Trần Đăng Khoa: Chúng ta còn ăn bẩn đến bao giờ?

11:09, 15/09/2016

Thực phẩm bẩn đang ngày một được bày bán tràn lan trong các hang cùng ngõ hẻm của cả nước, tuy nhiên vẫn chưa có một biện pháp mạnh tay nào để đẩy lùi.

Thực phẩm bẩn đang ngày một được bày bán tràn lan trong các hang cùng ngõ hẻm của cả nước, tuy nhiên vẫn chưa có một biện pháp mạnh tay nào để đẩy lùi.

Lướt qua các kênh truyền thông, chúng ta thực sự giật mình. Mỗi năm Việt Nam có tới 125.000 người mắc bệnh ung thư. Mỗi ngày trung bình có 205 người chết vì căn bệnh này.

Và điều này còn đáng sợ hơn: Số người tử vong vì căn bệnh ung thư ở nước ta là cao nhất thế giới.

Mới ngày nào, nhà văn Nguyễn Khắc Phục còn chạy đôn, chạy đáo lo in tuyển tập Phạm Tiến Duật để nhà thơ lớn kịp nhìn thấy đứa con tinh thần của mình trước khi ra đi vì căn bệnh ung thư.

Không lâu sau, chính nhà văn Nguyễn Khắc Phục cũng lại giã từ chúng ta bằng chính căn bệnh hiểm nghèo của Phạm Tiến Duật. Rồi nhạc sĩ, ca sĩ Trần Lập, nghệ sĩ Tuồng, ông Quềnh (Hán Văn Tình). Rồi còn bao nhiêu người khác nữa.

Lợi nhuận khổng lồ khiến nhiều người biết là thực phẩm bẩn nhưng vẫn bán cho người tiêu dùng.
Lợi nhuận khổng lồ khiến nhiều người biết là thực phẩm bẩn nhưng vẫn bán cho người tiêu dùng.

Hàng ngày, chúng ta cứ phải ăn bẩn, uống bẩn. Đồ ăn, thức uống không chỉ bẩn mà còn độc hại. Thực phẩm độc hại bày bán lan tràn khắp hang cùng ngõ hẻm trên phạm vi cả nước. Người ta cứ đầu độc lẫn nhau. Đùn đẩy cái chết sang nhau, miễn là kiếm được tiền và giữ được mạng sống cho mình.

Rốt cuộc chẳng có ai thoát nạn. Chưa bao giờ người mắc bệnh ung thư nhiều như hiện nay. Trước đây ung thư là bệnh của người già. Chỉ có người có tuổi mới bị ung thư. Bây giờ thì toàn người trẻ. Đến cả trẻ con vừa nứt mắt chào đời cũng đã bị ung thư rồi.

Nhà báo thì chỉ biết trung thực, phản ánh đúng sự thật và chịu trách nhiệm về những gì mình đã phản ánh.

Còn đưa ra giải pháp và xử lý những vụ việc tiêu cực, làm khổ dân ấy thì đó lại là công việc của các cơ quan chức năng, các nhà quản lý thị trường, quản lý môi trường. Nhưng mấy ông môi trường, thị trường này cũng chẳng thể tin được.

Nếu các vị ấy là người tử tế, có trách nhiệm trước dân thì thực phẩm bẩn đã không thể lan tràn bừa bãi như thế. Có gã nói “Cái gì không mua được bằng tiền thì sẽ mua bằng rất nhiều tiền”. Như thế đồng tiền vẫn chi phối mọi việc.

Các phụ gia độc hại cũng được các cửa hàng sử dụng tràn lan khi chế biến thực phẩm.
Các phụ gia độc hại cũng được các cửa hàng sử dụng tràn lan khi chế biến thực phẩm.

Đúng ra, bà Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế phải tư vấn, giúp nhà nước thành lập một Ủy ban Quốc gia về An toàn Thực phẩm, trực thuộc thẳng Thủ tướng Chính phủ. Ủy ban này gồm các bác sĩ, cùng những nhà khoa học tài năng nhất để kiểm định, chăm lo miếng ăn, cái uống cho nhân dân.

Việc để thực phẩm bẩn hoành hành, trách nhiệm trước tiên thuộc về những cơ quan quản lý hoặc là thiếu trách nhiệm, hoặc là dung túng vì đồng tiền hay vì những lý do bất chính khác.

Cùng chịu trách nhiệm chính còn là các nhà lập pháp. Rõ ràng quy định pháp luật không đủ sức chế tài. Quy định mới nhất, đã được thực hiện từ 1/7/2016, nghĩa là mới hiệu lực chỉ cách đây hai tháng thôi mà đã lạc hậu rồi. Nhất là có những điều khoản, tưởng nghiêm khắc, nhưng lại không có giá trị thực tiễn.

Ví dụ: Quy định chết 1 người phạt tù 1 - 3 năm; chết 2 người, phạt tù 10 năm; chết 3 người trở lên phạt tù từ 15 - 20 năm.

Quy định như vậy là không có giá trị thực tiễn. Việc sử dụng chất cấm trong nuôi trồng chế biến thực phẩm có gây nguy hại nghiêm trọng cho sức khỏe hàng triệu người, nhưng lại khó có chuyện chết ngay sau khi ăn, nên không thể đếm người chết để định tội.

Vụ nước tương đen ở TP HCM, Sở Y tế từng ém nhẹm thông tin suốt 3 năm, sau đó mới bị báo chí phanh phui.

Hàng chục triệu người bị ảnh hưởng. Bệnh viện ung thư luôn quá tải. Tuy vậy, chưa nhìn thấy ai sau khi ăn chết ngay cả.

Vậy mức phạt tiền như quy định mới vẫn không là gì so với lợi nhuận kiếm được từ việc gian dối ở các doanh nghiệp có doanh thu lớn.

Tôi cho rằng cần tiếp tục sửa luật theo hướng chế tài nghiêm khắc thì mới giải quyết được vấn đề.

Để cải thiện tình hình, thì không phải chỉ có sửa luật, mà cần đồng bộ mọi giải pháp.

- Trước hết cần có bộ máy thực thi đủ liêm chính. Cái này rất khó đấy!

- Sửa luật chế tài nghiêm khắc. Giám sát nghiêm khắc và xử lý thật nghiêm.

- Quản lý chặt việc kinh doanh hóa chất, thuốc bảo vệ, bảo quản, phụ gia thực phẩm

- Tuyên truyền ý thức pháp luật cho mọi người. Bắt buộc một số loại hình kinh doanh nuôi trồng, chế biến thực phẩm phải học về an toàn thực phẩm. Nếu không có nghiệp vụ, không được kinh doanh. Việc này cần phát huy tối đa sức mạnh của truyền thông.

- Xử lý công khai các đối tượng vi phạm và truyền thông rộng rãi.

Việc truy cứu trách nhiệm cũng không khó. Ví dụ: Kiểm tra quán phở. Nếu bánh phở có vấn đề, thì truy nơi cung cấp. Nếu quán phở không  cung cấp được thông tin, thì quán phở lãnh trách nhiệm trọn gói. Thậm chí bị phá sản. Chủ hộ kinh doanh phải bán cửa bán nhà đi mà nộp phạt.

Tôi nghĩ nếu thật sự làm và làm nghiêm khắc như thế thì chẳng đến nỗi be bét như hiện nay. Cái be bét này còn nằm ngay trong chính tư duy của những người có trách nhiệm, sau đó mới là thói xấu của dân.... gian./.

Theo Trần Đăng Khoa

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh