Đong đầy kỷ niệm với quê hương

06:01, 26/01/2020

Là những người con quê hương Vĩnh Long hiện đang sinh sống và làm việc ở tỉnh khác, song trong lòng luôn đong đầy kỷ niệm về những ngày lặn lội băng đồng, những buổi mải miết tắm sông hay những đêm trăng chèo ghe bập bềnh con sóng vỗ… 

Là những người con quê hương Vĩnh Long hiện đang sinh sống và làm việc ở tỉnh khác, song trong lòng luôn đong đầy kỷ niệm về những ngày lặn lội băng đồng, những buổi mải miết tắm sông hay những đêm trăng chèo ghe bập bềnh con sóng vỗ… Từ làng quê lên phố thị, họ tìm thấy chân trời mới mà vẫn đau đáu muốn góp sức xây dựng quê hương theo cách của mình.

PGS. TS. Trần Văn Minh trao đổi với học trò Trường THPT Thực hành sư phạm (Trường ĐH Cần Thơ).
PGS. TS. Trần Văn Minh trao đổi với học trò Trường THPT Thực hành sư phạm (Trường ĐH Cần Thơ).

Cất nhà tre lá gần trường để đi học

Sinh năm 1964 ở xã Trà Côn (Trà Ôn), PGS. TS. Trần Văn Minh- hiện là Phó trưởng Khoa Sư phạm, Hiệu trưởng Trường THPT Thực hành sư phạm (Trường ĐH Cần Thơ) nhớ lại những năm chiến tranh, gia đình phải chạy giặc, tản cư nên học hành cũng “tản cư” theo.

Học tới lớp 3 ở xã Tường Lộc (Tam Bình) thì năm 1972 lại chạy về quê nội ở xã Hựu Thành (Trà Ôn) học đến hết lớp 9. Do xã chưa có trường cấp 3, phải tiếp tục “nhóm đi Trà Ôn, nhóm đi Cầu Kè” học lên.

Lúc này, học ở Cầu Kè cách nhà 10km, “mỗi sáng, mẹ nấu cho một phần tư gói mì với lá cách”- TS Trần Văn Minh kể lại- “Đường đất xấu nên phải gửi xe ở chợ Hựu Thành.

Từ 4 giờ sáng, tôi đi bộ từ nhà ra chợ đợi chủ nhà thức lấy xe, để kịp giờ học”. Đường đến trường nhiều kỷ niệm: “có hôm ghé vườn ổi ăn cả bụng mới về”, có cả hình ảnh “cô bạn không có xe đi học, phải lội bộ như một chấm nhỏ giữa đồng hun hút”,… Không chỉ điều kiện đi lại khó khăn mà “tình hình chung lúc bấy giờ đất nước còn nghèo, cuộc sống thiếu trước hụt sau”.

Dù vậy, tinh thần hiếu học thể hiện rõ ở một trường vùng sâu, có duy nhất một lớp 12: “Năm 1982, lớp tôi có 5 người đậu ĐH” và thầy Trần Văn Minh là một trong số đó, dù “trước đó đã thi học sinh giỏi văn- được tuyển thẳng vào ĐH”.

Ông Trương Văn Chuyển- Tổng Biên tập Báo Cần Thơ (bên trái) trò chuyện với phóng viên Báo Vĩnh Long.
Ông Trương Văn Chuyển- Tổng Biên tập Báo Cần Thơ (bên trái) trò chuyện với phóng viên Báo Vĩnh Long.

Sinh năm 1968, ở xã Ngãi Tứ (Tam Bình), nhà báo Trương Văn Chuyển- hiện là Tổng Biên tập Báo Cần Thơ- cho hay, những tháng ngày gian khó đã cho ông nhiều kỷ niệm đẹp với quê hương: đường đất, cầu khỉ gác tạm bợ nên “té lên té xuống”.

Mùa nước nổi, nhiều cây cầu bị nước cuốn trôi, phải đi ghe, xuồng mà “giỡn suốt nên có khi chìm ướt hết. May mà con nít ở quê tắm sông riết biết bơi lúc nào không hay”. Đi học có được chiếc cặp bằng… bịch xà bông Viso rửa sạch, đựng đủ 6 quyển tập là quý lắm!

Sách giáo khoa thì chủ yếu là lớp trước chuyền lại cho lớp sau. Nói về sách, nhà báo Trương Văn Chuyển “khái quát”: rất thiếu thốn- thiếu nhà sách, thiếu sách và tiền mua sách. Để có sách đọc, “tôi đi đổi sách luân phiên giáp hết mấy nhà trong xóm”.

Muốn học tiếp cấp 3 phải ra huyện “chỉ có mỗi chuyến đò đi từ xã Ngãi Tứ qua Trà Ôn rồi nối tuyến qua huyện hoặc đi bộ về xã Loan Mỹ rồi qua Ngãi Tứ... Chính vì khó khăn vậy nên hết lớp 9 thì không có nhiều người học tiếp”- nhà báo Trương Văn Chuyển nói.

Là 1 trong 4 người của xã học tiếp cấp 3 năm đó, nhà báo Trương Văn Chuyển nhớ lại: “Cha mẹ tôi đem tre lá lên cất nhà trên đất mượn tạm. Chủ nhật, đứa nào ở nhà lên cũng gánh lỉnh kỉnh gạo, củi, bầu bí… cho cả tuần. Hết “lương khô”, cạn túi thì đi chợ mua củ sắn, tóp mỡ về nấu, cũng “ngon như canh hầm”.

Là học trò ở xã nghèo vùng sâu ham học, từng thi giỏi văn toàn quốc nên “muốn thi ĐH cho biết”, nhà báo Trương Văn Chuyển còn nhớ gia đình đã vừa mừng vừa lo như thế nào khi hay ông đậu ĐH tận TP Hồ Chí Minh.

Phấn đấu hết mình là góp phần xây dựng quê hương

Chân trời mới mở ra đối với những tân sinh viên từ làng quê lên phố thị. Thiếu thốn, khó khăn nhưng “hồn nhiên mà đối diện, linh hoạt xoay trở để vượt qua”.

Học ngành Sư phạm Ngữ văn của Trường ĐH Cần Thơ, TS Trần Văn Minh nhớ: “Thời ký túc xá còn nhà lá giường tre. Có đợt mưa dầm, thằng bạn kêu nằm xích vô rồi... bẻ miếng vạt làm củi nấu ăn”. Tốt nghiệp năm 1986, thầy được giữ lại trường công tác đến nay.

“Lúc là sinh viên ngành Ngữ văn của ĐH Tổng hợp TP Hồ Chí Minh, bên cạnh việc cố gắng học tốt để được học bổng thì đứa nào cũng làm thêm: chạy xe đạp ôm, làm thuê, mua bán…”- Tổng Biên tập Trương Văn Chuyển vui vẻ kể và thấy may mắn vì “được học những giáo sư đầu ngành, đọc sách thỏa thích”.

“Quê hương mỗi người chỉ một” nên với nhà báo Trương Văn Chuyển, tình cảm luôn dạt dào- là những đêm trăng chèo ghe “tụm năm tụm bảy” thăm nhà bạn, cả những đêm thức khuya bị ông ngoại rầy “tốn dầu quá Chuyển ơi”...

Vui khi quê hương ngày càng đổi mới, nhà báo Trương Văn Chuyển nói: “So với trước đây, điều kiện sống ở Ngãi Tứ quê tôi nói riêng, Vĩnh Long nói chung đã có nhiều thay đổi”.

Để góp phần nâng bước cho những hoàn cảnh còn khó khăn ở quê, năm nào nhà báo Trương Văn Chuyển cũng vận động học bổng, xe đạp, dụng cụ học tập… tặng học sinh hiếu học.

Bên cạnh những hành động cụ thể, nhà báo tâm niệm: “Tôi cho rằng, phấn đấu hết mình trong học tập, làm việc thì dù ở đâu trên đất nước mình cũng là góp phần xây dựng quê hương”.

PGS. TS. Trần Văn Minh tâm sự: “Tôi mong có sự kết nối những người đồng hương Vĩnh Long. Tôi cho rằng, sự xuất hiện của những người Vĩnh Long xa quê thành đạt là nguồn động viên, tiếp lửa cho những người trẻ.

Lãnh đạo tỉnh cần tranh thủ nguồn lực người Vĩnh Long ở các nơi, trong đó có những nhà khoa học, doanh nhân, trí thức trẻ… đang hoạt động ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Không chỉ góp trí lực của mình, họ còn kêu gọi người thân, bạn bè hiến kế trong xây dựng và phát triển quê hương”.

Người trẻ cần vượt khó, có “cao vọng”

PGS. TS. Trần Văn Minh
PGS. TS. Trần Văn Minh

Thời nào cũng có những khó khăn riêng. Ngày nay, các em ở vùng sâu điều kiện học tập còn khó khăn nhưng nếu chịu khó, nỗ lực vẫn học giỏi, có cơ hội việc làm tốt. Tôi cho rằng cần giáo dục, định hướng cho người trẻ sống có khát vọng, có cao vọng, giỏi chuyên môn, Anh văn, vi tính… để có các vị trí tốt trong xã hội. Phấn đấu không chỉ cho mình mà còn là cho thế hệ mai sau.

Tổng Biên tập- Trương Văn Chuyển
Tổng Biên tập- Trương Văn Chuyển

Vĩnh Long tự hào là vùng đất có nhiều người tài. Chính nhờ vậy đã góp phần giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. Dù trong hoàn cảnh nào, người trẻ cần vượt khó khăn, thử thách, phấn đấu hết mình để học tốt và làm tốt, cống hiến hơn nữa cho đất nước, trong đó có nơi mình sinh ra và lớn lên.

Bài, ảnh: TUYẾT HIỀN- XUÂN TƯƠI

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh