Những điểm sáng trong giảm nghèo cho đồng bào Khmer ở Vĩnh Long

08:08, 31/08/2019

Xác định giảm nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh Vĩnh Long, đặc biệt, giảm nghèo cho đồng bào Khmer luôn được quan tâm, hỗ trợ. Vĩnh Long không sử dụng biện pháp giảm nghèo chung chung, đại trà mà dựa vào điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình để hỗ trợ cách thoát nghèo hiệu quả, bền vững. 

Xác định giảm nghèo là một trong những mục tiêu quan trọng của tỉnh Vĩnh Long, đặc biệt, giảm nghèo cho đồng bào Khmer luôn được quan tâm, hỗ trợ. Vĩnh Long không sử dụng biện pháp giảm nghèo chung chung, đại trà mà dựa vào điều kiện kinh tế của từng hộ gia đình để hỗ trợ cách thoát nghèo hiệu quả, bền vững. Bên cạnh đó, những cán bộ từ tỉnh đến ấp gần dân tạo nên nguồn sinh khí mới, khiến nhân dân tin tưởng, động viên mọi người chí thú làm ăn, vượt khó thoát nghèo.

Kỳ 1: "Đòn bẩy" giúp đồng bào Khmer thoát nghèo

Không có nhà ở kiên cố là một trong những nguyên nhân nghèo của đồng bào Khmer tại Vĩnh Long. Do đó, từ năm 2016, Vĩnh Long đẩy mạnh chương trình hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo Khmer. Hàng ngàn căn nhà mới khang trang, thắm đượm thâm tình đại đoàn kết toàn dân; thắm đượm nghĩa tình của Đảng, Nhà nước với nhân dân, là động lực giúp bà con Khmer an cư lạc nghiệp, làm nền tảng vững chắc để tự lực vươn lên, phấn đấu thoát nghèo bền vững.

Chị Hồng cùng con trai nhỏ bên căn nhà mới.
Chị Hồng cùng con trai nhỏ bên căn nhà mới.

Bài học an cư- “Lá lành đùm lá rách”

Ông Thạch Dương- Tỉnh ủy viên, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh- cho biết: Toàn tỉnh hiện có 19 dân tộc sinh sống, trong đó có 22.000 người dân tộc Khmer- chủ yếu ở các huyện Trà Ôn, Tam Bình, Vũng Liêm, TX Bình Minh, tập trung nhiều nhất ở 59 ấp thuộc 16 xã.

Chính phủ đã ban hành Quyết định số 33 hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo giai đoạn 2016- 2020 với tổng kinh phí trên 93 tỷ đồng.

Riêng đối với đồng bào dân tộc Khmer không tham gia vay theo chính sách này mà được Tỉnh ủy, UBND tỉnh có chính sách đặc thù (hỗ trợ cho không) đến nay đã cất được 1.745 căn, mỗi căn trị giá 40 triệu đồng do Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long (THVL) hỗ trợ, đã cơ bản xóa nhà tạm, giúp đồng bào ổn định cuộc sống, an tâm sản xuất. Đây là chính sách đặc thù mà trên phạm vi cả nước chỉ riêng tỉnh Vĩnh Long mới có chính sách này.

Và được xem là chủ trương lớn, mang tính nhân văn sâu sắc của tỉnh. Bởi nó vừa tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc Khmer có được cuộc sống ổn định, an tâm phát triển sản xuất, vừa góp phần cùng địa phương thực hiện thắng lợi mục tiêu giảm nghèo bền vững.

Về xã Loan Mỹ- xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống ở huyện Tam Bình, chúng tôi được nghe kể những câu chuyện thoát nghèo và tận mắt chứng kiến những căn nhà mới khang trang, đầy đủ tiện nghi; sự nỗ lực vươn lên của chính bà con trong lao động, sản xuất.

Cho 2 con bò lai Sin ăn cỏ, thấy chúng tôi ghé thăm, chị Thạch Thị Na Vy (ấp Sóc Rừng) chất phát nói: "Tui ở nhà bếp núc, đưa đón trai út đi học và cắt cỏ, nuôi 2 con bò này. Coi vậy chứ cũng xuất chuồng được mấy lứa rồi đó".

Trong căn nhà mới khang trang, sạch sẽ, trên tường nhà sơn màu xanh mát mắt, chúng tôi thấy treo Bằng khen của UBND tỉnh Vĩnh Long tặng Kim Bình vì có thành tích trong công tác giảm nghèo. Chị Na Vy cười tươi: "Bằng khen đó cả nhà quý lắm, cố gắng mần ăn để cuộc sống khá hơn".

Trước đây gia đình chị Na Vy là 1 trong những hộ nghèo của xã. Căn nhà 135 xuống cấp theo thời gian, trong khi công việc “ai kêu gì mần đó” của vợ chồng chị chỉ đủ lo cái ăn cái mặc cho gia đình 5 người. “Có nằm mơ thì chị cũng không dám mơ mình có căn nhà tường vững chắc”- chị Na Vy cười tươi.

 Cuộc sống ổn định chị Na Vy đầu tư cho con trai út học hành tốt hơn.
Cuộc sống ổn định chị Na Vy đầu tư cho con trai út học hành tốt hơn.

Năm 2017, nhờ THVL hỗ trợ 40 triệu, thêm tiền tích góp anh chị cất được nhà tường. Rồi 2 con trai lớn, làm công nhân ở Bình Dương biết chắt chiu hàng tháng gởi tiền về cho ba mẹ. "Do ít ruộng, ổng vẫn đi mần mướn, ngày kiếm hơn 150 ngàn, cuộc sống gia đình giờ thoải mái hơn trước".

Nhờ lợi thế gần chợ, trường học, nên quán ăn của chị Thạch Thị Hồng khá đông khách. Chị Hồng cho biết: "Trước nhà ọp ẹp lắm, nhờ Đài truyền hình hỗ trợ tiền cất, và chồng làm thợ hồ nên hỏng tốn công thợ mới có nhà tường để ở. Giờ tui bán buôn vậy, đồng vô ra cũng đỡ, ảnh làm hồ tháng cũng hơn 4 triệu đồng, cuộc sống thoải mái hơn trước".

Ông Nguyễn Trí Dũng- Phó Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ- cho biết: “Nếu không có sự tài trợ của THVL thì nguồn lực của địa phương sẽ huy động không nổi. Sự hỗ trợ của THVL đã giúp cho bà con Khmer có nhà kiên cố, giúp xã đạt tiêu chí về nhà ở trong xây dựng nông thôn mới”.

Lạc nghiệp nhờ giúp vốn sản xuất

Những năm qua tỉnh Vĩnh Long triển khai có hiệu quả nhiều chính sách, trong đó có chính sách đặc thù hỗ trợ phát triển kinh tế- xã hội vùng dân tộc thiểu số và miền núi theo Quyết định 2085 của Thủ tướng Chính phủ.

Đây là hướng đi bền vững, tạo nguồn vốn khá cho bà con sau 2- 3 năm, phát triển ổn định kinh tế gia đình, kết hợp với nhiều cách làm ăn sáng tạo phát huy tốt nguồn vốn.

Trước năm 2015, do ít đất canh tác lại không có vốn sản xuất nên chuyện lo cái ăn cái mặc của gia đình anh Thạnh Tinh (ấp Kỳ Son) gặp nhiều khó khăn.

Nhờ địa phương xem xét, hỗ trợ cây con giống, vốn vay ưu đãi cộng thêm tính cần cù, có chí thú làm ăn "lấy ngắn nuôi dài" đến nay gia đình anh thoát nghèo, kinh tế ngày khấm khá hơn.

"Nhờ nguồn vốn Nhà nước giúp tôi trồng bưởi và mua 5 con dê giống. Tui tận dụng đất trồng cỏ, đi cắt cỏ gầy nên đàn dê hơn chục con. Bưởi đanh xanh tốt, năm sau có trái bán rồi".

Mỗi năm gia đình chị Na Vy xuất chuồng bò thịt đều đặn.
Mỗi năm gia đình chị Na Vy xuất chuồng bò thịt đều đặn.

Mạnh dạn sử dụng nguồn vốn vay ưu đãi vào chăn nuôi, anh Thạch Chăn Rớt Thí (ấp Giữa) từng bước xây dựng mái ấm cho gia đình.

Có vợ và 2 con, anh Thí từng làm thuê khắp nơi để kiếm thêm thu nhập. “Trước kia, vợ chồng chỉ có một công rưỡi ruộng để làm ăn, sống khó khăn lắm. Nhờ chính sách cho vay vốn mà gia đình tui mới có được như ngày hôm nay”- anh Rớt Thí cho biết.

Được hỗ trợ vay vốn 40 triệu đồng, anh Thí quyết định nuôi bò và vịt lấy thịt. Theo anh, với chi phí 3 triệu đồng cho 150 con vịt giống ban đầu, sau 2,5 tháng nuôi, anh thu về được 7 triệu đồng.

Nhìn 2 con bò lai Pháp đang được vỗ béo, anh Rớt Thí cười nói: “Nhờ vay vốn làm ăn mà giờ cuộc sống thay đổi, ổn định hơn. Sau này, tôi nuôi thêm bò cái để phát triển kinh tế, phấn khởi làm ăn để thoát nghèo, cho con được đi học hành”.

Phó Chủ tịch UBND xã Loan Mỹ Lê Trí Dũng cho biết: Xã Loan Mỹ hiện có 1.151 hộ đồng bào dân tộc Khmer, trong đó có 252 hộ nghèo, đến cuối năm 2018 giảm nghèo được 165 hộ.

Thời gian qua, xã tiến hành rà soát nhu cầu, kế hoạch xây dựng thoát nghèo cho các hộ và tiến hành họp công khai để dân bình xét.

Trên cơ sở phương án, kế hoạch sử dụng nguồn vốn của hộ, hội đoàn thể xã xem xét, xác định mức vay cho phù hợp. Hiện xã đang triển khai tiếp tục hỗ trợ cho hộ đồng bào Khmer nghèo với nguồn vốn 2 tỷ đồng của năm 2019.

Chăm lo nhà ở, giáo dục, y tế, vốn vay, tư liệu sản xuất, nghề hay phương án làm ăn hiệu quả được xem là những yếu tố quan trọng góp phần để giảm nghèo. Song, kết quả giảm nghèo có bền vững hay không thì điều cốt lõi còn tùy thuộc vào việc các ngành, các địa phương khơi dậy ý thức chủ động, tinh thần tự lực phấn đấu vươn lên của người dân.

Ông Nguyễn Văn Thảo- Bí thư kiêm Trưởng ấp Sóc Rừng cho rằng: Đối với những hộ Khmer nghèo, cán bộ, đảng viên ở cơ sở ngoài vận động chí thú làm ăn còn “cầm tay chỉ việc”, không chỉ giúp người dân vay vốn sản xuất mà còn hướng dẫn đến từng hộ cách thức làm ăn, tiết kiệm, chi tiêu hợp lý để thoát nghèo bền vững.

Kỳ 2: Giảm nghèo theo từng địa chỉ

Bài, ảnh: CAO HUYỀN-  THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh