Giúp người khuyết tật tự tin hòa nhập cộng đồng

03:12, 12/12/2017

Toàn tỉnh có trên 18.300 NKT. Trong đó có khoảng 6.300 người còn khả năng lao động. Với phương châm "trao cần câu hơn là cho con cá", các cơ sở hội có hội viên là NKT tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn, giúp họ vươn lên, ổn định cuộc sống. Qua đó, NKT không chỉ có nghề mà còn tự tin hòa nhập cộng đồng.

 

Ngoài được tặng nhà, mỗi gia đình còn nhận nhiều quà.

Huỳnh Ngọc Tài bên xe lăn mới.

Toàn tỉnh có trên 18.300 NKT. Trong đó có khoảng 6.300 người còn khả năng lao động. Với phương châm “trao cần câu hơn là cho con cá”, các cơ sở hội có hội viên là NKT tổ chức dạy nghề, giới thiệu việc làm, hỗ trợ vốn, giúp họ vươn lên, ổn định cuộc sống. Qua đó, NKT không chỉ có nghề mà còn tự tin hòa nhập cộng đồng.

“Trao cần câu cơm”

Bên cạnh những phần quà hỗ trợ khó khăn trước mắt cho NKT, Hội NKT, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh còn thực hiện tốt vai trò cầu nối liên kết các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất trên địa bàn, tạo thêm nhiều cơ hội việc làm giúp NKT tự tin hòa nhập cộng đồng, vươn lên trong cuộc sống.

Được học nghề đan tại HTX Thanh Thanh (xã Long Phước- Long Hồ), chị Nguyễn Thị Bích Châu (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: “Tuy khuyết tật nhưng em không buông xuôi số phận mà cố gắng vươn lên trong cuộc sống. Em rất biết ơn các thầy cô trong Hội NKT đã giới thiệu, giúp đỡ em học nghề đan giỏ bằng dây nhựa, có việc làm ổn định, nuôi sống bản thân mình”.

Những năm gần đây, Hội Người mù Vĩnh Long có nhiều hoạt động thiết thực chăm lo đời sống, động viên giúp đỡ hội viên tự tin tham gia các hoạt động văn hóa, thể thao, vui chơi, giải trí. Cùng với đó, Hội Người mù Vĩnh Long còn chú trọng đào tạo nghề, hỗ trợ vốn, giải quyết việc làm- giúp hội viên có thêm ý chí, niềm tin vào khả năng lao động; vươn lên làm chủ cuộc sống của mình.

Là một trong 2 hội viên được tổ chức Hội Người mù đưa đi học nghề xâu, kết cườm tại TP Hồ Chí Minh, nhờ vậy bà Nguyễn Thị Chi (xã Lục Sĩ Thành- Trà Ôn) có thể xâu, kết những hạt cườm thành nhiều sản phẩm: móc khóa, lọ hoa hay những con vật dễ thương.

Tuy bị khiếm thị từ nhỏ nhưng với tinh thần không ngại khó, bà Chi đã nỗ lực học hỏi, nghiên cứu và sáng tạo thêm những sản phẩm mới, lạ đáp ứng thị hiếu của người mua. Dù thu nhập từ công việc này không cao nhưng có được cái nghề để nuôi sống bản thân và phụ giúp gia đình đối với người khiếm thị như bà đã là niềm hạnh phúc lớn lao.

Những hoạt động trọng tâm dạy nghề của Hội Người mù, thông qua các dự án dạy nghề: massage xoa bóp, bấm huyệt, tin học văn phòng, kết cườm, đờn ca tài tử, đàn organ…, đã mang lại hiệu quả thiết thực, tạo việc làm cho hàng trăm hội viên có hoàn cảnh khó khăn.

Trong năm 2017, ngoài khai giảng 3 lớp học nghề do Tỉnh hội Người mù Vĩnh Long tổ chức, các huyện hội còn tự vận động, mở các lớp đào tạo nghề nông thôn- trong đó có lớp nghề đan đát thủ công mỹ nghệ.

Cho NKT tự tin, hòa nhập

Hiểu được khó khăn lớn nhất của nhiều NKT chính là mặc cảm, tự ti về khiếm khuyết của mình, các cấp hội liên quan đã tạo điều kiện cho NKT được học tập, vui chơi, tạo phương tiện đi lại. Nhờ đó, nhiều NKT vui sống, tự tin hòa nhập cộng đồng.

Cô gái 23 tuổi Nguyễn Thị Diễm (Bình Tân) sinh ra và lớn lên như những đứa trẻ bình thường. Năm 15 tuổi, Diễm bị bệnh mắt và sau 3 năm điều trị thì… mắt em không còn nhìn thấy gì nữa! “Lúc đó, em chỉ biết khóc và ở miết trong phòng không đi ra ngoài”- Diễm nói.

Và khi Diễm đến với Hội Người mù tỉnh, em đã tìm thấy “ánh sáng” cho mình. Diễm được cô chú ở Tỉnh hội dạy chữ Braille, được dạy nghề massage và bây giờ là được học tin học miễn phí. Với Diễm, đi học nghề, học chữ không chỉ giúp cho bản thân tiến bộ hơn mà còn là niềm tin, niềm hạnh phúc vì “mình cũng có thể làm được những việc như người bình thường”.

Đối với NKT không đi lại được rất khó khăn trong sinh hoạt và mưu sinh. Từ chương trình cấp xe lăn, xe lắc, đã giúp cho NKT đi lại thuận tiện hơn.

Hội NKT, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh còn vận động các nguồn lực xã hội để hỗ trợ vốn cho những trường hợp còn khả năng lao động để buôn bán nhỏ. Nhờ đó, nhiều NKT có thể tự lao động nuôi sống bản thân, có điều kiện vươn lên trong cuộc sống, không còn là gánh nặng của gia đình và xã hội.

Tại trụ sở Hội NKT, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh, cô Hồ Thị Diễm (thị trấn Long Hồ) xúc động khi con trai Huỳnh Ngọc Tài (34 tuổi) bị bại liệt khiến chân tay yếu, co rút được nhận xe lăn mới.

Cô Diễm cho biết: “Xe cũ cũng được hội cho. Mẹ con tui rong ruổi bán vé số mỗi ngày. Xe đó yếu, sắp hư rồi nên hội cho xe mới. Biết có xe, mẹ con tui mừng lắm. Tài mừng, vỗ tay cười suốt hà”.

Người lành lặn tìm được việc làm đã khó, NKT tìm việc làm còn khó hơn. Vì vậy, việc dạy cho NKT một nghề theo khả năng thích hợp và tạo việc làm cho họ chính là đã trao “cần câu” để họ tự làm chủ cuộc sống, từng bước hòa nhập cộng đồng.

Từ năm 2012 đến nay, các cấp Hội NKT, bảo trợ trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh đã triển khai mô hình dạy nghề gắn với giải quyết việc làm cho NKT. Bằng các nguồn quỹ vận động, hội đã trợ vốn sinh kế cho gần 1.500 người giúp họ tự tạo việc làm thêm, như: bán vé số, buôn bán nhỏ, sửa điện tử, gia công đồ mộc, làm thủ công, chăn nuôi tại gia đình... Đến nay, toàn tỉnh đã có hơn 4.500 NKT có việc làm ổn định với thu nhập từ 1 triệu đến vài triệu đồng/người/tháng.

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh