Năm 2016 với chủ đề "Vì an sinh xã hội và người nghèo", Ban vận động các cấp của tỉnh Vĩnh Long vận động quỹ Vì người nghèo được 39 tỷ đồng (đạt 153% kế hoạch). Nhờ nguồn quỹ này, người nghèo tỉnh nhà có thêm chỗ dựa quý giá để từ đó vươn lên vượt qua cái nghèo.
Hơn 2.300 người nghèo được đón Tết Nguyên đán 2017 trong căn nhà mới ấm áp nghĩa tình. |
Năm 2016 với chủ đề “Vì an sinh xã hội và người nghèo”, Ban vận động các cấp của tỉnh Vĩnh Long vận động quỹ Vì người nghèo được 39 tỷ đồng (đạt 153% kế hoạch). Nhờ nguồn quỹ này, người nghèo tỉnh nhà có thêm chỗ dựa quý giá để từ đó vươn lên vượt qua cái nghèo.
Trên 2.350 hộ nghèo có nhà mới
Tết vừa qua, gia đình anh Trần Văn Toàn (xã Bình Phước- Mang Thít) được đón tết trong niềm vui trọn vẹn. Anh Toàn lập gia đình, ra riêng gần 10 năm nay. Song, do thu nhập chỉ từ nghề bưng gạch mướn nên căn nhà lá ọp ẹp vẫn mãi xiêu vẹo.
Nhờ MTTQ xã vận động nhà hảo tâm hỗ trợ 30 triệu đồng cất lại căn nhà, anh nói: “Ao ước mần tích cóp cất lại nhà dột lâu rồi mà hổng có thực hiện được. Nay được Nhà nước quan tâm cho nhà, tui mừng lắm, đi mần cũng yên tâm hổng sợ nhà dột nữa rồi”.
Nhiều gia đình hộ nghèo Khmer cũng được vui sum vầy trong ngôi nhà ấm áp. Bà Thạch Thị Xu (xã Tân Mỹ- Trà Ôn) xúc động: “Hồi mẹ đẻ tới giờ nghèo lắm, nhà cửa lụp xụp. Giờ được Nhà nước quan tâm cất lại nhà, mừng dữ lắm nhưng cũng phải cố mần không ỷ lại để hổng nghèo nữa”.
Bằng nhiều nguồn vốn trên 70 tỷ đồng, năm 2016, tỉnh Vĩnh Long cất nhà đại đoàn kết cho 2.350 hộ nghèo, hộ cận nghèo, người già neo đơn, đồng bào dân tộc Khmer được đón xuân 2017 trong căn nhà mới.
Mỗi căn nhà được hỗ trợ xây dựng trị giá từ 30- 40 triệu đồng từ việc trích quỹ Vì người nghèo và vận động các đơn vị, cá nhân hỗ trợ.
Theo đó, cấp tỉnh 474 căn; cấp huyện và cơ sở 678 căn; Đài Phát thanh- Truyền hình Vĩnh Long cất 780 căn nhà cho hộ Khmer nghèo khó khăn về nhà ở; Công ty Xổ số kiến thiết tỉnh 340 căn; Ngân hàng TMCP Công thương chi nhánh Vĩnh Long 100 căn;...
Trên 1.000 tỷ đồng đến người nghèo
Theo bà Lê Thanh Xuân- Phó Chủ tịch Thường trực Hội Người tàn tật- trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh, thời gian qua, hội đang dần mở rộng hệ thống cơ sở hội các xã- phường- thị trấn trong toàn tỉnh.
Trên cơ sở đó, các hình thức đa dạng trong vận động, ủng hộ, tài trợ đã được hội các cấp phát huy hiệu quả. Hội đã trở thành cầu nối đưa những tấm lòng thiện nguyện của các tập thể, cá nhân trong và ngoài tỉnh đến giúp đỡ người khuyết tật nghèo và trẻ mồ côi trên địa bàn tỉnh.
Trong năm 2016, tổng giá trị phúc lợi các cấp hội vận động được trên 63 tỷ đồng, đạt trên 210% kế hoạch, trợ giúp cho gần 415.000 lượt người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo.
Bên cạnh, Hội Người tàn tật- trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo còn xây dựng được gần 700 công trình vệ sinh với trên 3 tỷ đồng, 9 công trình nước sạch cho người khuyết tật và nhiều chương trình hỗ trợ hiệu quả khác.
Bà Lê Thanh Xuân tâm đắc: “Một trong những hoạt động có nhiều ý nghĩa thiết thực là chương trình phối hợp với Sở Y tế chăm sóc, thăm khám sức khỏe tại nhà cho người khuyết tật đặc biệt nặng, để cung cấp thông tin cho các trạm y tế trong tỉnh. Từ đó, các trạm y tế đã có chương trình chăm sóc thường xuyên cho những đối tượng này”.
Ông Lê Quang Đạo- Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch UBMTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Long trao bằng khen các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc thực hiện cuộc vận động quỹ Vì người nghèo. |
Năm 2017, với chủ đề “Vì người nghèo và an sinh xã hội”, tỉnh Vĩnh Long phấn đấu vận động quỹ Vì người nghèo và các chương trình an sinh xã hội đạt 240 tỷ đồng; trong đó, vận động “Quỹ vì người nghèo” các cấp đạt 40 tỷ đồng và thực hiện các chương trình an sinh xã hội đạt 200 tỷ đồng.
Để thực hiện đạt mục tiêu đề ra, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy- Trương Văn Sáu đề nghị các cấp ủy đảng, chính quyền, MTTQ các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động tạo sự đồng thuận trong toàn xã hội chung tay chăm lo người nghèo.
Các tổ chức thành viên MTTQ phát động các phong trào thi đua, tổ chức những hoạt động huy động các nguồn lực, nhất là theo lĩnh vực, thế mạnh của mỗi đoàn thể để chăm lo cải thiện đời sống, phát triển sản xuất, góp phần thoát nghèo bền vững cho đoàn viên, hội viên.
Đi đôi với công tác giảm nghèo, các cấp, các ngành tích cực giải quyết việc làm cho người lao động gắn với đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo ngắn hạn cho lao động ở nông thôn; quan tâm hỗ trợ và tạo điều kiện cho lao động nghèo có việc làm, thu nhập ổn định.
|
Theo Ban vận động Ngày vì người nghèo tỉnh, các hoạt động an sinh xã hội tiếp tục tạo sức lan tỏa mạnh, trở thành hoạt động mang ý nghĩa chính trị, xã hội và nhân văn sâu sắc; cùng với Đảng, Nhà nước chăm lo cho người nghèo, hộ nghèo có đời sống tốt hơn, ổn định hơn.
Từ nguồn quỹ, nhiều cá nhân, gia đình có hoàn cảnh khó khăn được giúp đỡ vươn lên trong cuộc sống.
Cuộc vận động đã góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh từ 6,26% năm 2015 xuống còn 4,78% năm 2016 (giảm 1,48%- vượt chi tiêu nghị quyết).
Tuy nhiên, toàn tỉnh hiện còn 13.299 hộ nghèo, 12.602 hộ cận nghèo, 1.858 hộ có hoàn cảnh khó khăn và hơn 2.250 trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt, trẻ mồ côi… cần được sự hỗ trợ giúp đỡ về mọi mặt. |
- Bài, ảnh: THÚY QUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin