Người dân ứng phó với ngập lụt

03:09, 11/09/2019

Theo dự báo, năm nay mùa nước nổi vẫn sẽ về như mọi năm. Dù chưa biết tình hình cụ thể ra sao khi thông tin về mùa nước nổi cứ "nhảy múa", người bảo nước không… nổi, người bảo nước về chậm; song nhiều hộ dân, nhất là các hộ nằm trong những "điểm ngập" của thành phố đã chuẩn bị tư thế ứng phó…

Theo dự báo, năm nay mùa nước nổi vẫn sẽ về như mọi năm. Dù chưa biết tình hình cụ thể ra sao khi thông tin về mùa nước nổi cứ “nhảy múa”, người bảo nước không… nổi, người bảo nước về chậm; song nhiều hộ dân, nhất là các hộ nằm trong những “điểm ngập” của thành phố đã chuẩn bị tư thế ứng phó…

Hẻm 146 xưa có con rạch nhỏ phục vụ thoát nước, nay đã không còn.
Hẻm 146 xưa có con rạch nhỏ phục vụ thoát nước, nay đã không còn.

Tự ứng phó với ngập lụt

Ở nội ô TP Vĩnh Long, một số tuyến đường thường xuyên diễn ra tình trạng ngập nặng mỗi khi vào mùa nước, mưa lớn cộng với triều cường ở các con đường Trưng Nữ Vương, Lê Thái Tổ, Hoàng Thái Hiếu, Phạm Thái Bường,…

Ở các tuyến đường này, các hộ dân, nhất là các hộ sinh sống trong các con hẻm thường xuyên chịu cảnh nước ngập xung quanh.

Tìm hiểu tình hình nước ngập ở Hẻm 69 (đường Lê Thái Tổ, Phường 2) thì nhiều người dân cho biết “mỗi năm cứ đến mùa lũ về là ngập”. Tình trạng này còn nặng nề hơn khi nước nổi còn gặp lúc mưa to.

Ông Hồng Văn Ngọc ở hẻm này cho biết, ở trong hẻm này, đa phần các ngôi nhà đều ngập, “thậm chí có căn ngập lên hơn nửa mét gây ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống người dân. Một số hộ có điều kiện kinh tế khá, họ sẽ tự nâng nền nhà, còn lại chủ yếu là… tự be bờ”- ông Ngọc chia sẻ.

Dẫn chúng tôi đi xung quanh ngôi nhà vừa có công trình “be bờ”, ông Ngọc cho biết: “Dù có thông tin năm nay lũ về muộn hoặc lũ thấp hơn so với mọi năm nhưng gia đình cũng bàn tính phải xây tường ngăn nước vào nhà.

Thậm chí đặt sẵn máy bơm nếu có trường hợp nước… tràn bờ. Thà phòng lũ hơn chống lũ. Mấy năm trước cứ mỗi mùa nước lên là trở tay không kịp nên năm nay phải ứng phó. Như vậy cũng đỡ phần lo lắng khi lũ về, mưa lớn gây ngập…”- ông Ngọc cho biết.

Tương tự, nhiều hộ dân ở Hẻm 146 (đường Trưng Nữ Vương, Phường 1) cũng lo ngại tình trạng ngập như mọi năm. Một hộ dân cho biết, tình trạng ngập ở hẻm này đã tồn tại khá lâu, nhưng chủ yếu là người dân tự nâng nền hoặc tìm giải pháp ngăn nước tràn vào nhà.

“Thường ở các đoạn sâu trong hẻm, tình trạng ngập nặng hơn do cống không được khơi thông thường xuyên, cũng như ý thức của một bộ phận người dân nên khi ngập cục bộ xảy ra, các đường cống thoát nước không phát huy hết tác dụng, gây ngập lâu, ngập sâu”- hộ dân này chia sẻ.

Ở Hẻm số 3 (đường Phạm Thái Bường, Phường 4), chú Huỳnh Hải cũng đã tự xây gạch chắn ngang các ngạch cửa để đề phòng trình trạng nước dâng, gây ngập. Chú Hải cho biết, khi con hẻm được nâng cấp thì mặt nền nhà rất thấp so với nền hẻm.

Do đó, có năm, nước lũ kèm mưa lớn gây ngập, sinh hoạt hàng ngày gặp khó khăn. “Xung quanh rất ít chỗ để thoát nước tự nhiên, chỉ trông chờ vào hệ thống cống thoát nước, nên tôi mới xây thêm hàng gạch chắn ngay ở các cửa nhà để hạn chế nước tràn vào. Hy vọng năm nay không còn ngập nữa...”- chú Hải chia sẻ.

Triển khai phương án chống ngập

Ở nội ô TP Vĩnh Long, chủ yếu là Phường 1 có nhiều tuyến đường ngập nặng mỗi khi triều cường kết hợp mưa lớn hoặc lũ về. Do đó, công tác phòng chống ngập cũng được chính quyền hết sức quan tâm.

Trao đổi với một lãnh đạo UBND Phường 1 thì được biết, mỗi năm, phường đều có báo cáo về cấp trên để có những giải pháp phòng chống ngập trên địa bàn. Tuy nhiên, tình trạng ngập tuy có giảm nhưng vẫn gây ảnh hưởng nhiều đến đời sống người dân.

Trong khi đó, hiện tại, Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long cũng đã lập kế hoạch phòng chống ngập lũ, mưa bão. Theo đó, ngành thực hiện nạo vét tạp chất miệng thu nước hố ga, cống ngầm, rãnh thoát nước,… Đồng thời phân công công nhân trực thường xuyên, tổ chức khai thông kết hợp với công tác bơm chống ngập.

Tuy nhiên, theo Công ty CP Công trình công cộng Vĩnh Long, hiện vẫn còn một bộ phận người dân chưa có ý thức bảo vệ môi trường cũng như bỏ rác bừa bãi gây cản trở dòng chảy hoặc hẹp cống ngầm gây ngập cục bộ.

  Công tác khơi thông cống rãnh được thực hiện thường xuyên nhằm hạn chế tình trạng ngập lụt.
Công tác khơi thông cống rãnh được thực hiện thường xuyên nhằm hạn chế tình trạng ngập lụt.

Trao đổi với các chuyên gia trong ngành xây dựng, quy hoạch đô thị thì có nhiều ý kiến cho rằng, thành phố cần có quy hoạch tổng thể, có cái nhìn lâu dài để phát triển bền vững. Nhất là trong tình hình biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, nhiệt độ toàn cầu ấm dần dẫn đến tình trạng nước biển dâng.

Mới đây, một nhóm nhà khoa học Hà Lan vừa công bố trên Tạp chí khoa học Nature Communications ngày 28/8/2019 vừa qua chỉ ra rằng, ĐBSCL chỉ còn cao hơn mực nước biển 0,8m (so với 2,6m theo công bố hiện tại), đồng nghĩa với việc nguy cơ 12 triệu dân vùng sẽ phải di cư trong vòng 50 năm tới.

Một trong những nguyên nhân mà các nhà khoa học Hà Lan cho rằng là việc xây dựng hạ tầng đô thị, đường sá… làm giảm lượng nước thấm xuống lòng đất, khiến các túi nước nâng đỡ vùng đất không kịp phục hồi.

Thực tế, theo nhiều hộ dân sống lâu năm ở Hẻm 146 đường Trưng Nữ Vương thì trước kia, trong con hẻm có con rạch nhỏ làm nhiệm vụ chuyển tải nước thoát ra sông lớn. Tuy nhiên, con rạch này đã bị “xoá sổ” do quá trình đô thị hoá và hậu quả là hiện người dân sinh sống trong con hẻm thường xuyên chịu cảnh ngập lụt.

Thạc sĩ Trần Thanh Thảo- Trưởng Khoa Kỹ thuật hạ tầng đô thị (ĐH Xây dựng Miền Tây) chia sẻ: Thành phố cần xây dựng và hoàn thiện hệ thống bờ kè, đê chống ngập lụt; nâng cấp hệ thống thoát nước hiện tại… Ngoài ra, cũng cần áp dụng các giải pháp gồm xây dựng hồ điều tiết nước, tăng diện tích bề mặt thấm; sử dụng giải pháp “Mái nhà xanh”;…

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

 

 

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh