Để từng bước thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã xác định rõ việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một chiến lược có ý nghĩa quan trọng lâu dài và đạt hiệu quả nhất trong công tác giảm nghèo bền vững hiện nay.
Ông Trần Quốc Điện- Trưởng Phòng Lao động- Thương binh và Xã hội huyện Trà Ôn cho biết: Để từng bước thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện, các cấp ủy Đảng, chính quyền đã xác định rõ việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là một chiến lược có ý nghĩa quan trọng lâu dài và đạt hiệu quả nhất trong công tác giảm nghèo bền vững hiện nay.
Cô Nga (phía trong bên phải) phấn khởi chia sẻ: kinh tế gia đình nay đã khấm khá hơn. |
Thoát nghèo, vươn lên khá giả
Đưa chúng tôi đến thăm gia đình có người đi xuất khẩu lao động (XKLĐ), chị Phạm Thị Thúy- cán bộ xã Vĩnh Xuân cho biết: Trong năm 2016, xã có 35 người đi XKLĐ. Thời gian qua, hầu hết LĐXK đều có hoàn cảnh kinh tế khó khăn.
Sau khi đi XKLĐ về, họ không chỉ trang trải nợ nần, kinh tế gia đình ổn định hơn mà nhiều người còn có số vốn để làm ăn.
Đến nhà chú Nguyễn Văn Hậu ở ấp Gò Tranh, chúng tôi thấy nhà cửa khang trang, đầy đủ tiện nghi, khó có thể biết trước kia nhà chú cũng gặp khó khăn.
Cô Lê Thị Nga- vợ chú Hậu- chia sẻ: “Nhà đông người lại không có ruộng đất nên mới cho con XKLĐ bên Nhật, hy vọng sẽ làm thay đổi cuộc sống gia đình. Lúc đầu cũng đứng ngồi không yên vì hổng biết con mình qua bên đó có sống tốt, làm được việc hay không? Được vài tháng, thì con gửi về kha khá tiền cho gia đình xoay xở. 3 năm làm việc, Giang không chỉ giúp nhà trả hết nợ nần mà còn chu cấp cho em út ăn học”.
Ngồi cạnh vợ, chú Hậu khoe: “Còn cái nhà này ngót nghét 400 triệu đồng, cũng nhờ Giang hết. Giờ vợ chồng tôi già rồi nên cũng không làm được việc nặng nhọc, nhờ có vốn con gái cho, chăn nuôi thêm ổn định cuộc sống. Tôi cũng dự định cho con gái út đi XKLĐ nữa”.
Nhờ có con đi XKLĐ, nhiều gia đình đã thoát cảnh khó nghèo, mua đất, cất nhà, có vốn làm ăn. Như gia đình chú Nguyễn Văn Tám (ấp Vĩnh Tắc) có 2 người con đi XKLĐ ở Hàn Quốc và Nhật Bản.
Chú Tám chia sẻ: “Tôi là thương binh. Trước đây, gia đình nằm trong diện khó khăn, nhà 6 miệng ăn mà có 4 công ruộng nên thiếu trước hụt sau. Mấy năm nay, nhờ 2 đứa con trai đi XKLĐ mà gia đình trả hết nợ, thoát khỏi cảnh nghèo”.
Chỉ vào nhà xưởng sản xuất nước uống đóng chai sắp hoàn thành, chú Tám khoe: “Từ vốn của thằng An- con trai thứ đi lao động ở Nhật về đó. Không chỉ giúp gia đình, nó còn dư tiền mở cơ sở làm ăn lâu dài”.
Sau khi hết thời hạn lao động trở về nước, anh Nguyễn Hoàng Tuấn (xã Thuận Thới) đã tích lũy được số vốn kha khá. Anh thuê mặt bằng mở tiệm hớt tóc ở TP Vĩnh Long ngay sau khi về nước vài ngày, vì: “Ở đâu thì cũng phải lao động để kiếm sống, chứ mình nghĩ có vốn rồi không làm ăn thì tiền có cao như núi cũng sẽ hết thôi”.
Anh kể: “Lúc còn bên Nhật, làm cho Công ty Hatachi. Nói là làm thợ cơ khí hàn, chứ robot làm hết rồi, mình chỉ làm những công đoạn đơn giản thôi. Mỗi ngày làm 8 tiếng, cuối tuần thì nghỉ. Trung bình mỗi tháng trừ hết chi phí, anh còn khoảng 18 triệu đồng. Có khi tăng ca 10 tiếng/ngày thì được khoảng 25 triệu/tháng”.
Tín hiệu khả quan
Theo ông Trần Quốc Điện, Trà Ôn có trên 80% lao động nông thôn, trong đó tỷ lệ lao động nông nhàn chưa có việc làm thường xuyên chiếm số lượng không nhỏ.
Địa phương có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất tỉnh với 4.605 hộ, chiếm 12,42%. Giai đoạn 2010- 2015, địa phương đã đưa 942 lao động đi làm việc ngoài nước theo hợp đồng.
Ông cho biết: Chương trình XKLĐ đem lại nhiều hiệu quả thiết thực. Vừa gửi ngoại tệ về sẽ giúp địa phương thu hút được nguồn đầu tư lớn, giúp gia đình thoát nghèo.
Đồng thời, sau khi lao động về có nguồn vốn (khoảng 400- 600 triệu đồng nếu đi Nhật) để khởi nghiệp. Qua đó đóng góp tích cực vào phát triển kinh tế- xã hội của địa phương.
Tuy nhiên, cũng theo ông Trần Quốc Điện, thời gian qua, vẫn còn nhiều hạn chế do người lao động đa phần có trình độ văn hóa thấp, tay nghề và ngoại ngữ hạn chế nên chưa đáp ứng được nhu cầu nhà tuyển dụng.
Một số lao động nông thôn chưa thích nghi với kỷ luật lao động và tác phong công nghiệp nên vẫn còn tình trạng vi phạm hợp đồng lao động. Mặt khác, do phí tham gia xuất khẩu còn cao, việc tiếp cận các nguồn vốn vay hỗ trợ còn hạn chế...
Có thân nhân xuất khẩu lao động, nhiều gia đình nhà cửa khang trang, ổn định cuộc sống. |
Thời gian tới, địa phương sẽ tuyên truyền, phổ biến sâu rộng các chủ trương, của Đảng và chính sách của Nhà nước về XKLĐ; tạo điều kiện thuận lợi cho các hộ vay vốn Ngân hàng Chính sách xã hội; dạy nghề ngắn hạn, tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ để nâng cao tay nghề cho người lao động.
Đồng thời, tăng cường công tác nắm thông tin về thị trường, lựa chọn đối tác XKLĐ để có kế hoạch, biện pháp sát với yêu cầu thực tế địa phương...
Có thể thấy, XKLĐ góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, giảm nghèo bền vững.
Tuy nhiên, trong môi trường làm việc mới, đòi hỏi người lao động phải có tính kỷ luật cao, chấp hành tốt quy định, phong tục, tập quán của nước mình đang làm việc. “Có như vậy mới không uổng công phí sức đi xa lao động”- anh Nguyễn An- người từng XKLĐ ở Nhật về chia sẻ.
|
Năm 2016, toàn tỉnh có 714 lao động xuất khẩu nước ngoài, chủ yếu như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Malaysia... Trong đó, cao nhất là Trà Ôn có 184 lao động, Vũng Liêm 135 lao động, Tam Bình 116 lao động... |
Bài, ảnh: HUỆ- LY
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin