Bạn đọc nước ngoài lên tiếng khen ngợi tinh thần hỗ trợ lẫn nhau của người Việt trong bối cảnh người nông dân không tìm được lối ra cho sản phẩm vì dịch Covid-19.
Bạn đọc nước ngoài lên tiếng khen ngợi tinh thần hỗ trợ lẫn nhau của người Việt trong bối cảnh người nông dân không tìm được lối ra cho sản phẩm vì dịch Covid-19.
Rất đông người dân mua dưa hấu với giá 5.000 đồng/kg tại đường Đỗ Xuân Hợp (Q.9, TP.HCM) - Ảnh: QUANG ĐỊNH |
Tôi nghĩ hành động giải cứu nông sản của người Việt với bối cảnh nông dân gặp khó khăn trong việc xuất khẩu là một hành động tuyệt vời.
Anh Patrick M Davies |
Nếu tinh thần hỗ trợ sản phẩm địa phương mạnh mẽ và xuyên suốt ở tầm quốc gia, nó có thể rút ngắn khoảng cách giàu nghèo, giúp người nông dân no ấm.
Ngoài ra, việc đẩy mạnh tiêu thụ nông sản trong lúc đang dư thừa trên thị trường còn giúp tránh điều đáng tiếc cuối cùng là lãng phí thực phẩm khi nông sản tốt đổ bỏ chỉ vì không bán được.
Từ đây, hi vọng các kênh phân phối thực phẩm mới sẽ ra đời theo hướng từ trang trại đến bàn ăn, cắt bỏ khâu trung gian giúp có lợi cho cả nông dân và người tiêu dùng.
Ở Anh, chúng tôi cũng có những chiến dịch khuyến khích mọi người mua sản phẩm địa phương.
Nó giúp tiếp tục duy trì nghề nông truyền thống, giảm khí thải gây ô nhiễm môi trường từ các khâu vận chuyển, đóng gói hàng hóa.
Người tiêu dùng có thể mua nông sản tươi hơn, chất lượng hơn vì vận chuyển đường dài không tốt cho chất lượng nông sản tươi sống.
Về trung và dài hạn, tôi muốn nhìn thấy nhiều sản phẩm của Việt Nam hơn nữa và những sản phẩm này được nhiều người ưa thích. Những mặt hàng chất lượng sẽ tạo thêm giá trị cho dòng chữ rất đáng tự hào: "Sản xuất ở Việt Nam".
Tôi không ngạc nhiên với sự hào hiệp, tử tế của người Việt Nam. Rất nhiều lần tôi được giúp đỡ bởi những người hoàn toàn xa lạ khi sống ở đây. Tôi nhớ lần đầu đến Sài Gòn, đứng trước ngã tư xe cộ như mắc cửi, tôi muốn sang đường mà không biết làm sao.
Một dòng thác không ngừng của xe máy, taxi, xe buýt làm tôi sợ hãi. Tôi chờ mãi nhưng không có lúc nào xe cộ thưa thớt hơn.
Cuối cùng, một cậu bé từ đâu đến dẫn tôi sang đường. Tôi muốn nói cảm ơn nhưng chưa kịp thốt ra thì cậu ấy đã quay lưng đi ngược lại. Tôi luôn cảm động khi thấy ai đó giúp đỡ những người xa lạ mà không cần đền đáp, thậm chí một lời cảm ơn hay sự ngợi khen.
Hành động đẹp ở xã hội hiện đại
Ông Herby Neubacher |
Trong khi sự ích kỷ ngày càng tăng trong xã hội hiện đại, ai cũng bận rộn với bao lo toan cho cuộc sống của chính mình, rồi cạnh tranh với nhau trong xã hội đôi khi có thể khiến người ta quên đi tinh thần tương thân tương ái.
Tôi thấy rằng ở địa phương càng nhỏ, con người càng gần gũi với nhau thì họ sẽ dễ đứng lên bảo vệ, giúp đỡ nhau hơn là những người ở thành thị với cuộc sống bộn bề.
Thế nên khi thấy những người trong thành phố lớn sẵn sàng ra tay "giải cứu" nông sản như vậy, như việc ông chủ một thương hiệu bánh lớn ở Sài Gòn đứng ra mua hàng tấn thanh long về làm bánh mì để giúp đỡ nông dân là một việc rất đáng khen ngợi.
Những hành động "giải cứu" nông sản đó rõ ràng là tốt, tuy nhiên, nghề nông hiện đang có một vấn đề là trong bối cảnh đô thị hóa như hiện nay, nghề này trở nên "kém sang" theo quan điểm của nhiều người.
Đối với nhiều người, nông dân gắn liền với hình ảnh người làm việc vất vả, thu nhập thấp và không còn là nghề mà người ta yêu thích nữa. Đây là vấn đề của cả thế giới chứ không riêng gì Việt Nam.
Một vấn đề khác nữa là sự cạnh tranh từ nông sản nhập khẩu với nông sản địa phương. Tôi nghĩ để thực sự "giải cứu" nông sản địa phương, chúng ta có thể cải thiện cách marketing sản phẩm, nâng cao nhận thức, "làm thương hiệu" cho nông sản địa phương, quảng bá hình ảnh nông dân và công việc của họ...
Ông Herby Neubacher (người Đức)
Cốt lõi là thị trường nội địa
Ông Andrew Carmichael |
Hơn 10 năm sống ở Việt Nam, tôi luôn cố gắng mua nông sản địa phương, nông sản Việt khi có thể, đặc biệt tôi thích mua ở chợ như nhiều người Việt Nam khác mà tôi biết.
Cá nhân tôi không ủng hộ việc sản xuất hàng hóa lớn hướng đến xuất khẩu mà mong rằng những nhà làm chính sách và người dân nhận định lại chiến lược sản xuất, trân trọng thị trường nội địa đồng thời chỉ nên sản xuất vừa đủ dùng, tránh sản xuất dư thừa hoặc theo định hướng xuất khẩu, nhất là xuất khẩu sản phẩm thô, giá trị gia tăng ít.
Tại sao? Vì quá nhiều lần chúng ta thấy nông dân cầm dao đằng lưỡi, không thể có quyền định giá mà phải bán theo giá nhà buôn lớn của thế giới đặt ra.
Sự ổn định của một ngành hàng dựa vào xuất khẩu rất mong manh, yếu ớt. Chỉ cần nền kinh tế thế giới yếu đi, sức mua giảm xuống, nhu cầu của thị trường thay đổi thì bỗng nhiên người nông dân bị lao đao như những gì chúng ta đang chứng kiến với thanh long, dưa hấu hiện nay.
Lần này, nguyên nhân có thể mới nhưng bản chất sự việc vẫn là khi không thể xuất khẩu, chúng ta bị dội hàng, phải bán rẻ.
Dịch lần này là cơ hội để chúng ta hướng đến sự bền vững, chất lượng, tránh những nỗ lực tốn kém trái tự nhiên.
Andrew Carmichael (người Úc)
Vui khi được giúp đỡ người khác
Ông Ryan Patey |
Kể từ khi đến Việt Nam cách đây ba năm, tôi có cảm giác rằng tinh thần cộng đồng ở đây rất mạnh nói chung, kể cả trong tinh thần tiêu thụ các nông sản địa phương.
Ở các nước mà tôi đã đến, tôi chứng kiến rất nhiều chợ nhỏ mà nhiều người bán đem nông sản, thực phẩm do gia đình mình trồng hay chế biến ra bán.
Tôi cho rằng ủng hộ nông dân địa phương là việc rất quan trọng và chúng ta hãy thực hiện bất cứ khi nào có thể, trong hoàn cảnh khó khăn hiện nay cũng như trong những lúc bình thường.
Ở bất kỳ đâu trên thế giới, nông dân làm ra thực phẩm nuôi sống chúng ta và chúng ta cần đảm bảo rằng họ được đền đáp xứng đáng để có thể tiếp tục công việc này
Bạn cảm thấy vui khi giúp đỡ người khác nhưng một điều thực tế khác là chúng ta có thể mua một số hàng hóa với giá rẻ hơn ngày thường. Giống như đi siêu thị gặp hàng giảm giá, giúp người cũng là giúp mình, rất đáng để cân nhắc.
Ryan Patey (người Canada)
Theo TTO
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin