Đặt mục tiêu mỗi năm hỗ trợ 2.500 phụ nữ Việt Nam khởi nghiệp

02:03, 09/03/2017

Sáng 9/3, ngay sau khi bế mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII Nguyễn Thị Thu Hà đã chủ trì cuộc họp báo thông tin nhanh về kết quả Đại hội.

 

Quang cảnh họp báo. (Ảnh: TTXVN)
Quang cảnh họp báo. (Ảnh: TTXVN)


Sáng 9/3, ngay sau khi bế mạc Đại hội đại biểu Phụ nữ toàn quốc lần thứ XII, nhiệm kỳ 2017-2022, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII Nguyễn Thị Thu Hà đã chủ trì cuộc họp báo thông tin nhanh về kết quả Đại hội.

Phát huy nội lực, giải quyết các vấn đề của phụ nữ

Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam khóa XII Nguyễn Thị Thu Hà cho biết trong nhiệm kỳ XII, bám sát những nhiệm vụ lớn của đất nước trong giai đoạn hiện nay, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam xác định “Phụ nữ vừa là đối tượng chăm lo, hướng đến của tổ chức Hội, vừa là chủ thể thực hiện thành công phong trào thi đua và các hoạt động do Hội triển khai."

Bà Hà cho biết điểm mới trong nội dung và phương thức hoạt động trong nhiệm kỳ này là phát huy quyền làm chủ của phụ nữ, thể hiện ở 2 phương diện: phát huy vai trò, nội lực để tự giải quyết các vấn đề của mình và tổ chức cho phụ nữ tham gia xây dựng Đảng, xây dựng Chính quyền, xây dựng Hội được coi trọng hàng đầu. 

Để phát huy nội lực của phụ nữ, phương hướng nhiệm kỳ 2017-2022 đề ra các giải pháp vận động phụ nữ giúp nhau như tiết kiệm tạo nguồn vốn tại chỗ, kết nghĩa, hỗ trợ nhau về nguồn lực và kinh nghiệm sản xuất; tăng cường mối liên kết hội viên các tổ chức thành viên như Hội Nữ trí thức, Hiệp hội nữ doanh nhân với các nhóm phụ nữ nhằm hỗ trợ phụ nữ phát triển kinh tế, nâng cao trình độ, tự tin hội nhập.

Trong xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, xây dựng Hội, trong nhiệm kỳ tới, các cấp Hội cũng sẽ có nhiều biện pháp để thu hút phụ nữ tham gia các hoạt động giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật ở các địa phương; tạo diễn đàn để phụ nữ thể hiện tiếng nói, quan điểm của mình và hướng tới đánh giá kết quả hoạt động Hội thông qua sự hài lòng của hội viên, phụ nữ.

Điều lệ Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam cũng đã sửa đổi, bổ sung nhiều điểm mới, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và đáp ứng với yêu cầu của phong trào phụ nữ, hoạt động của Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam Việt Nam trong giai đoạn tới. Nổi bật là việc cụ thể hóa chức năng vận động xã hội thực hiện bình đẳng giới, quy định về công tác “giám sát” cho phù hợp chức năng, nhiệm vụ và hoạt động thực tiễn hiện nay của Hội. 

Bên cạnh đó, Điều lệ cũng bổ sung những quy định liên quan đến chức năng nhiệm vụ của Hội như thẩm quyền xem xét, quyết định việc công nhận và thôi công nhận tổ chức thành viên cho Ban Thường vụ Hội Liên hiệp Phụ nữ cấp tỉnh; quy định về hội viên của các tổ chức thành viên là hội viên của Hội; quy định về vai trò, chức trách của Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ các xã, phường, thị trấn để quy định rõ trách nhiệm của toàn bộ đội ngũ cán bộ Hội chuyên trách các cấp…

Chú trọng hoạt động giám sát và phản biện xã hội

Trả lời câu hỏi của Thông tấn xã Việt Nam về những quan tâm, điểm nhấn mà Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam sẽ tập trung triển khai trong nhiệm kỳ này, Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà cho biết các cấp Hội đặc biệt quan tâm tới việc phát huy quyền làm chủ của phụ nữ; thu hút phụ nữ tham gia hoạt động và tổ chức Hội bằng nhiều hình thức, trong đó chú trọng tổ chức hoạt động, sinh hoạt Hội linh hoạt, phù hợp với sự đa dạng của các đối tượng phụ nữ; kiện toàn, củng cố hoạt động của cơ quan chuyên trách Hội các cấp theo hướng chuyên nghiệp, hiệu quả, trong đó chú trọng phân định rõ nhiệm vụ của từng cấp; chú trọng hoạt động giám sát và phản biện xã hội (tập trung cho đề xuất sửa đổi, bổ sung, xây dựng mới các chính sách phát huy vai trò của lực lượng lao động nữ hội nhập kinh tế, thực hiện an sinh xã hội); lên tiếng mạnh mẽ bảo vệ phụ nữ và trẻ em bị xâm hại...

Nói rõ hơn về hoạt động giám sát và phản biện xã hội, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp phụ nữ Việt Nam Bùi Thị Hòa cho biết trong hệ thống pháp luật của Việt Nam, vấn đề về bình đẳng giới của phụ nữ đã được quy định khá đầy đủ, nhưng quá trình thực hiện vẫn chưa thực sự hiệu quả. 

Để những vấn đề được quy định trong luật được thực hiện nghiêm túc, cần phải nâng cao kiến thức, năng lực và bản lĩnh cho đội ngũ cán bộ phụ nữ để từ đó những tâm tư, nguyện vọng, mong muốn của của phụ nữ được phản ánh với các cơ quan có thẩm quyền. Các cấp Hội sẽ phối hợp chặt chẽ với Mặt trận Tổ quốc các cấp để tiếng nói của phụ nữ có trọng lượng hơn, để hội viên phụ nữ phát huy quyền làm chủ theo dõi, phát hiện sai sót trong thực thi chính sách, giúp cấp ủy, chính quyền các cấp kịp thời điều chỉnh, sửa đổi bổ sung những vấn đề thực tiễn đặt ra.

Về chỉ tiêu mỗi năm hỗ trợ 2.500 phụ nữ khởi nghiệp, Chủ tịch Nguyễn Thị Thu Hà cho hay đây là một chỉ tiêu khó, nhưng cũng là quyết tâm của Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trong nhiệm kỳ tới. 

Bà Hà cho biết Trung ương Hội đã xây dựng xong Đề án “Hỗ trợ phụ nữ khởi nghiệp giai đoạn 2017-2027."

Để thực hiện tốt đề án này, Trung ương Hội sẽ đề xuất với Chính phủ hỗ trợ về vốn; đồng thời tổ chức các hoạt động bồi dưỡng kiến thức, kết nối với các doanh nghiệp để tiêu thụ sản phẩm, đề nghị Hội nữ tri thức, nữ doanh nhân hỗ trợ, tư vấn về kinh nghiệm...

Theo QUỲNH HOA-ĐỖ BÌNH (TTXVN/VIETNAM+)

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh