Kỳ cuối: "Ở đâu khó, có ông Bảy"

09:10, 17/10/2020

"Ở đâu có việc gì khó, cứ gọi ông Bảy là được"- đó là câu nói chắc nịch của Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lược Dương Thị Việt Hà khi kể về ông Bảy (ông Biện Bá Lợi- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Thư ký Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Lược, huyện Bình Tân).

>> Kỳ 1: Tấm lòng ấm áp của cô giáo vùng xa

>> Kỳ 2: Vận động nông dân cùng nhau làm giàu

 

Ông Lợi (phải) luôn miệt mài với những việc làm “không công” của mình.
Ông Lợi (phải) luôn miệt mài với những việc làm “không công” của mình.

 

“Ở đâu có việc gì khó, cứ gọi ông Bảy là được”- đó là câu nói chắc nịch của Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lược Dương Thị Việt Hà khi kể về ông Bảy (ông Biện Bá Lợi- Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, Thư ký Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Lược, huyện Bình Tân).

Ngày gặp chúng tôi cũng là ngày ông Bảy chuẩn bị lên đường ra thủ đô để được tuyên dương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc. Đây chính là “trái ngọt” từ những việc làm cụ thể, lấy hiệu quả thực chất làm tiêu chí hàng đầu,“khéo dân vận” thực hiện tốt an sinh xã hội.

Còn sức còn làm công tác xã hội

Hình ảnh ông Bảy “khéo dân vận” một mình trên chiếc xe máy rong ruổi khắp nơi, tích cực đi vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm và nhân dân tham gia đóng góp xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn và vận động mua xe cứu thương chuyển bệnh miễn phí đã trở nên quen thuộc với người dân xã Tân Lược trong suốt những năm qua.

Thấy bà con quê mình còn quá nhiều khó khăn, từ giao thông đến nhu cầu chăm sóc sức khỏe, nhà ở… Từ những suy nghĩ, trăn trở làm thế nào để tạo sự thuận lợi cho bà con đi lại, vận chuyển hàng hóa và chuyển bệnh được nhanh chóng, kịp thời, ông Bảy đã bắt đầu thực hiện tâm nguyện của mình, “giúp dân mình khá hơn”.

Theo đó, ông Bảy đã chủ động trao đổi, bàn bạc với BCH Hội Chữ thập đỏ và Ban Trị sự tìm cách tuyên truyền, vận động các mạnh thường quân, nhà hảo tâm và nhân dân trong, ngoài xã đóng góp ngày công, vận động đồng hương, doanh nghiệp tham gia đóng góp tiền- của để xây dựng cầu, đường giao thông nông thôn và xe cứu thương chuyển bệnh miễn phí.

“Thực tế những việc làm này bản thân đã thực hiện từ năm 2011, lúc đầu phương tiện chuyển bệnh chủ yếu là thuyền, ghe nhỏ đã cũ kỹ và xuống cấp, thiếu an toàn khi gặp sóng to, gió lớn. Có những trường hợp bệnh nặng không đến bệnh viện kịp lúc, bệnh trở nặng thêm và cũng có trường hợp mất trên đường đi, bản thân cảm thấy rất đau lòng”- ông Bảy chia sẻ.

Nhận được sự ủng hộ, 5 năm qua, ông Bảy đã vận động mua được 2 xe chuyên dụng chuyển bệnh miễn phí cho nhân dân trong xã. Để phục vụ chuyên chở, có 8 tài xế và 7 phụ xe luôn đảm bảo luân phiên thường trực, sẵn sàng phục vụ chuyển bệnh 24/24 khi người dân yêu cầu.

Thấy được hiệu quả thiết thực, nhiều người dân, nhất là những người được hỗ trợ trước đây đã tình nguyện trở lại tham gia phục vụ ngày càng đông. “Thấy được hiệu quả, bà con và các nhà hảo tâm địa phương càng thêm tin tưởng, hỗ trợ thêm kinh phí mua xăng dầu thường xuyên và nhiều hơn”- ông Bảy cho biết thêm.

Song song đó, qua khảo sát thấy trên địa bàn còn nhiều cây cầu, đường giao thông chưa đáp ứng kịp nhu cầu đi lại của bà con, ông Bảy đã tích cực tham gia cùng với UBND xã xây dựng kế hoạch vận động làm.

Theo đó, ông Bảy cùng với BCH Hội và Ban Trị sự đã tích cực vận động các mạnh thường quân và nhân dân trong và ngoài xã, “người có tiền thì góp tiền, người không có tiền thì tham gia đóng góp ngày công” để xây dựng cầu và các tuyến đường đã xuống cấp trên địa bàn xã.

Nhiều cây cầu kiên cố được ông Lợi tích cực vận động xây cất lên, thay đổi diện mạo nông thôn, tạo thuận lợi giao thương.
Nhiều cây cầu kiên cố được ông Lợi tích cực vận động xây cất lên, thay đổi diện mạo nông thôn, tạo thuận lợi giao thương.

“Để tiết kiệm kinh phí trong xây dựng, tôi đã vận động thành lập 1 đội chuyên xây dựng cầu, đường để thực hiện các công trình đảm bảo chất lượng. Trong suốt thời gian xây dựng cầu hay làm đường giao thông, tôi đã vận động được đông đảo nhân dân tự nguyện tham gia nên không phải thuê nhân công xây dựng. Mỗi ngày bình quân có từ 30- 40 nhân công tự nguyện tham gia”- ông Bảy cho hay. Kết quả trong 5 năm, ông Bảy đã vận động xây mới 18 cầu và sửa chữa 12 cầu giao thông với tổng kinh phí trên 3,5 tỷ đồng.

Cô Trương Ngọc Giàu (ấp Tân Vĩnh) không giấu nổi niềm phấn khởi: “Dân ở đây nhớ hoài con đường lúc trước rất thấp, nước lên là ngập lênh láng, đi đứng không xong. Giờ làm con đường này ngon lành, đi lại khỏe re”. Niềm vui nhỏ nhoi của ông Bảy là khi thấy người dân đi lại thuận tiện, bà con tấp nập buôn bán; trẻ nhỏ đến trường; công nhân đi làm trên con đường bon bon, rộng rãi, sạch đẹp.

“Đi từng ngõ, gõ cửa từng nhà”

Chia sẻ về thời gian đầu vận động thực hiện mô hình, ông Bảy cho biết, lúc đầu gặp khó khăn khi chi phí mua xe cứu thương quá lớn, với khoảng 770 triệu đồng/xe; rồi việc đảm bảo nhiên liệu đi lại…

Lúc đó, đa số bà con tín đồ và nhân dân còn e ngại trong tham gia đóng góp, tuy nhiên, với tinh thần “không nản chí”, ông kết hợp phát huy vai trò người có uy tín và kiên trì vận động, thuyết phục với phương châm “đến từng ngõ, gõ cửa từng nhà”. Khi vận động, ông Bảy giải thích cho dân hiểu đây là việc làm có lợi ích thiết thực và ý nghĩa, ai cũng hưởng lợi, từ đó dần làm thay đổi nhận thức của đông đảo nhân dân.

Với những cách làm phù hợp, kết hợp làm tốt công tác “dân vận khéo”, ông Bảy là tấm gương điển hình cho mọi người học hỏi, nhận được sự yêu mến, ủng hộ của bà con. Bà Dương Thị Việt Hà- Chủ tịch Hội Nông dân xã Tân Lược- vô cùng tâm đắc khi nói về ông: “Cái nào khó, chỗ nào làm không được thì tìm chú Bảy giúp sức là được ngay”. Còn cô Đặng Thị Phăng (ấp Tân Vĩnh) nhớ mãi không quên ngày ông Bảy tất tả chạy xuống báo tin mừng “có nhà mới” cho cô.

“Tôi thì lớn tuổi, còn đứa con thì bị khù khờ. Đâu bao giờ nghĩ có được cái nhà như bây giờ. Cám ơn ông Bảy lắm. Nhờ ổng vận động mà giờ nhà tôi mới được kiên cố”- cô Phăng xúc động.

Thấy được mô hình “dân vận khéo” của ông Bảy mang lại hiệu quả, nhiều xã đã đến trao đổi, học tập kinh nghiệm, cách làm để áp dụng tại địa phương mình. Riêng ông Bảy thì luôn khiêm tốn khi cho rằng “Mưa dầm thấm lâu, và cũng nhờ cái duyên nói chuyện mọi người thương mà ủng hộ thực hiện. Ai khổ cái gì thì tôi vận động giúp cái nấy”. Cái hay nữa mà ông Bảy luôn duy trì đến nay là khi hoàn thành công trình nào đều được công khai kinh phí rõ ràng, minh bạch, được gắn bảng vàng lưu niệm, nhờ đó nhân dân ngày càng tin tưởng và ủng hộ nhiệt tình hơn.

Đường nhà kho thuốc Nam (ấp Tân Vĩnh) hoàn thành nhờ tài “khéo dân vận” của ông Lợi, đem lại niềm vui cho người dân nơi đây.
Đường nhà kho thuốc Nam (ấp Tân Vĩnh) hoàn thành nhờ tài “khéo dân vận” của ông Lợi, đem lại niềm vui cho người dân nơi đây.

Đến nay, toàn huyện Bình Tân có 7 chiếc xe chuyển bệnh miễn phí cho nhân dân với hơn 8.500 ca cấp cứu kịp thời, tạo phúc lợi xã hội trên 2 tỷ đồng. Những công trình giao thông nông thôn hoàn thành, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị ở địa phương, nhất là trong xây dựng xã nông thôn mới. Mô hình “dân vận khéo” của ông Bảy đã tạo được dấu ấn gần xa và phong trào “dân vận khéo” cũng từ đó ngày càng đi vào chiều sâu, tạo sức lan tỏa.

Theo ông Nguyễn Văn Thanh- Trưởng Khối vận, Chủ tịch MTTQ xã Tân Lược (Bình Tân), ông Biện Bá Lợi luôn trách nhiệm, gương mẫu và rất khéo vận động quần chúng, người dân địa phương nơi đây rất yêu quý ông; chỉ cần ông lên tiếng là vận động thành công. Với nhiều hoạt động từ thiện ở các lĩnh vực của ông đã góp phần xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, phát triển kinh tế địa phương, an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới.

Chia tay chúng tôi, ông Bảy không quên “căn dặn” rằng, phải ghi nhớ mãi lời dạy của Bác “Dân vận kém việc gì cũng kém, dân vận khéo việc gì cũng thành công”, ông nguyện với lòng còn sức là còn làm.

Thật vậy, rất nhiều điển hình “Dân vận khéo” đã góp phần giải quyết được nhiều vấn đề bức xúc, khó khăn trong nhân dân và đã thúc đẩy mạnh mẽ sự phát triển kinh tế- xã hội, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho các tầng lớp nhân dân.

Chính vì thế, toàn Đảng toàn dân chúng ta sẽ tiếp tục học tập quán triệt và thực hiện tốt những quan điểm chủ trương của Đảng về dân vận, tiếp tục nâng cao chất lượng những điển hình “Dân vận khéo”, góp phần tích cực vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu theo tinh thần nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long đề ra.

Với tấm lòng của mình, ông Biện Bá Lợi nhận được nhiều khen thưởng từ địa phương đến Trung ương; mới đây ông nhận bằng khen của UBND tỉnh trong phong trào “Dân vận khéo” giai đoạn 2015- 2020 và vinh dự nhận bằng khen của Ban Dân vận Trung ương điển hình “Dân vận khéo” toàn quốc giai đoạn 2015- 2020.

 

Bài, ảnh: HẢI YẾN- TUYẾT NGA

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh