Học sinh "rùng mình" nghe về tác hại thuốc lá

02:03, 09/03/2017

Hiện nay, Việt Nam nằm trong "top" 15 quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ nam giới trên 15 tuổi hút thuốc lá lên tới 47,4% (tức 2 người thì có gần 1 người hút thuốc lá).

Hiện nay, Việt Nam nằm trong “top” 15 quốc gia có tỷ lệ hút thuốc lá cao nhất thế giới. Tỷ lệ nam giới trên 15 tuổi hút thuốc lá lên tới 47,4% (tức 2 người thì có gần 1 người hút thuốc lá).

Những nghiên cứu cho thấy, tỷ lệ hút thuốc lá trong thanh- thiếu niên đang tăng và độ tuổi bắt đầu hút thuốc ngày càng trẻ, khi có tới 21,6% nam thanh niên từ 16- 24 tuổi hút thuốc lá.

“Mỗi năm tốn hơn 7 triệu để đốt sức khỏe”

Từ đầu tháng 3/2017, chương trình nói chuyện về tác hại thuốc lá được Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Vĩnh Long tổ chức nói chuyện chuyên đề về tác hại của thuốc lá, được thực hiện tại 40 trường THCS- THPT trong tỉnh, nhằm nâng cao ý thức của các em về tác hại của thuốc lá đối với sức khỏe.

Được thấy và nghe những thông tin, hình ảnh về tác hại thuốc lá, nhiều học sinh Trường THPT Trần Đại Nghĩa (Tam Bình) đã “rùng mình”. Không nói lời nào từ khi chương trình tư vấn bắt đầu, em Nguyễn Ngọc Hiếu lớp 10A7 nhìn rất đăm chiêu.

Ngọc Hiếu tâm sự: “Trước giờ em vẫn biết tác hại của thuốc lá nhưng em không ngờ nó ghê gớm như vậy. Hơn 7.000 chất hóa học có trong thuốc lá, trong đó có 69 chất là tác nhân gây ung thư, việc sử dụng thuốc lá là nguyên nhân gây ra hơn 25 căn bệnh nguy hiểm cho cả người hút và những người không hút nhưng thường xuyên hít phải khói thuốc, trong đó có những bệnh như ung thư phổi, tim mạch, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính...”

Rồi Hiếu lo lắng: “Ba em cũng có hút thuốc, mỗi ngày khoảng một gói. Mà hút thuốc chỉ 1 điếu giảm 5,5 ngày sống… Khói thuốc lá rất độc hại sẽ làm ảnh hưởng không chỉ ba mà cho mẹ và em nữa. Phải về động viên, khuyên ba em bỏ thuốc lá vì sức khỏe cả nhà”.

Em Nguyễn Thị Tiểu Yến (lớp 10A5) cho biết “em rất quan tâm đến tác hại của thuốc lá vì bây giờ em thấy người bệnh nhiều, bệnh nặng không hà”.

Gia đình Yến cũng có ba và chú hút thuốc. Nếu như ba hút mỗi ngày độ nửa gói thì chú hút đến 1 gói/ngày. Yến nói thêm: “Mỗi gói thuốc khoảng 20.000đ, tính ra mỗi tháng tốn 600.000đ tiền hút thuốc, mỗi năm nhà em tốn hơn 7 triệu cho cái thứ thuốc chết người đó”.

Nhưng Yến lo lắng nhất là: “Khói thuốc lá rất độc cho người hít. Chú em có con nhỏ, chú hay hút khi chăm con. Em sẽ khuyên ba, khuyên chú hãy biết quý sức khỏe của mình, của vợ con mà giảm từ từ và bỏ thuốc”.

Xây dựng trường học không khói thuốc lá

Em Nguyễn Đăng Khoa (17 tuổi) cho biết mình chưa từng hút thuốc, còn ba em nghiện khá nặng.

Nhiều lần mẹ khuyên bỏ thuốc, ba đều nói: Trong làm ăn, mời thuốc, hút thuốc cũng là phép lịch sự, là văn hóa ngoại giao. Lúc đó em thực sự hoang mang, chẳng lẽ sau này nối nghiệp ba, em cũng phải “theo” ba hút thuốc để thành công trong công việc sao? Song, giờ em hiểu về tác hại thuốc lá, hút thuốc là đốt sức khỏe cho mình và người thân.

Khoa cho biết: “Em sẽ khuyên ba, in những bài viết về tác hại thuốc lá cho ba đọc. Dẫn chứng cho ba biết, rất nhiều người thành đạt mà không hút thuốc lá. Mặt khác, thuốc lá bị cấm sử dụng tại các cơ quan và nơi công cộng. Trong ngoại giao, hút thuốc có thể được coi là hành động thiếu tôn trọng mọi người”.

Xây dựng trường học không khói thuốc.
Xây dựng trường học không khói thuốc.

Theo bác sĩ chuyên khoa 1 Phan Gia Hoàng- Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh Vĩnh Long, nhiều người lớn có những biện minh rằng chỉ cần khi hút thuốc tránh xa trẻ em là không gây ảnh hưởng sức khỏe của trẻ.

Song, việc chứng kiến người lớn hút thuốc khiến trẻ dần dần sẽ hình thành tư duy hút thuốc là bình thường và khi lớn lên trẻ cũng dễ tiếp cận, trở thành người hút thuốc. Để trẻ có một sức khỏe tốt nhất và tránh được những nguy cơ do thuốc lá gây ra, phụ huynh cần phải giúp trẻ tránh khỏi thói quen này ngay từ bây giờ.

Để phòng ngừa các em hút thuốc, cách tốt nhất vẫn là tuyên truyền để học sinh hiểu rõ về tác hại của thuốc lá.

Đồng thời phối hợp với cha mẹ học sinh thường xuyên kiểm tra đột xuất, nhằm kịp thời ngăn chặn hiện tượng hút thuốc lá bên ngoài nhà trường của các em. Nếu phát hiện con mình hút thuốc, các bậc cha mẹ không nên tỏ thái độ tức giận mà thay vào đó là kiên nhẫn nghe con giải thích và giúp con nhận thức về tác hại của việc hút thuốc.

 

 

Theo bác sĩ Phạm Trí Châu- Giám đốc Trung tâm Truyền thông giáo dục sức khỏe tỉnh, mỗi cuộc nói chuyện kéo dài 30 phút, các truyền thông viên tập trung tuyên truyền các nội dung về tác hại của thuốc lá, một số quy định trong Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá (có hiệu lực từ tháng 5/2013).

 

Qua việc tuyên truyền giáo dục, các em thấy được những tác hại nghiêm trọng của việc hút thuốc lá, bị hút thuốc lá thụ động đối với sức khỏe, từ đó hiểu vì sao không nên hút thuốc lá, đặc biệt là việc xây dựng trường học không khói thuốc lá.

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh