đất... gây ảnh hưởng cuộc sống người dân.

Về các giải pháp phát triển đô thị, nông thôn vùng ĐBSCL thích ứng với BĐKH, Bộ Xây dựng tổ chức nghiên cứu qua Đề án phát triển các đô thị Việt Nam ứng phó với BĐKH giai đoạn 2013-2020. Nội dung liên quan đến vùng ĐBSCL có 4 chương trình (chương trình 1,3,4 và 5).

Theo đó, chương trình 1: Xây dựng cơ sở dữ liệu và hệ thống bản đồ cảnh báo rủi ro đô thị (Atlas đô thị và khí hậu), một số đô thị đang xây dựng mô hình như Long An, Cà Mau, Kiên Giang… Chương trình 3: bổ sung lồng ghép nội dung BĐKH vào quy hoạch xây dựng tỉnh và quy hoạch đô thị.

Chương trình 4: Xây dựng kế hoạch hành động và tài liệu hướng dẫn kỹ thuật ứng phó với BĐKH. Đến nay tất cả 13 tỉnh- thành vùng ĐBSCL đã ban hành kế hoạch hành động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng; đề xuất các giải pháp để ứng phó thuộc các lĩnh vực quản lý có liên quan thông qua các cơ chế chính sách, các dự án, nhiệm vụ, giải pháp cụ thể.

Trong khi đó, chương trình 5: Phối hợp với các tổ chức quốc tế thực hiện nghiên cứu khoa học về phát triển đô thị ứng phó với BĐKH, triển khai thí điểm các dự án phát triển đô thị sinh thái, đô thị xanh.

Qua rà soát, tất cả 13 tỉnh- thành thuộc vùng ĐBSCL đã và đang chủ động huy động sự hỗ trợ của các tổ chức quốc tế để triển khai các dự án ứng phó với BĐKH trên địa bàn. Bộ Xây dựng đã thực hiện 2 dự án đáp ứng 2 chương trình được giao cụ thể, trong đó có Dự án Nâng cấp đô thị vùng ĐBSCL. Đồng thời, Bộ Xây dựng đang tổ chức nghiên cứu nhiệm vụ “Nghiên cứu xây dựng nhiệm vụ trọng tâm chương trình thí điểm phát triển đô thị vùng ĐBSCL thông minh”.

Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị được đẩy mạnh.
Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật đô thị được đẩy mạnh.

Theo Viện Quy hoạch ĐT và nông thôn quốc gia (Bộ Xây dựng), xây dựng các khu định cư ĐT- nông thôn vùng ĐBSCL cần có trách nhiệm với hệ sinh thái tự nhiên, đa dạng sinh học, chủ động thích ứng với BĐKH và duy trì bản sắc văn hóa lối sống sông nước, miệt vườn Tây Nam Bộ.

Phó cục trưởng Cục Phát triển ĐT (Bộ Xây dựng) Trần Thị Lan Anh thì đề xuất mô hình phát triển hệ thống ĐT- nông thôn vùng ĐBSCL là: phi tập trung, chủ động “dành chỗ cho nước”.

Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị cho biết, trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục dành nguồn lực thích đáng để triển khai các nhiệm vụ được giao tại Nghị quyết 120, trong đó tập trung rà soát, điều chỉnh, lập mới, triển khai thực hiện quy hoạch vùng, quy hoạch đô thị và nông thôn, quan tâm phát triển đô thị có chất lượng bền vững, thích ứng với BĐKH...

Triển khai Nghị quyết số 120 ngày 17/11/2017 của Chính phủ về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH, Quyết định số 825 ngày 12/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập và ban hành quy chế hoạt động của Hội đồng Điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020- 2025, Bộ Xây dựng đã ban hành Quyết định số 1122 ngày 24/8/2020 về việc thành lập Tổ điều phối vùng ĐBSCL giai đoạn 2020-2025. Đến nay, nhiều nhiệm vụ đã được Bộ Xây dựng triển khai đạt kết quả tích cực. Trong đó, 12/2020, Bộ Xây dựng đã phối hợp với Tổ chức Hợp tác quốc tế Đức tại Việt Nam (GIZ) tổ chức hội thảo “Định hướng phát triển hệ thống đô thị, nông thôn tại vùng ĐBSCL” tại TP Cần Thơ nhằm tham vấn các ý kiến chuyên gia trong việc phát triển bền vững các đô thị, nông thôn ĐBSCL thích ứng với BĐKH.

Bài, ảnh: SƠN HIỀN QUÂN

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh