Nấm ống tai ngoài gây ngứa tai, khó chịu. Thêm nữa, tỷ lệ tái phát bệnh dao động từ 7 đến 48%
Nấm ống tai ngoài gây ngứa tai, khó chịu. Thêm nữa, tỷ lệ tái phát bệnh dao động từ 7 đến 48%
Nếu ai đã từng bị nấm ống tai ngoài thì sẽ hiểu cảm giác khó chịu do bệnh gây ra. Ngứa, ngứa, ngứa…. sau một vài ngày dùng tăm bông ngoáy tai liên tục (cho đỡ ngứa), bắt đầu xuất hiện ù tai, và nếu tiếp tục ngoáy tai… tai sẽ đau thậm chí đau chói, dịch chảy nhiều ra cửa tai. Đây thường là biểu hiện thường gặp của bệnh được gọi là nấm ống tai ngoài.
Nấm ống tai ngoài là một bệnh khá thường gặp ở Việt Nam, theo thống kê, bệnh chiếm khoảng 30% các bệnh lý nhiễm trùng tai. Người bệnh nấm ống tai ngoài thường đến khám với bệnh cảnh: Ngứa tai, ù tai, đau tai, chảy dịch tai…
Những ai hay bị nấm ống tai ngoài?
Bệnh có thể xuất hiện ở mọi độ tuổi có những yếu tố thuận lợi: độ ẩm, nhiệt độ, sẵn bị chàm ống tai ngoài, khả năng nhiễm vi khuẩn nguyên phát và rối loạn hệ miễn dịch…
Khi đến bác sĩ khám, sẽ phát hiện da của ống tai ngoài bị nấm thường ẩm, ống tai ngoài có vảy đóng, có các tảng màu đen, trắng đục, vàng, nâu đất... bên trên có các bào tử dạng nấm.
Với những thiết bị chuyên dụng, thày thuốc sẽ quan sát được các phần tử nấm bao gồm sợi nấm, và nấm men trong các mẫu dịch tiết, ráy và vảy của ống tai. Lúc đó, bác sĩ sẽ lấy các tổ chức nghi ngờ, soi tươi và nuôi cấy xác định nấm, chủng nấm gây bệnh.
Các chủng nấm thường gặp là các loài hoại sinh (70%), bao gồm cả Aspergillus spp. và Fusarium spp., nấm men (20 -25%), và nấm da (khoảng 5%)…
Hình ảnh phóng đại nấm ống tai ngoài |
Quan sát nấm bằng máy soi tai |
Điều trị
Bác sĩ sẽ lấy các phần tử nấm ra khỏi tai bằng cách hút hoặc sử dụng bông thuốc và sau đó làm khô. Tiếp đến, bác sĩ sử dụng các loại thuốc: clotrimazole hoặc miconazole, được sử dụng kết hợp với các loại thuốc kháng khuẩn như ceftazidime hoặc một số hợp chất có đặc tính khử trùng như betadine và axit boric kết hợp với miconazole.
Lời khuyên với các bệnh nhân thường xuyên bị nấm ống tai ngoài (tái phát)
Tỷ lệ tái phát dao động từ 7 đến 48%. Do vậy không ít bệnh nhân thường xuyên phàn nàn là tại sao bác sĩ chữa bệnh tai của tôi mà mãi không khỏi?
Trong một số trường hợp nấm ống tai ngoài rất khó khỏi: như ở bệnh nhân có tình trạng dị ứng da ống tai ngoài, bệnh lý suy giảm sức đề kháng, đặc biệt là người có thói quen ngoáy tai thường xuyên và lấy ráy tai ở những nơi không phải cơ sở y tế.
Những trường hợp tái phát nhiều lần hoặc chữa không khỏi người bệnh cần được điều trị bởi một bác sĩ tai mũi họng có kinh nghiệm.
Để phòng tránh, chúng ta cần tuyệt đối không ngoáy tai, không lấy ráy tai tại các cơ sở không phải y tế chuyên sâu (như tiệm cắt tóc, gội đầu...). Khi đã bị bệnh, cần tuyệt đối tuân thủ liệu trình điều trị do thầy thuốc chỉ định. Nếu cần thiết phải được các thầy thuốc tai mũi họng thường xuyên làm thuốc tai./.
Theo PGS TS Phạm Thị Bích Đào/ BV Đại học Y Hà Nội/VOV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin