Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ảnh tình trạng chó thả rông rất nguy hiểm. Ngoài việc có thể cắn người bất cứ lúc nào, chó thả rông còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, mất vệ sinh khi phóng uế bừa bãi. Thế nhưng hiện nay, tình trạng người dân thả rông chó là khá phổ biến.
Thời gian qua, các phương tiện thông tin đại chúng đã phản ảnh tình trạng chó thả rông rất nguy hiểm. Ngoài việc có thể cắn người bất cứ lúc nào, chó thả rông còn tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông, mất vệ sinh khi phóng uế bừa bãi. Thế nhưng hiện nay, tình trạng người dân thả rông chó là khá phổ biến.
Chó thả rông nghênh ngang ngoài đường đã gây ra nhiều vụ tai nạn giao thông đáng tiếc- có vụ chết người. |
Sáng 12/3/2021, trên tuyến Đường huyện 23, đoạn ngang qua xã Hòa Phú, trên đường đi làm, một thanh niên điều khiển xe máy chạy hướng từ UBND xã Hòa Phú đến QL1A đã không may đụng phải con chó chạy rông trên đường. Còn may là vụ va chạm này chỉ làm thanh niên này bị thương nhẹ.
Còn chị Nguyễn Thị Lệ Hằng nhà ở xã Phú Đức (Long Hồ) trên đường đến Khu Công nghiệp Hòa Phú để làm việc thì bất ngờ đụng phải một con chó bất ngờ chạy ra đường và chị té gãy tay. Chị Nguyễn Thị Lệ Hằng nói: “Hổm nay phải bỏ công ăn việc làm. Còn con chó, không ai ra nhận luôn, tự mình đi bệnh viện, nằm viện luôn”.
Trên đường đi làm thêm về, em Phước Văn Thuận ở ấp Thạnh Phú (xã Thạnh Quới- Long Hồ) điều khiển xe máy trên Đường huyện 23 nối liền 2 xã Phú Quới và Thạnh Quới đến đoạn thuộc ấp Phú Thạnh B thì một con chó bất ngờ chạy ngang qua lộ. Sau khi tránh con cho băng ngang đường, Thuận đã bị té, phải nằm điều trị tại Bệnh viện Xuyên Á hết 5 ngày. Chi phí điều trị do gia đình em chi trả vì không biết chó đó là của ai.
Thuận kể lại: “Hôm đó, em đi làm thêm ở một quán ăn, về nhà khoảng 22 giờ. Trên đường chạy xe thì bất ngờ có một con chó băng ngang qua lộ. Em tránh con chó và không làm chủ được tay lái nên té lộn mèo. Nhờ em đội nón bảo hiểm chứ thôi là nguy hiểm rồi. Em mong sao người nuôi chó không thả rông chó ngoài đường nữa để không còn những trường hợp tương tự như em”.
Việc thả rông chó không những làm cản trở, mất an toàn giao thông mà còn gây mất vệ sinh, ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng mỹ quan. Pháp luật đã có những chế tài xử phạt đối với những vi phạm về việc chủ nuôi thả gia súc, vật nuôi không quản lý, lấn chiếm lòng đường.
Luật Giao thông đường bộ năm 2008 quy định: Người dẫn dắt súc vật đi trên đường bộ phải cho súc vật đi sát mép đường và bảo đảm vệ sinh trên đường; trường hợp cần cho súc vật đi ngang qua đường thì phải quan sát và chỉ được đi qua đường khi có đủ điều kiện an toàn; không được dẫn dắt súc vật đi vào phần đường dành cho xe cơ giới.
Theo khoản 2 Điều 10 Nghị định 46/2016/NĐ-CP, phạt tiền từ 60.000- 80.000đ đối với người có hành vi điều khiển, dẫn dắt súc vật đi không đúng phần đường quy định, đi vào đường cấm, khu vực cấm, đi vào phần đường dành cho xe cơ giới…
Bên cạnh đó, để nâng cao ý thức của người dân về quản lý vật nuôi nói chung, chó mèo nói riêng, Chính phủ ban hành Nghị định 90/2017/NĐ-CP quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực thú y có hiệu lực từ ngày 15/9/2017.
Theo đó, người nuôi chó thả rông, không tiêm phòng cho chó sẽ bị phạt tới 1,6 triệu đồng cho cả 2 mức. Trường hợp chủ vật nuôi để chó thả rông cắn người hoặc cản trở phương tiện giao thông gây tai nạn, chủ nuôi phải chịu mọi chi phí điều trị và các chi phí liên quan.
Quy định là như vậy, nhưng trên thực tế, tình trạng người vi phạm về chăn, thả rông gia súc nói chung, chó nói riêng tại một số tuyến đường giao thông hiện đang diễn ra phổ biến. Người bị chó thả rông cản trở, gây tai nạn giao thông thì vẫn phải tự chịu chi phí, do người bị nạn không nắm rõ quy định của pháp luật hoặc biết nhưng chủ chó trốn tránh trách nhiệm bồi thường.
Theo quy định, chính quyền cấp xã có thẩm quyền quản lý và xử lý các hành vi vi phạm đối với người để gia súc, vật nuôi thả rông. Tuy nhiên, tại nhiều địa phương, để xử lý các hành vi vi phạm trên là rất khó khăn.
Chó thả rông trên đường rất nguy hiểm cho các phương tiện tham gia giao thông và cả tính mạng, sức khỏe của người đi bộ trên đường, nếu chẳng may bị loài vật tấn công. Để tránh tình trạng chó thả rông gây tai nạn cho người tham gia giao thông, người chủ cần quản lý tốt vật nuôi, hạn chế thả rông ra đường, tiêm phòng đầy đủ; đồng thời, người tham gia giao thông cũng cần giảm tốc độ nếu có động vật trên đường, tránh tai nạn đáng tiếc xảy ra.
Bài, ảnh: PHƯỚC GIANG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin