Bảo vệ trẻ em trên môi trường mạng

05:03, 31/03/2021

Sự phát triển của mạng Internet ảnh hưởng mạnh mẽ và làm thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt của mọi nhà, mọi người, trong đó có những tác động to lớn đối với trẻ em. Nhiều trẻ em tiếp xúc với mạng ngay từ giai đoạn nhận biết sự vật, học nói... 

 

Rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường hoạt động thể chất để trẻ phát triển toàn diện.
Rèn luyện kỹ năng sống, tăng cường hoạt động thể chất để trẻ phát triển toàn diện.

(VLO) Sự phát triển của mạng Internet ảnh hưởng mạnh mẽ và làm thay đổi nhiều thói quen sinh hoạt của mọi nhà, mọi người, trong đó có những tác động to lớn đối với trẻ em. Nhiều trẻ em tiếp xúc với mạng ngay từ giai đoạn nhận biết sự vật, học nói... Bên cạnh nhiều tiện ích thì môi trường trên mạng cũng mang đến nhiều rủi ro, nguy cơ xâm hại, mất an toàn cho trẻ em.

Từ thói quen đến “nghiện”

Việt Nam hiện là một trong các quốc gia có tỷ lệ sử dụng Internet tăng trưởng nhanh nhất ở khu vực Châu Á- Thái Bình Dương. Theo số liệu của UNICEF, hơn 1/3 số người dùng Internet ở Việt Nam là người chưa thành niên và thanh niên (trong độ tuổi 15- 24). 

Mỗi ngày có hơn 720.000 hình ảnh về xâm hại trẻ em được đưa lên mạng nhưng cũng không thể đo đếm được về mức độ phổ biến, quy mô của xâm hại trẻ em trên mạng. Phần lớn trẻ em tự học cách dùng Internet (60%).

Hầu hết các trường học chỉ dạy học sinh kỹ năng công nghệ thông tin, không dạy về sử dụng mạng an toàn. 

Mới đây, trang Youtuber Thơ Nguyễn (với 6,2 tỷ lượt xem, gần 9 triệu lượt đăng ký, nhiều thứ 7 Việt Nam) khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ khi đăng tải đoạn video có nội dung “xin vía học giỏi” truyền bá việc nuôi Kumanthong (loại búp bê tâm linh có nguồn gốc từ Thái Lan- PV).

Qua làm việc, Thanh tra Sở Thông tin- Truyền thông tỉnh Bình Dương xác định việc đăng tải clip trên là hành vi vi phạm cung cấp, chia sẻ thông tin cổ súy mê tín dị đoan nên đã lập biên bản và ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính 7,5 triệu đồng.

Nếu lần đầu xem clip, nhiều người sẽ bật cười để kết luận: nhảm nhí nhưng với 9 triệu lượt đăng ký, mà phần lớn là trẻ em theo dõi thì khó mà lường được ảnh hưởng của nó.

Thơ Nguyễn không phải là kênh duy nhất xuất hiện các nội dung phản cảm hoặc nhảm nhí trên mạng xã hội. Vài năm trước, đó là câu chuyện của loạt clip chứa nhiều cảnh nóng được tạo hình từ các nhân vật hoạt hình từ Disney, Marvel như công chúa Elsa, Spider-Man, Joker, Superman…; là trò chơi “Thử thách Momo” có nội dung hướng dẫn trẻ... tự sát; là Hưng Vlog với những clip gây hại cho trẻ như “nấu cháo gà nguyên lông” từng bị phạt 7,5 triệu đồng.

Sự tri nhận của trẻ luôn là một điều đặc biệt có quy luật rất riêng. Trí óc non nớt hồn nhiên của các em đi liền với sự thơ ngây và hiếu kỳ với mọi thứ xuất hiện trước mắt.

Nhiều người có thói quen đưa trẻ chiếc điện thoại, máy tính bảng để các em “giữ trật tự” và từ thói quen trở thành phản xạ không thể thiếu, trẻ “nghiện” điện thoại mọi lúc mọi nơi.

Giảm thiểu nguy cơ trên mạng trong dịch COVID-19

Theo UNICEF, trong đại dịch COVID-19, cuộc sống của hàng triệu trẻ em đang tạm thời bó hẹp trong gia đình và màn hình.

Nhiều học sinh giờ đây học tập cũng như giao lưu nhiều hơn trên mạng. Chuyên gia Trần Ban Hùng, với gần 30 năm công tác liên quan đến quyền trẻ em vừa có buổi chia sẻ ở lớp tập huấn nâng cao kỹ năng về bảo vệ trẻ em tại TP Vĩnh Long.

Theo ông, một trong những vấn đề xã hội đang quan tâm là vấn đề xâm hại trẻ em và an toàn trên mạng. “Chúng tôi chia sẻ để mọi người thấy được nguy cơ trên mạng và cách thức trẻ em tự bảo vệ mình trên mạng. Kỹ năng và kiến thức rất cần thiết.

Bản thân cha mẹ, người giám hộ trẻ em cũng phải biết kiến thức liên quan tới những kỹ năng để giúp đỡ con em mình, học sinh mình an toàn trước những hiện tượng trên mạng, xâm hại tình dục trẻ em”- chuyên gia Trần Ban Hùng chia sẻ.

Những buổi chiều tháng 3, các công viên ở TP Vĩnh Long rực rỡ cánh diều bay lượn. Chị Huỳnh Ngọc Châu dắt các em ra Công viên Truyền hình thả diều.

Internet mang đến tiện ích nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ xâm hại, mất an toàn cho trẻ em.
Internet mang đến tiện ích nhưng cũng tiềm ẩn nguy cơ xâm hại, mất an toàn cho trẻ em.

Chị Châu cho biết: “Các bé ngày nay phụ thuộc vào điện thoại: ăn cũng xem điện thoại, rảnh là đòi điện thoại, trước lúc ngủ cũng phải dùng điện thoại mới dỗ được. Ở nhà chúng tôi theo dõi kỹ, hạn chế thời gian cho bé chơi game, xem điện thoại.

Thay vào đó phải có hoạt động vui hơn, hấp dẫn hơn để thu hút các bé như cho bé đi đá bóng, đi bơi, thả diều… Các em vừa tăng cường hoạt động thể chất, vừa có những trải nghiệm tuổi thơ đáng nhớ hơn”.

Cùng với việc giảng dạy ở nhà trường, phụ huynh là người có trách nhiệm dõi theo và bảo vệ con trước việc mất an toàn trên mạng.

Đảm bảo các thiết bị của con được cập nhật phiên bản mới nhất và có các chương trình chống vi rút. Cần chia sẻ cởi mở với con về cách giao tiếp trên mạng, giao tiếp như thế nào, với ai; cùng con xây dựng những nguyên tắc khi dùng Internet, dùng như thế nào, khi nào, những kênh nào; chú ý đến những dấu hiệu lo lắng của trẻ khi sử dụng mạng; đảm bảo con mình biết các chính sách về nhà trường và cơ chế báo cáo ở địa phương, có các số điện thoại hỗ trợ và đường dây nóng…

Đừng chỉ đổ lỗi cho những clip như trường hợp của Thơ Nguyễn, nếu bản thân chúng ta không tự nhận ra phụ huynh chính là những người đầu tiên có trách nhiệm bảo vệ các em khỏi những điều không có ích. Cách mạng 4.0 đang diễn ra và trẻ em không thể đứng ngoài thế giới của Internet.

Rất cần một cơ chế sàng lọc kiểm soát thông tin độc hại đối với trẻ em, điều này cần trách nhiệm của các cơ quan quản lý công nghệ thông tin, nhà trường và quan trọng hơn cả là mỗi gia đình.

Bài, ảnh: PHƯƠNG THÚY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh