Những điểm sáng trong giảm nghèo cho đồng bào Khmer ở Vĩnh Long

Kỳ 2: Giảm nghèo theo từng địa chỉ

Cập nhật, 09:02, Thứ Bảy, 31/08/2019 (GMT+7)

Dựa trên hoàn cảnh cụ thể của từng hộ nghèo, địa phương sẽ xây dựng kế hoạch và đề xuất hướng hỗ trợ hợp lý. Đây là việc nói dễ nhưng làm khó vì muốn nắm rõ từng hộ đòi hỏi người cán bộ chuyên trách lao động- thương binh và xã hội ở từng xã và trưởng ấp phải tận tụy, rõ địa phương như lòng bàn tay. Không chỉ vậy, cán bộ xã ấp còn phải gần dân làm tốt công tác vận động để bà con có ý chí vươn lên thoát nghèo bền vững.

Anh Thạch Toàn cũng các con trong căn nhà mới.
Anh Thạch Toàn cũng các con trong căn nhà mới.

“Biết người biết ta”

Đến những xã có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống, chúng tôi không chỉ biết cách họ làm kinh tế mà còn được nghe những câu chuyện chăm ngoan, hiếu học, đặc biệt là các chính sách ưu tiên cho các hộ khó khăn, hộ dân tộc Khmer để bà con có điều kiện thoát nghèo.

Xuất phát điểm là hộ nghèo, kinh tế gia đình chị Na Vuy (ấp Phù Ly 2, xã Đông Bình- TX Bình Minh) được cải thiện từ khi Nhà nước hỗ trợ bò giống và căn nhà 40 triệu đồng được THVL hỗ trợ.

Chị còn mạnh dạn vay vốn cải tạo hơn công vườn tạp trồng mận xanh đường, thu huê lợi ổn định. Chị Na Vuy chân chất: “Cái nghèo khổ lắm, cố gắng mần mà thiếu vốn cũng khó. Được cho nhà, hỗ trợ bò rồi được vay vốn ưu đãi nữa nên mừng lắm. Cả nhà cùng xúm nhau mần, nên sống khỏe hơn”.

Bon bon trên con đường láng nhựa về xã có đông đồng bào Khmer nhất tỉnh- xã Tân Mỹ (Trà Ôn), chúng tôi có dịp trao đổi cùng anh Ngô Thành Tài- cán bộ thương binh- xã hội xã này. Anh Tài làm việc ở xã hơn 10 năm và chứng kiến “sự thay da đổi thịt” cho Tân Mỹ đẹp hơn từng ngày. Anh cho biết “xã Tân Mỹ là một trong những xã có tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo nhất tỉnh.

Trong 547 hộ nghèo của xã thì có đến 311 hộ người dân tộc Khmer”. Trong các tiêu chí thì người dân vướng nhiều nhất là thu nhập và đây cũng là bài toán khó của nhiều địa phương hiện nay, vì đa số hộ nghèo do thu nhập thấp thì lại thiếu đất sản xuất.

Chạy quanh những con đường ngoằn nghèo, chúng tôi đến nhà chú Thạch Dinh và cô Thạch Thị Dện với lời giới thiệu của anh Tài là “hộ chuẩn bị thoát nghèo nhờ chương trình hỗ trợ bò giống sinh sản” ở xã Tân Mỹ.

Cô Dện kết hợp nuôi bò cái giống và bò sinh sản, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.
Cô Dện kết hợp nuôi bò cái giống và bò sinh sản, góp phần nâng cao thu nhập cho gia đình.

Cô Dện cười, tay còn ẵm cháu nội bụ bẫm mới lên 2: “Tui có 2 con trai, đi làm hết rồi, đứa lớn làm thợ hồ trên Sài Gòn, đứa nhỏ thì học đại học cũng ra trường có việc làm ổn định”. Nhà cô Dện đang ở cũng được THVL hỗ trợ cất từ năm 2016.

Được Nhà nước hỗ trợ bò, cô Dện thuê ruộng trồng cỏ và phát triển đàn bò giống. Đến nay, cô có 3 con bò lai sin và sắp tới sẽ trả 1 bò cái giống cho chương trình để tiếp tục bàn giao hộ khác.

Bò nuôi nở đàn nên vợ chồng cô Dện rất vui: “Tui sẽ nuôi con bò này bự như hôm bữa người ta giao cho mình để giao hộ khác, giao nhỏ quá kỳ lắm”. Ngoài bò dự án cho, cô Dện còn mua thêm 1 còn bò giống để nuôi, nhờ đó, năm nào cô cũng có bò thịt để bán.

Để thoát nghèo, vợ chồng cô Dện không chỉ siêng năng làm ăn mà còn ủng hộ con học hành, vì “tui không thể để các con dốt như tui được nên mưa gió, sớm tối dặm lúa, be bờ, mần cỏ, … ai kêu làm gì tui cũng làm”.

Nói về chuyện cuối năm nay chắc được thoát nghèo, cô Dện cười tươi: “Mình hết nghèo thì nhà nước cho thoát nghèo thôi. Được cho bò, cất nhà vầy tui mừng lắm, cố gắng mần ăn để thoát nghèo bền vững”.

“Trăm trận trăm thắng”

Dựa trên tiềm năng sẵn có của từng hộ gia đình mà các địa phương có hướng giúp thoát nghèo phù hợp. Những cán bộ gương mẫu, giúp dân hiểu dược chương trình giảm nghèo sẽ thúc đấy chương trình này tốt hơn.

Ấp Sóc Rừng, xã Loan Mỹ (Tam Bình) hiện còn 42 hộ nghèo và 48 hộ cận nghèo. Trong số hộ nghèo thì có đến 14 hộ nghèo vĩnh viễn phải sống nhờ trợ cấp xã hội, 39 hộ nghèo là người dân tộc Khmer, chiếm 81,25 %.

Theo ông Nguyễn Văn Thảo- Bí thư kiêm Trưởng ấp Sóc Rừng thì nguyên nhân nghèo của nhiều hộ dân trong xã chủ yếu là vướng tiêu chí thu nhập vì thiếu đất sản xuất.

Mỗi khi xét hộ nghèo, ấp Sóc Rừng đều họp dân để bình nghị cho dân kiến giải, giải trình cho bà con biết. Đối với những hộ có hoàn cảnh hết sức khó khăn nhưng theo chấm điểm không được nghèo thì xin ý kiến bà con.

Ý thức học tập để thoát nghèo được nâng cao trong đồng bào Khmer (Ảnh: học sinh Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh)
Ý thức học tập để thoát nghèo được nâng cao trong đồng bào Khmer (Ảnh: học sinh Trường PT Dân tộc Nội trú tỉnh)

Ông Nguyễn Văn Thảo- Bí thư kiêm trưởng ấp Sóc Rừng rành tiếng Khmer, hiểu từng ngóc ngách, từng hộ dân trong ấp- cho biết: Để giảm nghèo, chúng tôi điều tra từng hộ nghèo theo nhu cầu: vì sao nghèo, yếu điểm nào và có thể hỗ trợ gì.

Sau đó xây dựng kế hoạch xem hộ nào có nhu cầu vay vốn, hộ nào cần giới thiệu việc làm, hộ nào thiếu nhà ở. Khó khăn lớn nhất của Sóc Rừng trong thời gian tới là tiêu chí nhà ở và thu nhập.

Trong đó, chủ yếu vận động các tổ chức hỗ trợ nhà về thu nhập thì vận động tuyên truyền cho bà con nâng cao ý thức, học hỏi khoa học kỹ thuật, giới thiệu và tạo việc làm để giảm nghèo.

Đến thăm gia đình anh Thạch Thanh Toàn - một hộ vừa được Công ty TNHH 1TV Xổ số kiến thiết Vĩnh Long hỗ trợ nhà ở và thoát nghèo của xã Tân Mỹ (Trà Ôn). Căn nhà cấp 4 kiên cố, lót gạch tráng men còn nghe mùi vôi vữa.

Theo ông Nguyễn Hoàng Chương- Chủ tịch UBND xã Đông Thành (TX Bình Minh): Để giúp cho người dân vươn lên thoát nghèo, địa phương phối hợp tổ chức các lớp đào tạo nghề, vận động cất nhà cho hộ Khmer nghèo, hỗ trợ vay vốn từ các chương trình ưu đãi. Ngoài chăn nuôi bò, heo, người lao động đi làm công nhân ở các khu công nghiệp trong và ngoài tỉnh, tham gia xuất khẩu lao động. Nhờ vậy, đời sống bà con Khmer khá hơn.

Anh Toàn chỉ tay về căn chòi nhỏ phí trước nhà mới, nói: “nhà cũ của vợ chồng tui đó”. Căn nhà lá ọp ẹp, siêu vẹo có diện tích như một căn phòng nằm bên vệ đường. Anh Toàn vui vẻ cho biết: “Nhờ công ty xổ số hỗ trợ 40 triệu cộng với mượn anh em thêm mới có được cái nhà này”.

Anh Toàn và vợ có 2 con, con gái lớn nay 10 tuổi còn con trai nhỏ mới 3 tuổi vào lớp mầm. Ra riêng với 2 công ruộng, anh Toàn làm ở xã thu nhập “không đủ đi đám tiệc”.

Khi vợ chồng anh có đứa con thứ 2 thì khó khăn hơn, vợ anh phải ở nhà giữ con trai nhỏ nên chỉ nhận đồ làm ở nhà như làm lông mi, đan thảm.

Nay, các con đều đi học nên vợ anh yên tâm đi làm công nhân. Anh Toàn nói: “Vợ tôi đi làm công ty bên Tam Bình, cách nhà độ chục cây số, sáng đi chiều về thu nhập cũng ổn định hơn”.

Niềm an ủi lớn nhất của anh Toàn là có căn nhà vững chải, anh trải lòng: “Trước đây, mỗi lần đang làm mà thấy mưa to, gió lớn là muốn chạy về coi vợ con nhà cửa thế nào vì sợ nó sập bất tử, đè người”. “Bây giờ, dù vẫn còn thiếu thốn nhưng đã đỡ hơn nhiều hộ khác rồi, có nhà ở đàng hoàng yên tâm làm lụng trả nợ nữa. Vợ chồng tôi còn khỏe, còn trẻ thì làm được thôi”- anh Toàn bộc bạch.

Đồng chí Trần Văn Rón- Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy- cho rằng: Thời gian qua, Đảng và Nhà nước luôn quan tâm tạo điều kiện để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, trong đó có đồng bào dân tộc Khmer.

Đảng bộ tỉnh Vĩnh Long cũng luôn khẳng định, đồng bào dân tộc Khmer là bộ phận không thể tách rời của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, hòa hợp cùng nhân dân trong tỉnh phấn đấu vươn lên trong sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất tinh thần, góp phần xây dựng quê hương Vĩnh Long ngày càng phát triển.

Bí thư Tỉnh ủy- Trần Văn Rón cũng lưu ý các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ, các ban ngành đoàn thể các cấp trong tỉnh tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Hội Đoàn kết sư sãi yêu nước, các vị chức sắc, chức việc Phật giáo Nam tông Khmer trong tỉnh, tham mưu đề xuất kịp thời những chủ trương, chính sách về dân tộc, tôn giáo; quan tâm hỗ trợ để đồng bào Khmer nâng cao hơn nữa đời sống vật chất và tinh thần; khuyến khích phong trào khởi nghiệp, tạo việc làm, nâng cao thu nhập; thực hiện tốt cuộc vận động “cả nước chung tay vì người nghèo, không để ai bị bỏ lại phía sau”.

Theo anh Ngô Thành Tài (cán bộ Lao động- Thương binh- Xã hội xã Tân Mỹ), hiện tại xã Tân Mỹ đang chuẩn bị thực hiện đề án nuôi vịt xiêm, lấy kinh phí từ chương trình mục tiêu quốc gia. Theo đó xã sẽ cung cấp 2.000 con giống cho 20 hộ, mỗi hộ 100 con. Anh Ngô Thành Tài cho rằng chính sách ưu đãi cho hộ nghèo cao nên hiện nay khiến một số hộ ỷ lại, không muốn thoát nghèo. Toàn xã còn 39 hộ không có khả năng thoát nghèo phải sống nhờ trợ cấp xã hội. Chính sách cho hộ nghèo còn dàn trãi nên hiệu quả chưa cao. Anh Tài ví dụ: “hỗ trợ mấy trăm ngàn tiền điện cho mỗi hộ/năm cũng không giúp các hộ thoát nghèo. Trong khi đó, số tiền này nếu đầu tư hỗ trợ bò giống sinh sản thì cho khoảng chục hộ thì các hộ có điều kiện làm ăn và dễ thoát nghèo hơn.

Bài, ảnh: CAO HUYỀN- THÚY QUYÊN