Năm 1975, khi Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông thì Bangkok và cả Thái Lan không là gì cả. Bây giờ, Thái Lan đi trước Việt Nam 50 năm.
Năm 1975, khi Sài Gòn là Hòn ngọc Viễn Đông thì Bangkok và cả Thái Lan không là gì cả. Bây giờ, Thái Lan đi trước Việt Nam 50 năm.
Một góc Bangkok (Ảnh: Quang Trung) |
Tôi còn nhớ, cách đây bài năm, tôi sang Thái Lan nhận Giải thưởng Văn học Sunthorn Phu. Khi đó Thái Lan đang diễn ra những cuộc biểu tình phản đối Chính phủ. Tôi thực sự lo ngại. Nhưng đến Bangkok, tôi rất đỗi bất ngờ, khi thấy xã hội của họ vẫn rất thanh bình, ổn định. Đời sống nhân dân rất cao. Thành phố sạch và đẹp. Chỉ có tắc đường thì như ta.
Thấy tôi ngạc nhiên và hết lời ca tụng, một nhà văn, kiêm nhà sử học Thái Lan bảo: “Chúng tôi còn nhiều khiếm khuyết lắm. Năm 1975, khi Sài Gòn của các anh là Hòn ngọc Viễn Đông thì Bangkok và cả Thái Lan không là gì cả. Không ai tính đến Thái Lan. Chúng tôi tụt hậu so với các bạn có đến 20 năm. Bây giờ, chúng tôi có thể tạm thời đi trước các bạn 50 năm, nhưng vẫn còn nhiều khiếm khuyết lắm!".
Không dám so bì với những nước tiên tiến trên thế giới, chỉ tính ngay trong khu vực, với một nước còn nhỏ hơn chúng ta, cùng bầu khí hậu, cùng phì phọp lội bùn cấy lúa như chúng ta, đi sau chúng ta đến 20 năm, bây giờ lại vượt trước chúng ta xa như vay. Liệu khi chúng ta tiến tới vị trí của họ bây giờ thì họ cách ta bao nhiêu? Mà thôi, không dám “đọ” với Thái Lan. Chỉ so với Lào, với Campuchia, nhiều chỉ tiêu phát triển chúng ta cũng đang thua rồi.
Nói như báo Vietnamnet, trong tổng thuật phản ánh cuộc toạ đàm hội thảo do Ban kinh tế Trung ương vừa tổ chức ngày 25/8 mới đây, hầu hết các mục tiêu chúng ta đặt ra để Việt Nam trở thành một nước công nghiệp vào năm 2020 đều khó thành hiện thực. Đó là nhận xét của các học giả, các nhà chuyên môn trong nước và quốc tế. Chính sách phát triển công nghiệp của ta, theo nhận định của họ là quá rườm rà, không có trọng điểm. Việt Nam thua xa các nước châu Á và cả Châu Phi.
Thật đáng buồn. Và cũng đúng vậy. Ở mảng công nghiệp, chỉ tính riêng việc khai thác Boxit ở Tây Nguyên, việc sản xuất thép ở Vũng Áng Hà Tĩnh, nạn bùn đỏ, nạn xả thải tiêu diệt biển, nạn chôn chất phế thải công nghiệp ở bao nhiêu nơi trên đất liền, chúng ta không thể tính hết được tác hại của nó. Thép với Boxit thì chưa thấy đâu, nhưng chất độc hại thì đã khá phổ biến rồi. Hà Tĩnh đã nghèo, giờ còn lâm nạn. Và đâu chỉ Hà Tĩnh. Một dải các tỉnh Miền Trung cùng phải hứng chịu. Không biết đến bao giờ chúng ta mới tẩy rửa hết được hết chất độc hại của tư duy nhiệm kỳ, để đất và biển trở lại trong lành như vốn nó từng có.
Đành rằng các cơ quan chức năng đã thông báo biển trong lành, đã thấy các quan chức tắm biển và ăn cá biển. Nhưng rồi cũng qua việc thẩm định của Bộ Y tế, vẫn còn có những mẻ cá chứa chất độc vượt ngưỡng. Thế thì biết tin ai? Việc thẩm định này cần hết sức nghiêm túc. Vì nó liên quan đến sức khoẻ, tính mạng của nhân dân. Nước trên bề mặt của biển có thể đã ổn. Nhưng chất độc hại thành trầm tích dưới đáy biển thì đến bao giờ mới sạch. Nếu sạch sao san hô lại chết?...
GS. Kenichi Ohno - Viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia Nhật Bản chia sẻ: “Tham gia vào quá trình làm chính sách tại 20 quốc gia ở châu Á và châu Phi, nói thật lòng, chính sách công nghiệp của các bạn không tốt lắm, còn nằm ở tốp cuối. Một số nước châu Phi có chính sách tốt hơn các bạn rất nhiều”.
Cũng theo vị giáo sư có 20 năm kinh nghiệm theo sát quá trình làm chính sách tại Việt Nam, thì cho rằng, chính sách công nghiệp của Việt Nam phải qua các bước: từ soạn thảo văn kiện, triển khai thực hiện và tác động mang lại. Ở Việt Nam, thường chỉ dừng lại ở việc soạn thảo văn kiện.
Ông Ohno cũng chỉ ra rằng, trong chính sách phát triển công nghiệp của Việt Nam, thông tin cốt lõi không có hoặc chưa rõ; thông tin bối cảnh, đường lối chủ trương thì quá nhiều, đến nỗi không biết đâu là chính, đâu là phụ. Trong khi đó lại thiếu kế hoạch hành động và cơ chế giám sát; khung thời gian quá xa tới tận 2035 trong khi năm 2020, 2025 còn chưa biết thế nào.
“Mục tiêu quá nhiều, các bạn đưa ra đến 13/18 mục tiêu, thay vì chỉ nên chọn 1 hoặc 2. Ưu tiên quá nhiều tập trung vào cả những mục tiêu nhỏ lẻ của từng ngành. Quá nhiều ưu tiên lại thành ra không có ưu tiên nào cả, Trong khi đó, tầm nhìn của các nước khác rất rõ ràng, độc đáo, ngắn gọn và dễ nhớ. Nó là những việc, những chỉ tiêu rất cụ thể".
Cũng theo giới truyền thông, tại diễn đàn, nhiều chuyên gia chia sẻ nỗi buồn: “Cho đến nay, công nghiệp Việt Nam vẫn chưa làm được dây điện thoại, bó tay với cả ốc ít, sơn ô tô… chưa nói đến phát triển công nghiệp ô tô”. Thế thì còn nói gì đến các ngành công nghiệp hiện đại khác. Hiện nay thực trạng Việt Nam đã rất khác so với 10-20 năm trước, nhưng cách thức làm chính sách vẫn thế. Vẫn tham vấn chủ yếu doanh nghiệp nhà nước hiện chỉ đóng góp 30% vào GDP mà chưa tham vấn nhiều khu vực tư nhân.
Cũng theo giới truyền thông: Nguy cơ Việt Nam đang tụt hậu đã trở thành chủ đề nóng tại cuộc hội thảo “Không nên nói nguy cơ tụt hậu vì chúng ta đã tụt hậu rồi. Thậm chí tụt hậu rất xa" - TS.Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho biết - Thực tế, điểm lại báo cáo của Tổng cục Thống kê về thực trạng kinh tế - xã hội Việt Nam vừa được công bố, ta thấy Việt Nam đang thụt lùi rất xa so với các nước trong khu vực.
Ở nhiều chỉ số kinh tế - xã hội khác, Việt Nam cũng xếp hạng rất thấp, như chỉ số năng lực cạnh trạnh nền kinh tế; giá trị vốn hóa thị trường cổ phiếu, chỉ số giáo dục, việc làm. Tất cả đều thua kém các nước. Cụ thể, thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam đang thụt lùi so với Hàn quốc khoảng 30-35 năm, thụt lùi so với Malaysia khoảng 25 năm, Indonesia và Philippines khoảng 5-7 năm. Theo tính toán, GDP bình quân đầu người của Việt Nam năm 2014 chỉ bằng 3/5 của Indonesia, 2/5 của Thái Lan; 1/5 của Malaysia; 1/4 của Hàn Quốc và bằng 1/27 mức GDP bình quân của Singapore. Cũng theo báo cáo của Tổng cục Thống kê, đến năm 2038, Việt Nam mới bắt kịp năng suất lao động của Philippines và đến năm 2069 mới bắt kịp Thái Lan.
Đó là những con số thực sự làm chúng ta giật mình. Tại sao một đất nước từng hùng mạnh, đánh thắng bao nhiêu kẻ thù mạnh nhất trong những năm chiến tranh, lại từng đi trước Thái Lan 20 năm, giờ lại tụt sau họ quá xa. Những người yêu nước, có lương tri, không thể không động lòng.
Một ông bạn đùa tôi bảo: “Cậu có muốn mình vượt các nước không?”. “Vượt thế nào?”. “ Tớ có một mẹo. Dễ thôi. Bảo đảm đất nước sẽ hết trì trệ. Đó là luân chuyển cán bộ. Cứ đưa hết cán bộ của ta sang bên họ, rồi chuyển các cán bộ của họ sang ta. Tớ bảo đảm với cậu, chỉ sau 2 năm, mình ngang họ, rồi đến năm thứ ba trở đi, mình sẽ vượt họ. Mà vượt xa đấy!”.
Đó là câu chuyện đùa. Nhưng trong câu nói đùa này, không phải không có ít nhiều sự thật. Mấu chốt vẫn là con người. Dân ta tốt rồi. Chỉ còn mỗi cán bộ là cần phải củng cố. Khâu cán bộ vẫn là then chốt nhất. Bởi nó quyết định sự thành bại của một quốc gia hay bất kỳ một cuộc cách mạng nào.
Đây cũng là điều quan tâm lớn nhất của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc và Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân. Sự chỉ đạo rốt ráo trong công cuộc chống tham những của Tổng Bí thư hay lòng quyết tâm xây dựng một Chính phủ trong sạch của Thủ tướng chính phủ, quả thật đã cho niềm hy vọng.
Chúng ta đã có một cuộc Cách mạng Tháng Tám vĩ đại, xây dựng một Chính quyền mới và đánh thắng giặc ngoại xâm, giành lại đất nước. Bây giờ là lúc cần làm một cuộc Cách mạng Tháng Tám lần thứ hai. Đây là cuộc Cách mạng củng cố chính quyền, xây dựng một Chính quyền thật sự trong sạch, kiến tạo và phục vụ, nói như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc và đánh thắng giặc nội xâm Tham nhũng.
Chính kẻ thù nội xâm với tư duy nhiệm kỳ này mới thực sự nguy hiểm. Thậm chí còn nguy hiểm hơn cả giặc ngoại xâm. Bởi chúng làm băng hoại niềm tin của dân vào Đảng, vào chính quyền và biến chúng ta trở thành tụt hậu…
Trần Đăng Khoa
Theo VOV.VN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin