Nắng nóng trở lại, chỉ số tia cực tím ở mức cực đại

10:03, 12/03/2021

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo từ ngày 11/3 nhiệt độ tại miền Nam tăng trở lại, các tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có TP.HCM, lại đối mặt với mức nhiệt 35-37 độ C, trời nắng rát.

Đài khí tượng thủy văn khu vực Nam Bộ dự báo từ ngày 11/3 nhiệt độ tại miền Nam tăng trở lại, các tỉnh thành khu vực Đông Nam Bộ, trong đó có TP.HCM, lại đối mặt với mức nhiệt 35-37 độ C, trời nắng rát.

 Nắng nóng đi kèm với độ ẩm thấp khiến cho cơ thể người làm việc ngoài trời mất nước - Ảnh: CHÂU TUẤN
Nắng nóng đi kèm với độ ẩm thấp khiến cho cơ thể người làm việc ngoài trời mất nước - Ảnh: CHÂU TUẤN

Trang Weather Online của Anh cũng dự báo chỉ số tia cực tím (UV) tại TP.HCM từ nay đến ngày 14/3 ở mức cực đại là 10, 11 - mức gây nguy hại cao cho sức khỏe, đặc biệt là da.

Gây tổn thương da

Trao đổi với Tuổi Trẻ ngày 11/3, ThS Phan Minh Đoàn - khoa thẩm mỹ da Bệnh viện Da liễu TP.HCM - cho biết những ngày vừa qua đơn vị tiếp nhận khám nhiều bệnh nhân là những người làm việc ngoài trời (công nhân, tài xế... ) gặp các vấn đề về da do tiếp xúc trực tiếp ánh nắng mặt trời như bỏng rộp da, nám da, sạm da... Một số bệnh nhân chăm sóc da không đúng cách khi bỏng rộp da, gây bội nhiễm thứ phát phải nhập viện điều trị.

Theo bác sĩ Đoàn, tùy mức độ tiếp xúc và cường độ của tia cực tím, da có thể có các biểu hiện tổn thương cấp tính khác nhau. Nếu tiếp xúc ánh nắng trong thời gian dài sẽ gây ra tình trạng mãn tính như nám da, sạm da, thậm chí ung thư da. Đối với những bệnh nhân đã mắc lupus ban đỏ, trứng cá đỏ, chàm nhạy cảm ánh sáng, dày sừng ánh sáng... sẽ khiến tình trạng bệnh nặng hơn. 

Trước tình trạng thời tiết tại TP.HCM tiếp tục nắng gắt với cường độ tia cực tím cực đại trong những ngày tới, bác sĩ Đoàn khuyến cáo người dân hạn chế tối đa ra ngoài đường từ 11h-16h, đặc biệt là giữa trưa. Đây là khung giờ có cường độ tia UVA, UVB cao nhất trong ngày.

Nếu có việc phải ra ngoài trời cần bôi kem chống nắng có chỉ số SPF từ 30 trở lên và bôi lại sau hai tiếng đồng hồ khi da ra mồ hôi, mặc áo quần dài tay, tối màu, đội nón, đeo khẩu trang, tránh đi những nơi có bề mặt phẳng màu trắng phản chiếu như cát biển vì cường độ tia cực tím lại tăng gấp đôi.

Nhiều bệnh ở trẻ tăng

Ngoài các tổn thương da do nắng nóng gay gắt, ông Nguyễn Minh Tiến - phó giám đốc Bệnh viện Nhi đồng thành phố (TP.HCM) - cho biết số lượt bệnh nhi mắc tay chân miệng, thủy đậu, quai bị tại đơn vị đang "rộ lên" trong thời gian gần đây, trong đó có một số trường hợp rất nặng, nguy kịch phải điều trị tích cực.

Điển hình trường hợp bé gái T.H.D. (15 tháng tuổi, ngụ tại TP Bạc Liêu) mắc bệnh tay chân miệng độ 4, biến chứng nặng, nguy kịch tính mạng. Những ngày đầu phát bệnh, bé D. sốt cao liên tục, nổi mụn nước lòng bàn tay. Đến ngày thứ 3 của bệnh bé gái vẫn sốt cao, ói, giật mình chới với, lơ mơ. Người nhà đưa bé nhập viện tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bạc Liêu trong tình trạng lơ mơ, tím tái, tay chân lạnh, da nổi bông. 

Các bác sĩ chẩn đoán bé mắc bệnh tay chân miệng độ 4 ngày 3, diễn tiến nặng suy hô hấp tuần hoàn. Bé được đặt nội khí quản thở máy, chống sốc, dùng thuốc vận mạch, điều trị hạ sốt tích cực, nhưng bé vẫn sốt cao liên tục, khó hạ nhịp tim (trên 200 lần/phút).

Các bác sĩ hội chẩn khẩn và thống nhất chuyển đến Bệnh viện Nhi đồng thành phố hỗ trợ lọc máu. Tại đây, bé D. được tiếp tục thở máy, dùng thuốc vận mạch, truyền gammaglobuline và lọc máu liên tục. Sau 2 ngày, tình trạng bé cải thiện dần, được cai máy thở.

Bác sĩ Tiến cho biết bệnh tay chân miệng xuất hiện quanh năm, nhưng có xu hướng gia tăng trong khoảng từ tháng 2 - 4 và từ tháng 10 - 12. Đây là thời điểm trẻ nhỏ quay lại trường sau thời gian nghỉ tết và nghỉ hè. 

Bệnh thường gặp ở trẻ tuổi mẫu giáo, vì trẻ hay có thói quen cho tay vào miệng. Trẻ mắc tay chân miệng sẽ có biểu hiện sốt nhẹ hoặc sốt cao, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, nôn ói, tiêu chảy vài lần trong ngày, loét miệng, phát ban dạng phỏng nước. 

Trẻ có thể hồi phục hoàn toàn sau 8-10 ngày mắc bệnh. Tuy nhiên, khi bệnh nặng trẻ có biến chứng thần kinh, suy hô hấp, suy tuần hoàn... dễ dẫn đến tử vong nếu không được điều trị kịp thời. Hiện chưa có vắcxin phòng ngừa bệnh tay chân miệng.

Theo TTO

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh