Bước đột phá chuyển từ xóa nghèo sang xóa nghèo nhanh và bền vững

07:09, 22/09/2017

Rời quân ngũ trở về đời thường, những người lính Cụ Hồ tiếp tục phát huy tinh thần gương mẫu, tự lực tự cường, cùng với đó là sự hỗ trợ thiết thực của các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh, đã giúp cho nhiều cán bộ, hội viên chuyển từ xóa nghèo sang xóa nghèo nhanh và bền vững. 

 

Thông qua các mô hình CCB giúp nhau làm kinh tế, đã xây dựng mối quan hệ tương trợ trong cộng đồng dân cư ngày càng có hiệu quả. Trong ảnh: Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn của Hội CCB xã Phước Hậu.
Thông qua các mô hình CCB giúp nhau làm kinh tế, đã xây dựng mối quan hệ tương trợ trong cộng đồng dân cư ngày càng có hiệu quả. Trong ảnh: Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn của Hội CCB xã Phước Hậu.

Rời quân ngũ trở về đời thường, những người lính Cụ Hồ tiếp tục phát huy tinh thần gương mẫu, tự lực tự cường, cùng với đó là sự hỗ trợ thiết thực của các cấp Hội Cựu chiến binh (CCB) trong tỉnh, đã giúp cho nhiều cán bộ, hội viên chuyển từ xóa nghèo sang xóa nghèo nhanh và bền vững. 

Thành quả ấn tượng mang lại là 33 xã- phường- thị trấn không còn CCB nghèo; tỷ lệ hộ khá giàu đạt 65,7%.

Thu nhập tăng thêm từ công trình chào mừng đại hội

Sau 3 năm chiến đấu tại chiến trường K (Campuchia), năm 1988, anh Trần Minh Hùng xuất ngũ trở về quê nhà ở ấp Phước Hanh A (xã Phước Hậu- Long Hồ).

Được cha mẹ cho ra riêng với 3 công ruộng, tuy nhiên “do thiếu kinh nghiệm sản xuất và trồng độc canh cây lúa, nên có gạo ăn là mừng lắm rồi”- anh Hùng nhớ lại.  

Thông qua các lớp tập huấn do Hội CCB phối hợp tổ chức và học hỏi từ bạn bè, anh Hùng đã chuyển sang trồng hẹ vì “rủi ro ít, giá cả ổn định và hầu như không bị dội chợ”- anh Hùng nói.

 “Mua thổ thì lời”, thế nên tích cóp được bao nhiêu là anh mua thêm đất. Hiện, anh có 10 công đất, trong đó 7 công chuyên canh hẹ. Mỗi vụ hẹ (4- 5 tháng), anh thu hoạch 3- 4 đợt, lợi nhuận 40 triệu đồng/đợt. Nhờ vậy cuộc sống gia đình ngày càng khấm khá. 

20 năm nay, với vai trò là Chi hội trưởng Chi hội CCB ấp, anh thường xuyên chia sẻ kinh nghiệm làm ăn, giúp nhau làm kinh tế. 

Nhờ vậy, đến nay chi hội không còn hội viên nghèo. Điều đặc biệt là, gần đây khi Hội CCB xã thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn, anh là một trong các thành viên chủ lực góp công, hỗ trợ kỹ thuật trồng rau. 

Ông Trần Văn Nghĩa- Chủ tịch Hội CCB xã- cho biết, tổ có 9 thành viên, đa số thành viên trong BCH Hội CCB xã và là chi hội trưởng CCB các ấp. Với số tiền hỗ trợ 250.000 đ/tháng, không đủ chi phí đi lại, sinh hoạt, hội họp... 

Cuối năm 2016, được anh Thái Thành Sơn (ấp Phước Lợi A) cho mượn 4 công đất cùng máy xới, máy tưới; hội đã thống nhất thành lập Tổ hợp tác sản xuất rau an toàn nhằm giúp anh em có thu nhập tăng thêm. Đây cũng là công trình chào mừng Đại hội CCB các cấp như “món quà” đầy ý nghĩa thiết thực.

Ông Phạm Hoàng Huynh- Tổ trưởng tổ hợp tác- cho biết, lợi thế của tổ là các CCB là những nông dân sản xuất giỏi cấp huyện và là thành viên Hợp tác xã Sản xuất rau an toàn Phước Hậu, có nhiều kinh nghiệm trong sản xuất, tiêu thụ rau an toàn, nên tổ đi vào hoạt động khá thuận lợi.

Vụ đầu, tổ trồng ớt sừng vàng F1 lai Châu Phi mùa nghịch cho năng suất 6 tấn, bán được 60 triệu đồng, tổ tiếp tục thuê thêm đất để mở rộng sản xuất. Hiện, có 8 công trồng hẹ và đã thu hoạch 2 đợt (khoảng 8 tấn/đợt), giá bán bình quân 8.000 đ/kg.

“Tôi dự kiến các vụ tiếp theo sẽ được “ẵm” lời trọn để chia cho anh em có thu nhập tăng thêm. Song, vấn đề mà Hội CCB quan tâm là tạo thói quen cho mọi người đi vào sản xuất có quy hoạch, đảm bảo an toàn trong sản xuất và tiêu thụ sản phẩm, góp phần nâng chất tiêu chí thu nhập, môi trường và an toàn thực phẩm trong nông thôn mới”- ông Huynh nói.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, ông Trần Văn Sào (ấp Tân Trung, xã Tân Bình- Bình Tân) đã hy sinh một phần xương máu, trở thành thương binh 1/4. Khi ra riêng chỉ có mỗi cái nền nhà, phải làm mướn kiếm sống, nhưng đến nay đã mua gần 2 công đất và cất nhà tường khang trang. Tháng 7/2017, ông được Chủ tịch UBND tỉnh tặng bằng khen là “đối tượng chính sách tiêu biểu có nhiều nỗ lực vượt khó, vươn lên, chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước”.

Nhiều cơ sở hội không còn hội viên nghèo 

Năm 1988, ông Huỳnh Kim Phước xuất ngũ trở về quê nhà ở ấp Thành Nhân (xã Thành Lợi- Bình Tân). Là anh lớn trong nhà, nên ông phải phụ cha mẹ chăm lo cho 5 đứa em. “Lúc đó, nhà có 6 công ruộng mà làm không đủ ăn”- ông nhớ lại. 

Sau nhiều đêm trăn trở, thấy tại địa phương nuôi vịt chạy đồng nhiều, cho rằng đây là cơ hội tốt để mua đi bán lại kiếm lời vì vốn đầu tư không cần nhiều. Hàng ngày, ông Phước mượn ghe chèo qua Cần Thơ bán, lúc rảnh thì giăng câu, chài lưới bắt cá để kiếm thêm thu nhập.

Tận dụng “bồ” đan bằng tre nứa, trấu, màn (ủ trứng)… là những thứ rẻ tiền sẵn có, ông nghiên cứu ấp trứng bằng thủ công. Tuy nhiên, “cách làm này phụ thuộc vào điều kiện nhiệt độ, ẩm độ môi trường… và không phải ai cũng làm được, nhưng tôi làm khá thành công nên kiếm lời rất nhiều”- ông Phước khoe.

Bên cạnh, nhờ “mua tận gốc và bán tận ngọn” theo kiểu đến tận ruộng và các điểm chăn nuôi mua rồi bán lại tại các chợ nên ông tích lũy được số vốn kha khá, sắm xe tải giao hàng tận TP Hồ Chí Minh, xây nhà khang trang, mua thêm 30 công đất rẫy (cho thuê 120 triệu đồng/năm) và tậu 6 nền nhà cạnh khu hành chính huyện để làm của hồi môn cho con.

Từ năm 2000, ông chuyển từ ấp vịt thủ công sang ấp lò. Tuy không lời nhiều như trước (do nhiều người làm đại trà, giá thành giảm) nhưng mỗi tháng cũng bỏ ống cả trục triệu đồng.

“Vươn lên từ khó khăn nên khi đồng đội cần, ông Phước luôn sẵn lòng giúp đỡ. Hàng năm, anh đều góp tiền mua quà tặng cho đồng đội là cán bộ lão thành và thương binh nhân dịp lễ, tết”- ông Lý Cẩm Trí- Phó Chủ tịch Hội CCB xã Thành Lợi- cho biết.

Ông Phước tâm sự: “Từ lâu tôi ấp ủ dự định đầu tư công nghệ hiện đại sản xuất các mặt hàng từ khoai lang như: sấy, ngào đường, làm rượu… trước là tạo đầu ra cho nông sản quê nhà, sau là tạo việc làm cho bà con nông dân. Tuy nhiên, do kiến thức có giới hạn (chỉ mới lớp 9), nên sẽ phải nhờ vào sự hỗ trợ của các ngành chức năng, các cấp hội… hy vọng ước mơ đó sớm thành hiện thực”.

Các cấp hội tham quan cơ sở ấp trứng của anh Huỳnh Kim Phước (thứ 2, bên trái).
Các cấp hội tham quan cơ sở ấp trứng của anh Huỳnh Kim Phước (thứ 2, bên trái).

Theo ông Nguyễn Văn Ba- Phó Chủ tịch Hội CCB huyện Bình Tân, khi xuất ngũ trở về, đời sống đa số anh em CCB rất khó khăn, nhưng với quyết tâm “không cam chịu đói nghèo” cộng với sự hỗ trợ thiết thực của chính quyền địa phương và các cấp hội, đã nâng mức sống CCB khá giàu lên 74,5%.

Dự kiến đến năm 2020, sẽ không còn hộ nghèo và cận nghèo (27 hộ), đưa cuộc sống hội viên ngày càng tốt đẹp hơn.

Ông Võ Văn Lùng- Phó Chủ tịch Thường trực Hội CCB tỉnh- nhận định: Ngày xưa, “Bộ đội Cụ Hồ” cùng nhau chiến thắng quân thù, khi trở về đời thường thì tiếp tục giúp nhau chiến thắng đói nghèo.

Điểm nổi bật trong nhiệm kỳ qua là đã tạo sự chuyển biến trong nhận thức của từng CCB, chuyển từ xóa nghèo sang xóa nghèo nhanh và bền vững. Để làm được điều này, các cán bộ, hội viên đã phát huy và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực, nhất là nguồn vốn vay, đa dạng các mô hình kinh tế và sẵn sàng giúp nhau bằng cả “trái tim người lính”.

Bước sang nhiệm kỳ mới (2017- 2022), hội đề ra kế hoạch đến năm 2020 sẽ cơ bản không còn CCB nghèo, kiên quyết không để CCB ở nhà tạm bợ, dột nát và phải đạt hơn 90% nhà “3 cứng”. 

 

Các cấp Hội CCB trong tỉnh đã huy động nguồn vốn hơn 358,3 tỷ đồng, tăng 1,6 lần so đầu nhiệm kỳ; xây dựng các mô hình kinh tế hợp tác do CCB làm giám đốc, tổ trưởng; giải quyết việc làm ổn định cho 17.690 con, em CCB, cựu quân nhân; cất mới và xóa 778 căn nhà tạm cho CCB trị giá gần 29 tỷ đồng, tăng gần 1,9 lần so nhiệm kỳ trước. Qua đó, đã giúp 579 hộ CCB thoát nghèo; có 78/151 cơ sở hội không còn CCB nghèo; hộ khá giàu tăng gần 6% so nhiệm kỳ trước. 

 

  • Bài, ảnh: XUÂN TƯƠI
Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh