Không chỉ đẩy mạnh nghề đan lục bình với những doanh nghiệp ngày càng phát triển, giúp lao động nông thôn có thu nhập ổn định đời sống, xã Long Phú (Tam Bình) còn phát triển những nghề mới, phù hợp cho lao động nông thôn.
Không chỉ đẩy mạnh nghề đan lục bình với những doanh nghiệp ngày càng phát triển, giúp lao động nông thôn có thu nhập ổn định đời sống, xã Long Phú (Tam Bình) còn phát triển những nghề mới, phù hợp cho lao động nông thôn.
Sân phơi của Công ty TNHH 1TV Thủ công mỹ nghệ Nhựt Linh. |
Bền vững lục bình
Anh Nguyễn Huỳnh Phúc- Phó Giám đốc Trung tâm Học tập cộng đồng xã Long Phú- dẫn chúng tôi bon bon trên con đường ấp Phú Sơn B kèm lời giới thiệu: “Đã viết đan lục bình thì cần ghé chỗ doanh nghiệp Nhựt Linh”.
Bởi lẽ, Công ty TNHH 1TV Thủ công mỹ nghệ Nhựt Linh là nơi gắn bó với nghề đan thảm lục bình lâu nhất xã với hơn 400 lao động thường xuyên.
Trong căn nhà đầy ắp sản phẩm từ lục bình, anh Phạm Nhựt Linh- Giám đốc Công ty TNHH 1TV Thủ công mỹ nghệ Nhựt Linh- mở đầu câu chuyện với câu tự giới thiệu: “Anh khó lắm à nghen”.
Đúng là anh Linh khó thật vì trong buổi trò chuyện với anh, chúng tôi thường xuyên phải đợi những cú điện thoại hoặc là có người đến giao hàng, anh phải kiểm tra. Mỗi sản phẩm đan đát lục bình anh đều cầm lên săm soi rất kỹ, thỉnh thoảng lại nói “sợi dây này đen quá, cô về tháo ra làm lại cái dĩa này…”
Anh Linh “khó” vì chất lượng sản phẩm luôn được anh đặt lên hàng đầu. “Hàng không đúng chuẩn thì tôi không lấy”- anh Linh nói thêm- “Nhiều người nói tôi khó thì tôi khó thiệt, nhưng ai siêng làm, làm đúng tiêu chuẩn sẽ gắn bó dài lâu vì tiền bạc luôn đầy đủ, sòng phẳng cho bà con”.
Công ty của anh hiện có 420 lao động có việc làm thường xuyên với thu nhập ổn định từ nghề đan lục bình từ 2- 3 triệu đồng/tháng.
Sản phẩm Công ty Nhật Linh được đặt hàng từ Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Vĩnh Long- nơi mà anh Linh cho là “khó hãi hùng” nhưng dạy cho anh những bài học về làm ăn: chất lượng sản phẩm, tiến độ giao hàng tạo nên uy tín.
Chỉ tay về phía sân phơi với hàng ngàn sản phẩm từ lục bình đang “tắm nắng”, anh Linh nói: “Sản phẩm đa dạng và thay đổi mẫu mã liên tục nên tôi và anh em cũng đi học thường để đáp ứng nhu cầu”.
Chục năm gắn bó với lục bình, không chỉ gia đình anh Linh “ăn nên làm ra” mà nhiều hộ dân trong xã Long Phú và các xã lân cận cũng có thêm thu nhập.
Anh Linh cho biết: “Hầu hết bà con tận dụng được lục bình nên không tốn tiền mua nguyên liệu, ví dụ mỗi dĩa lục bình vầy được 9.000đ, mỗi người có thể làm từ 8- 16 chiếc/ngày”. Nói rồi, anh Linh điểm danh những lao động khá lên nhờ đan lục bình như: Đan Oanh Em, Trần Văn Bảy, Tôn Thị Cúc,…
Sân nhà phơi đầy lục bình, chị Đinh Thị Hiền (ngụ ấp Phú Sơn B, xã Long Phú) còn sang phơi nhờ sân hàng xóm. Chị Hiền cho biết: “Tui làm hàng chậu, nên không sợ dây đen. Lục bình tui trồng giữ mé, lâu lâu cắt một chuyến phơi khô để dành đan hàng chậu. Nhắm chừng gần hết lại đi cắt tiếp”.
Trước đây, chị Hiền làm công nhân ở TP Hồ Chí Minh, thu nhập cũng ổn nhưng “đâu vào đó”, nên chị quyết định về quê chăn nuôi và đan thảm lục bình tăng thu nhập. Chị Hiền cười: “Không nhiều như làm công nhân nhưng lại có dư vì ở tại nhà”.
Học may đa dạng đầu ra
Từ đầu năm 2018 đến nay, xã Long Phú đã mở được 4 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn, qua đó, dạy nghề cho 64 học viên. Anh Nguyễn Huỳnh Phúc cho biết: “Có người học xong thì may tại cơ sở địa phương, người thì vô khu công nghiệp làm. Các công ty như Tỷ Xuân, Thành Công họ cũng cần những công nhân có chứng chỉ nghề may như vậy”.
Cơ sở may gia công của chị Nguyễn Thị Kim Dư (Ấp 6B, xã Long Phú) đã hoạt động gần 7 tháng, đây cũng là điểm dạy nghề may của xã. Từ 10 năm trước, chị Dư đã nhận may quần áo cho người dân trong xóm.
Tích góp tiền khi trải qua nhiều việc làm khác nhau, chị đã thực hiện được dự định đã ấp ủ từ lâu là có cơ sở may của riêng mình và tạo việc làm cho 3 lao động nữ, người ở trong xóm, người ở Long Hồ cũng đều đặn đến may gia công cùng chị.
Cơ sở của chị Dư nhận may gia công cho công ty may ở TP Hồ Chí Minh. “Việc làm ở đây thuận tiện ở chỗ chị em có thể linh hoạt sắp xếp thời gian rảnh thì đến làm. Có người phải chăm sóc cha mẹ già yếu, nuôi con nhỏ nên rảnh mới chạy qua làm kiếm thêm thu nhập. Nếu làm đều đặn, đúng giờ giấc thì chị em có thể được 70.000- 80.000 đ/ngày”- chị Dư cho biết thêm.
“Hồi mới mở cơ sở cũng lo dữ lắm, may gia công cũng nhiều công đoạn đòi hỏi phải tỉ mỉ, cần cù nhưng nhờ chị em có điều kiện tham gia lớp đào tạo nghề nên cũng tự tin làm kiếm thêm thu nhập, phụ hợ tiền chợ, trang trải cuộc sống. Chỉ cần biết sử dụng máy may, học 2- 3 ngày là có thể quen việc”- chị Dư nói.
Cần mẫn trên những “đường kim mũi chỉ”, chị Đoàn Kim Quyên (34 tuổi, quê ở xã Long Phú) vì phải chăm sóc con nhỏ nên thôi việc ở Khu công nghiệp Hòa Phú về cơ sở may của chị Dư làm.
“Tranh thủ thời gian để qua may hàng ngày, mỗi ngày may gia công khoảng 70 sản phẩm. Thu nhập không nhiều nhưng cuộc sống thoải mái về giờ giấc, có thể lo chu đáo cho con và đủ trang trải chi tiêu lặt vặt trong nhà”.
Bằng những nghề đơn giản và phù hợp với đối tượng, xã Long Phú đã và đang cố gắng giới thiệu đúng người, đúng việc cho lao động nông thôn. Không để đào tạo việc làm cho lao động mang tính hình thức, lấy số lượng. Anh Nguyễn Huỳnh Phúc khoe: “Xã Long Phú sắp tổng kết lớp dạy trang điểm cho lao động nông thôn, toàn huyện mở được 3 lớp thì xã này 2 lớp đó”.
Sản phẩm từ lục bình tại Công ty CP Sản xuất kinh doanh xuất nhập khẩu Vĩnh Long. |
Chị Dương Thị Bé Hai- Phó Chủ tịch UBND xã Long Phú- cho biết: Long Phú đang cố gắng thực hiện tốt các tiêu chí để xây dựng nông thôn mới theo lộ trình đến năm 2020. Đặc biệt, chỉ tiêu thu nhập được quan tâm và việc tạo việc làm cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp của xã.
Tính đến hết tháng 9/2018, huyện Tam Bình đã mở được 38 lớp đào tạo nghề cho lao động nông thôn với 911 học viên, đạt 113,5% kế hoạch năm. Các nghề được mở: sinh vật cảnh, may công nghiệp, hàn, kỹ thuật chăn nuôi gia cầm, tiểu thủ công nghiệp, cắt tóc thẩm mỹ, trang điểm, trồng nấm bào ngư, xây dựng. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN- PHƯƠNG THÚY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin