Giá trị viện trợ PCPNN sụt giảm- vì sao?

07:06, 15/06/2017

Trước đây, có thể nói Vĩnh Long là "lá cờ đầu" trong vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), với nhiều dự án quy mô lớn, có dự án lên đến 7 triệu USD. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá trị viện trợ PCPNN có xu hướng giảm dần. Đâu là nguyên nhân?

Trước đây, có thể nói Vĩnh Long là “lá cờ đầu” trong vận động viện trợ phi chính phủ nước ngoài (PCPNN), với nhiều dự án quy mô lớn, có dự án lên đến 7 triệu USD. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá trị viện trợ PCPNN có xu hướng giảm dần. Đâu là nguyên nhân?

Lễ trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh do Tổ chức Dariu (Thụy Sĩ) tài trợ.
Lễ trao học bổng cho học sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn trong tỉnh do Tổ chức Dariu (Thụy Sĩ) tài trợ.

Thời kỳ “hoàng kim” 2009- 2013

Qua tổng hợp số liệu cho thấy, năm 2008, giá trị viện trợ PCPNN trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long chỉ đạt gần 50 tỷ đồng. Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2009- 2013, tình hình vận động viện trợ PCPNN có khởi sắc hơn và giá trị viện trợ có xu hướng tăng dần qua các năm, từ gần 69 tỷ đồng lên đến gần 108 tỷ đồng. Riêng trong 2 năm (2011 và 2013), viện trợ PCPNN đạt con số kỷ lục, vượt hơn 100 tỷ đồng/năm.

Tính chung 5 năm (2009- 2013) giá trị viện trợ PCPNN đạt gần 460 tỷ đồng, bình quân mỗi năm vận động được khoảng 92 tỷ đồng.

Có được kết quả trên do nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu là trong giai đoạn này Vĩnh Long tiếp nhận được 3 dự án có quy mô khá lớn, với tổng mức viện trợ lên đến gần 240 tỷ đồng (đã quy đổi USD sang VNĐ), chiếm hơn 51% tổng giá trị viện trợ cả giai đoạn.

Trong đó, dự án “đầu tư nâng cấp cơ sở, vật chất, mua sắm trang thiết bị các trạm y tế xã, phường, thị trấn trong toàn tỉnh Vĩnh Long do Tổ chức Atlantic Philanthropies (AP- Hoa Kỳ) tài trợ 7 triệu USD (tương đương khoảng 140 tỷ đồng.

Kế đến là dự án “Sức sống Mekong” do Quỹ Coca Cola thông qua Tổ chức PACT (Hoa Kỳ tài trợ hơn 30,6 tỷ đồng (năm 2013) nhằm giúp chị em phụ nữ khu vực Mekong nâng cao năng lực phát triển kinh tế.

Và Tổ chức The Dariu Foundation (Thụy Sĩ) triển khai các dự án về chương trình tài chính vi mô, trao tặng học bổng, xe đạp, xây dựng trường mẫu giáo... với tổng giá trị viện trợ khoảng 68 tỷ đồng.

Bên cạnh việc tiếp nhận những dự án có quy mô lớn, công tác viện trợ PCPNN ở Vĩnh Long còn có những thuận lợi cơ bản.

Đó là sự quan tâm chỉ đạo sát sao của UBND tỉnh đối với công tác đối ngoại nhân dân, đặc biệt UBND tỉnh đã ủy quyền cho Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị làm đầu mối trong công tác vận động viện trợ.

Hàng năm, tỉnh dành một khoản ngân sách đối ứng để triển khai thực hiện các dự án theo yêu cầu của nhà tài trợ; được trích tỷ lệ phần trăm trên tổng giá trị vận động viện trợ được giải ngân để chi cho khen thưởng người có công và chi phí cho công tác vận động viện trợ PCPNN.

Có thể nói, công tác vận động viện trợ PCPNN trong giai đoạn này được xem là thời “hoàng kim”, đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế- xã hội của tỉnh, mà nổi bật nhất là 100% trạm y tế xã- phường- thị trấn trong tỉnh được xây dựng mới với một số trang thiết bị y tế cần thiết đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân tuyến cơ sở, góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Giá trị viện trợ PCPNN sụt giảm, vì sao?

Tuy nhiên, bước sang giai đoạn 2014- 2016, công tác viện trợ PCPNN có phần khó khăn hơn, giá trị vận động viện trợ cũng có xu hướng giảm dần, từ khoảng 85 tỷ đồng (năm 2014), giảm còn khoảng 80,2 tỷ đồng (năm 2015) và còn 56,6 tỷ đồng năm 2016 và quý I/2017 hơn 7 tỷ đồng.

Các khoản viện trợ phần lớn nhỏ lẻ và xu hướng chuyển sang tập trung nhiều cho lĩnh vực an sinh xã hội, giáo dục, hỗ trợ vay vốn tín dụng phát triển kinh tế gia đình…

Đi tìm lời giải về sự sụt giảm này, trước hết là do 2 trong số 3 dự án có quy mô lớn đã viện trợ ở giai đoạn 2009- 2013 kết thúc chu kỳ dự án (dự án AP và dự án Sức sống Mekong).

Riêng Tổ chức Dariu (Thụy Sĩ) vẫn tiếp tục duy trì tài trợ (chủ yếu là cho phụ nữ vay vốn phát triển kinh tế gia đình) nhưng giá trị viện trợ cũng giảm mạnh, từ khoảng 40 tỷ đồng/năm (2014, 2015) còn khoảng 18,7 tỷ đồng (năm 2016).

Trong khi đó, công tác vận động viện trợ đối với các tổ chức (đối tác) mới, các dự án có quy mô lớn, dài hạn trong thời gian này chưa có kết quả.

Ngoài ra, do ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng tài chính, suy thoái kinh tế thế giới tác động đến tình hình chung, trong đó hoạt động viện trợ của các tổ chức PCPNN gặp nhiều khó khăn hơn.

Mặt khác, Việt Nam bước vào ngưỡng quốc gia có thu nhập trung bình, thoát khỏi nhóm quốc gia nghèo và lạc hậu, nên các tổ chức PCPNN có xu hướng chuyển sang viện trợ các nước nghèo, khó khăn hơn.

Đến cuối năm 2016, trên địa bàn tỉnh còn 33 tổ chức PCPNN đăng ký hoạt động, nhưng hoạt động thường xuyên chỉ có 23 tổ chức. Số lượng này đã giảm nhiều so với những năm trước đây.

Thêm vào đó, một số kênh vận động truyền thống của Liên hiệp Việt Nam: Paccom, các tổ chức có mối liên hệ lâu dài, các cơ quan hợp tác phát triển… gặp khó khăn trong quá trình vận động, từ đó ảnh hưởng đến tình hình vận động chung của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị.

Đó chính là những nguyên nhân cơ bản nhất làm cho giá trị viện trợ PCPNN trên địa bàn tỉnh sụt giảm trong vài năm trở lại đây.

Giải pháp nào?

Tiếp tục duy trì và phát triển thân thiện mối quan hệ với các tổ chức PCPNN đã và đang hoạt động trên địa bàn tỉnh; mở rộng đối tượng vận động viện trợ, nhất là các đại sứ quán, tổng lãnh sự, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài đóng trên địa bàn;

tranh thủ sự lãnh đạo của Liên hiệp Việt Nam, Ban điều phối viện trợ nhân dân (PACCOM), Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị TP Hồ Chí Minh, các vụ hợp tác song phương; tổ chức hội nghị, hội thảo chia sẻ thông tin, kinh nghiệm hoạt động đối ngoại nhân dân, vận động viện trợ PCPNN với liên hiệp các tỉnh- thành trong cả nước;

phối hợp các ngành xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện chương trình xúc tiến vận động viện trợ PCPNN, tìm kiếm đối tác mới.

Duy trì và phát triển các hoạt động ngoại giao nhân dân, hoạt động hữu nghị truyền thống; củng cố, phát triển các hội thành viên nhằm đẩy mạnh hoạt động, mở rộng kênh ngoại giao và vận động viện trợ nhân đạo thông qua việc tiếp xúc, vận động tổng lãnh sự và cơ quan hợp tác phát triển của các nước tại TP Hồ Chí Minh.

Đẩy mạnh công tác thông tin đối ngoại, tăng cường hoạt động trang thông tin điện tử của Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị;

nâng cao hiệu quả hoạt động của cơ quan thường trực Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị tỉnh, trong đó chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ lý luận chính trị, chuyên môn, ngoại ngữ và các kỹ năng cần thiết cho cán bộ công chức, viên chức thuộc liên hiệp nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ đối ngoại nhân dân, vận động viện trợ PCPNN trong tình hình mới.

Bài, ảnh: HỒNG THANH

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh