Bằng sự quyết tâm của địa phương và sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía các Mạnh thường quân, năm 2016, xã Long Phú (Tam Bình) hoàn thành 4 công trình cầu giao thông nông thôn.
Bằng sự quyết tâm của địa phương và sự hỗ trợ nhiệt tình từ phía các Mạnh thường quân, năm 2016, xã Long Phú (Tam Bình) hoàn thành 4 công trình cầu giao thông nông thôn.
Đối với địa phương, giải quyết chuyện “4 cây cầu” cũng chính là giải quyết những bức xúc của người dân từ nhiều năm qua.
Đại diện chính quyền huyện, xã chụp hình lưu niệm cùng Mạnh thường quân ủng hộ tiền xây cầu trong buổi lễ khánh thành cầu Lô Tám. |
“Có cây cầu mà cứ tưởng đang mơ”
Dù chỉ cách có con sông thế nhưng trước đây, người dân ở Ấp 6B muốn sang ấp Phú Sơn A buộc phải đi đường vòng hơn 3km để đảm bảo an toàn hoặc là nhờ cô Thương “rước dùm qua sông”.
Chiếc xuồng ba lá nhỏ chồng chềnh trên sông Cái Sơn, tiếng mái chèo khua nước làm dậy lên bao sự lo lắng. Thế nên “chính quyền địa phương vận động đóng góp làm cầu người dân ai cũng mừng, ai cũng đồng lòng. Giờ cây cầu A-B được xây xong mà chúng tôi cứ như đang mơ”- chị Cẩm Hồng (Ấp 6B) phấn khởi nói.
Cách cầu A-B hơn cây số, là cầu Lô Tám (tên thường gọi cầu Ba Thân) vừa được khánh thành đưa vào sử dụng hôm 18/12. Kinh phí xây cây cầu này khoảng 134 triệu đồng được Mạnh thường quân và nhân dân ở 2 ấp Cái Sơn và Ấp 6B đóng góp.
Đứng trước sân nhà, trông ra hướng cây cầu mới xây nối nhịp qua con đường tráng nhựa phẳng lì, bà Đặng Thị Lên cho biết:
“Cây cầu cũ chỉ 9 tấc là do chồng tui vận động bà con nơi đây làm. Cầu qua nhiều lần sửa chữa nhưng cây cầu ngày càng xuống cấp trầm trọng. Người ta đi ngang té hoài, tại vì cầu hẹp, hư hỏng nhiều. Giờ làm cầu, tui mừng dữ lắm, góp hẳn 5 triệu để làm coi như góp phần nối tiếp tâm nguyện của ông nhà, mà cũng là đem niềm vui cho gia đình, cho hàng xóm”.
Không riêng gì gia đình bà Lên mà tất cả các hộ gia đình khác cũng chung một tấm lòng để làm cầu.
Bà Nguyễn Thị Dân chỉ tay về hướng cầu, vui sướng nói:
“Góp tiền là một chuyện, tui còn ở nhà giữ cháu cho con dâu đi phụ nấu cơm cho thợ ăn. Vài ngày tôi lại còn mang vịt, gà đến góp cho đồ ăn phong phú, thợ người ta ăn có sức mà xây cầu chứ. Giờ hoàn thành, thiệt vui không biết nói sao. Người lớn thì đi lại, chở hàng hóa dễ dàng, trẻ nhỏ đi học thuận lợi”.
Trước đó, cầu Phú Thạnh, cầu Lô 8 (qua kinh Mười Đề) cũng đã hoàn thành góp phần tạo điều kiện cho bà con nơi đây giao thương hàng hóa, đi lại thuận tiện hơn. “Ta nói khánh thành cầu xong vui lắm, ăn mừng ở xã xong tụi nhỏ còn xúm lại tiệc tùng tiếp, tự ăn mừng với nhau, ca hát tới chiều luôn”- chú Thành Tân (ấp Phú Thạnh) hớn hở kể lại.
“Khó vạn lần dân liệu cũng xong”
Do những cây cầu đã xuống cấp trầm trọng và nhu cầu đi lại của người tăng cao trong khi nguồn kinh phí của địa phương có giới hạn và không thể trông chờ vào nguồn kinh phí cấp trên “rót” xuống để xây các cây cầu trong xã, trong “cái khó ló cái khôn”, chính quyền xã uyển chuyển trong cách vận động người dân và Mạnh thường quân ủng hộ xây cầu.
“Chủ trương xây cầu hợp lòng dân nên được nhân dân nhiệt tình ủng hộ mình. Đi lấy ý kiến bà con thì ai cũng chung một tấm lòng, đóng góp tiền, ngày công lao động. Các cô, các chị thì tổ chức nấu nướng lo cho thợ”- ông Lữ Văn Thắng Em- Chủ tịch UBND xã Long Phú phấn khởi chia sẻ.
Ông Thắng Em còn cho biết thêm, trước mỗi lần xây cầu, chính quyền xã đều tổ chức họp lấy ý kiến người dân ở từng ấp sao cho “dân đồng thuận, nhất chí cao thì mới dám làm”.
Sau khi hợp nhất thống nhất phương án: thu theo đầu công đầu mẫu hay thu tiền mặt theo hộ hoặc đóng góp ngày công lao động. Tiếp đến là thành lập tổ thu để đến từng nhà nhận tiền. Tùy từng nơi và kinh phí xây dựng cầu mà mức góp của người dân sẽ cao hay thấp.
“Trong 4 cây cầu, bà con mình đóng góp gần 50% kinh phí xây, mức tiền dao động từ 400 ngàn đến hơn 1 triệu, có người đóng vài triệu luôn. Bà con nhiệt tình dữ lắm, nên xã mới hoàn thành 4 cây cầu mà không bất kỳ khó khăn nào”- ông Thắng Em tươi cười cho hay.
“Nhờ báo, đài đưa tin, các Mạnh thường quân tự tìm đến xã để ủng hộ xây cầu, trên cơ sở này mình phải tạo uy tín và công khai, minh bạch số tiền xây cầu và phải trân trọng họ để có như thế những chiếc cầu sau mình dễ dàng vận động cũng như nhờ họ làm cầu nối cho mình vận động”- ông Thắng Em chia sẻ.
Ông Lữ Văn Thắng Em- Chủ tịch UBND xã Long Phú và anh Nguyễn Thanh Tuấn- Hội trưởng Hội Từ thiện cà phê Suối Mơ thực hiện nghi thức kéo tấm vải đỏ tại bảng tên cầu A-B. |
Anh Nguyễn Thanh Tuấn- Hội trưởng Hội Từ thiện cà phê Suối Mơ (TP Vĩnh Long) là một trong những nhà từ thiện ủng hộ xã Long Phú xây cầu, vì “không cầm lòng được khi thấy người phải lội sông đi qua 2 bờ và số lượng người dân và học sinh đi qua lại rất lớn đến 300 lượt nếu cầu xây xong nên tôi đã vận động thành viên trong hội đóng góp 80 triệu đồng để xây cầu A-B”- anh Tuấn tâm sự.
Tính từ đầu năm đến nay, xã Long Phú đã hoàn thành 4 chiếc cầu có tải trọng từ 1 đến 4 tấn với tổng kinh phí đầu tư gần 1 tỷ đồng. Trong đó, có kinh phí vận động từ các Mạnh thường quân, nguồn ngân sách của xã, mà đặc biệt là sự chung sức góp tiền và ngày công của quần chúng nhân dân.
Là một xã còn gặp nhiều khó khăn về giao thông, sắp tới xã Long Phú cũng có nhiều dự định để xây dựng cầu, đường nhằm tạo điều kiện cho người dân thuận lợi giao thương, đi lại dễ dàng, học sinh thuận tiện con đường đến trường.
“Chính vì vậy, chúng tôi luôn mong muốn nhận nhiều hơn sự góp, ủng hộ nhiệt tình từ các Mạnh thường quân, sự hậu thuẫn nồng hậu từ quần chúng nhân dân”- ông Thắng Em kêu gọi.
Có thể nói xã Long Phú là một trong những điểm sáng của huyện Tam Bình trong phong trào xã hội hóa xây dựng cầu giao thông nông thôn. Nhìn người dân, những học sinh qua lại cầu tươi cười hớn hở, chúng tôi mong sao những nụ cười ấy sẽ lan tỏa ra khắp nơi trong tỉnh Vĩnh Long.
Bài, ảnh: TẤN TÂN- NGỌC LIỄU
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin