Túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần từ lâu đã trở thành một thói quen tiêu dùng gần như không thể thiếu với mọi người. Xuất phát từ sự tiện lợi, nhanh gọn lẹ, chúng ta cứ vô tình thi nhau xả ra môi trường rất nhiều đồ nhựa.
Túi nilon, đồ nhựa dùng 1 lần từ lâu đã trở thành một thói quen tiêu dùng gần như không thể thiếu với mọi người. Xuất phát từ sự tiện lợi, nhanh gọn lẹ, chúng ta cứ vô tình thi nhau xả ra môi trường rất nhiều đồ nhựa.
Với thực trạng sử dụng các sản phẩm nhựa tiện dụng thường xuyên hiện nay, các nhà khoa học báo động rằng nếu con người không sớm nhận thức và thay đổi thói quen tiêu dùng hiện tại thì tổng trọng lượng rác nhựa ở đại dương có thể vượt cả số cá trên thế giới vào năm 2050.
Túi nilon, ly nhựa, ống hút nhựa- tiện nhưng không lợi. Nếu chúng ta sử dụng hàng ngày thì loại rác thải nhựa này hàng trăm năm mới có thể tiêu hủy hết. |
Ống hút nhựa được dùng như thói quen khó bỏ
Thời đại sống hối hả ngày nay, việc mua đồ ăn mang đi từ mọi tầng lớp hoặc trào lưu uống trà sữa cực thịnh của giới trẻ. Thử làm một phép tính.
Một phần ăn mang đi sẽ thải ra môi trường: 1 hộp xốp, 1 cặp muỗng nĩa nhựa, 1 bịch canh, nước chấm (nếu có), tất cả được bọc vào một bọc nilon khác.
Một ly trà sữa cũng góp phần không kém với thân, nắp ly nhựa, kèm ống hút nhựa và vẫn là một bọc nilon bên ngoài. Một quán ăn trung bình bán được 100 suất mỗi ngày. Một quán trà sữa bán được mấy trăm ly, tùy vào mức độ danh tiếng.
Những quán trà sữa “mọc lên như nấm” hiện nay, tính ra một ngày chỉ lượng fan trà sữa đã đóng góp hàng trăm triệu ly nhựa, ống hút nhựa. Mấy trăm triệu cái ống hút này được sản xuất bằng nhựa hỗn tạp, kích thước nhỏ, vì vậy không thể tái chế.
Nhìn qua các chợ hay siêu thị, mỗi ngày các bà nội trợ cũng mang về nhà lỉnh kỉnh bao lớn bao nhỏ, ngập sắc màu nilon. Quả là một cơn ác mộng cho thiên nhiên.
Thời gian gần đây, thông tin về việc sử dụng tùy tiện túi nilon, chai, ly, ống hút nhựa sử dụng một lần làm tăng gánh nặng cho môi trường, khiến nhiều người đắn đo hơn.
Thực tế, chai nhựa ống hút đang được sử dụng khá phổ biến và tính ra mỗi ngày, tại các đô thị lớn, mỗi người có thể bỏ đi vài chiếc ống hút hay ly nhựa sử dụng
một lần.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (Phường 4- TP Vĩnh Long) cho biết dùng ống hút nhựa, ly nhựa nhiều sẽ thải ra môi trường nhiều rác thải, song để thay đổi thói quen của nhiều người là rất khó. “Lâu rồi đi uống cà phê hay đi ăn tôi đều dặn phục vụ không để ống hút, nhưng họ vẫn quen để.
Ăn tiệc cũng vậy, tôi dặn chị không cần ống hút, còn phục vụ cứ thấy ly mình không có ống hút liền cắm vào”- chị nói.
Trong khi đó, anh Trần Thanh Phong (TP Cần Thơ) bày tỏ: “Dùng ống hút nhựa với nhiều người đã quá quen thuộc rồi, nó cũng giống như các chị em đi chợ thì đựng cá, thịt trong túi nilon vậy”.
Giảm thiểu rác thải nhựa
Trước thực trạng trên, nhiều bạn trẻ đã lập nên những cộng đồng online để kêu gọi thay thế và hạn chế sử dụng đồ nhựa.
Bạn Lê Ngọc Nhung (sinh viên ĐH Ngân hàng-TP Hồ Chí Minh) từ khi tham dự cộng đồng này thay đổi gần như ngay lập tức.
Dù là fan trà sữa lâu năm, bạn vẫn tìm cách mua bình giữ nhiệt và ống hút inox (loại ống hút có thể tái sử dụng rất nhiều lần) để mang theo khi mua trà. Oái ăm là nhiều lúc nhân viên cũng gây khó dễ, không chịu đựng trong bình của bạn vì lý do thương hiệu.
Mỗi lần vậy, bạn nhất mực từ chối, thà nhịn cơn thèm còn hơn thải ra môi trường một mớ nhựa. “Tôi biết một mình tôi có thể không giúp số ống hút nhựa thải ra môi trường ít đi bao nhiêu.
Song, tôi có thể truyền cảm hứng cho ba mẹ mình, em gái mình, bạn bè thân và sau đó có thể sẽ tăng số người lên”- Nhung chia sẻ.
Còn bạn Trần Minh Nguyệt (TP Vĩnh Long) hay cầm theo bình nước riêng của mình để đựng nước ép trái cây, cà phê sữa thay vì dùng ly nhựa xài 1 lần, mỗi lần là tốn 1 cái ly, 1 cái nắp, 1 cái túi nilon, 1 cái ống hút và hơn 100 năm các loại nhựa ấy sẽ gây hại cho môi trường biết bao nhiêu.
“Mình còn mua hộp giữ nhiệt để đựng cơm hay mua thức ăn nóng đem về nữa. Phải nói không với hộp cơm, túi nilon để vì sức khỏe và bảo vệ môi trường”- Minh Nguyệt chia sẻ.
Ống hút tre được sử dụng ở quán chay (Quận 11- TP Hồ Chí Minh). |
Nhóm bạn trẻ Cao Bách (Quận 11- TP Hồ Chí Minh) cùng các bạn mở ra quán chay “Không bột ngọt”. Dù quán nhỏ, không có nhiều vốn, nhóm của Bách cũng “chịu giảm lợi nhuận” mua cho quán ống hút tre và ống hút inox để khách có thể uống nước ngon lành mà không cần ống hút nhựa.
Chưa hết, Bách còn mua thêm các hộp xốp làm từ bã mía thay cho hộp xốp nhựa mà các quán ăn thường dùng. Loại hộp này vừa an toàn vừa có thể hâm nóng trong lò vi sóng lại phân hủy sinh học hoàn toàn trong 45 ngày.
Sự báo động cấp bách từ vấn đề rác thải nhựa đánh động và mang lại sự thay đổi rất nhiều của những người quan tâm đến môi trường.
Nếu chúng ta thực sự yêu thiên nhiên hay thiết thực hơn là bảo vệ sự sống cho chính mình và thế hệ tương lai: hãy thay đổi lối sống từ bây giờ. Bắt đầu sẽ có những khó khăn, chập chững để học cách sinh hoạt mới.
Nhưng chỉ cần chúng ta nhận thức được vấn đề cũng như tác hại của “giặc” nhựa đã thực sự “nước đến chân” rồi thì mọi thứ sẽ dễ dàng hơn. Hãy thay thế các đồ nhựa bằng những vật dụng có thể sử dụng dài lâu và an toàn. Tham gia các hoạt động cộng đồng sống xanh trên facebook để học hỏi kinh nghiệm từ người đi trước.
Từng bước từng bước, chúng ta có thể đẩy lùi đồ nhựa không tốt cho sức khỏe và môi trường cũng là cứu lấy chính bản thân mình.
Theo CHANGE (một tổ chức phi lợi nhuận về môi trường ở TP Hồ Chí Minh, trực thuộc Liên hiệp Các hội khoa học và kỹ thuật Việt Nam- VUSTA): Việt Nam là 1 trong 5 nước xả nhiều rác thải nhựa ra biển nhất thế giới, với khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa bị xả ra biển mỗi năm. Trong đó TP Hồ Chí Minh, thành phố đông dân cư số một Việt Nam, có tới 7.500- 8.000 tấn rác thải mỗi ngày với 10% trong số đó là rác thải nhựa. Cũng theo CHANGE, việc rác thải tràn ngập ở đại dương không chỉ ảnh hưởng đến hệ sinh thái, cuộc sống của các sinh vật biển mà còn gây nguy hiểm đến sức khỏe con người khi ăn phải nguồn hải sản bị nhiễm độc... |
Bài, ảnh: QUYÊN NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin