Day dứt nỗi đau da cam

08:08, 09/08/2016

Chiến tranh ở Việt Nam đã lùi vào quá khứ hơn 40 năm, song di chứng chất độc da cam (CĐDC)/dioxin vẫn gieo rắc đau thương cho biết bao gia đình.

 

Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Bình Lê Văn Dơi thăm hỏi đời sống mẹ con chị Phạm Thị Hồng Thắm.
Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ xã Hòa Bình Lê Văn Dơi thăm hỏi đời sống mẹ con chị Phạm Thị Hồng Thắm.

Chiến tranh ở Việt Nam đã lùi vào quá khứ hơn 40 năm, song di chứng chất độc da cam (CĐDC)/dioxin vẫn gieo rắc đau thương cho biết bao gia đình.

Những em bé mới chào đời, những thế hệ thứ hai, thứ ba của nhiều gia đình đều mang trong mình những căn bệnh nguy hiểm, thiểu năng trí tuệ, khuyết tật vận động cần phải có sự chăm sóc đặc biệt.

Chung tay xoa dịu nỗi đau da cam là việc làm nhân đạo, là tiếng gọi lương tri và cũng là trách nhiệm của tất cả mọi người cùng chia sẻ với nỗi đau mà các nạn nhân da cam đang phải gánh chịu.

Nỗi đau nhân ba

Trong căn nhà cấp 4 ấm áp, cô Nguyễn Thị Thắm (ấp Kinh Mới, xã Hòa Bình- Trà Ôn) cho biết, căn nhà lá của gia đình cô đã bị cơn bão số 9 làm đổ sập, nên: “Địa phương hỗ trợ được số tiền, phần còn lại cha tui phụ hợ thêm. Cha nói, có nhà lành lặn, tụi con yên tâm mần để lo cho thằng Trường”.

Con trai út- Nguyễn Văn Trường (19 tuổi) thuộc thế hệ thứ 3 bị nhiễm CĐDC nằm liệt giường. Em thở khó vì đàm còn ứ lại, không ra được. Bên đầu nằm, cái radio nhỏ làm bạn đang phát chương trình Quà tặng âm nhạc. Chúng tôi hỏi em thích nghe nhạc gì nhất. Trường trả lời bằng giọng mệt đứt quãng: “Thích nghe nhạc già, nhạc trữ tình không hà”.

Nghe con trả lời, cô Thắm nhìn con cười yêu thương: “Đĩa nhạc đầy rổ mà vẫn đòi mẹ mua thêm. Nằm vậy đó mà nhạc gì mới ra là kêu mẹ đi mua cho bằng được. Tội nghiệp, chỉ có nhạc, vô tuyến làm bạn, là niềm vui của con”.

Cô Thắm vừa thoa thuốc chống muỗi vô tay chân con, vừa buồn bã kể: “Cha tui đi cách mạng, vùng này bị tụi Mỹ rải chất độc nên cha bị nhiễm.

4 em trai tui khi được sanh ra bình thường nhưng đến khi 4- 5 tuổi thì tự nhiên chân tay co rút. Đi té suốt rồi nằm một chỗ, bệnh đau liên miên rồi lần lượt chết. 2 con lớn thì lành lặn nhưng con trai út của tui lại bị nhiễm chất độc ghê gớm này”.

Nắm tay con, cô tiếp lời: “Sanh con ra bình thường, nhưng đến 3 tuổi con mới biết đi. Con cũng đi học được tới lớp 2 rồi thấy bắp chuối con bự dần. Vợ chồng tui lo, rồi hồi hộp sợ con giống mấy cậu… Ai dè… y chang.

 

Theo số liệu từ Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh, trong chiến tranh, Vĩnh Long đã hứng chịu khoảng 120 ngàn lít chất độc hóa học có chứa chất dioxin do Mỹ đã sử dụng tại Việt Nam, làm 6.600 người bị phơi nhiễm, trong đó, có khoảng 3.000 trẻ em bị ảnh hưởng.

Chân con co rút, đi vấp cọng cỏ cũng té. Con đi đằng trước, tui đi đằng sau để con té đỡ. Rồi 11 tuổi, con nằm luôn tới giờ”. Cũng may, người con gái và con trai giữa lành lặn, phụ cô chăm sóc em trai.

Căn bệnh suy thận mãn khiến sức khỏe của cô Thắm ngày một yếu đi. Cứ cách ngày, cô được con trai chở qua Cần Thơ để chạy thận.

Cô tâm sự: “Tui chủ yếu lo cho thằng Trường để ổng yên tâm mần. Được cái 2 cha con siêng mần lắm. Ngoài mần ruộng, hàng ngày 2 cha con đi hái dừa mướn. Tiền đó gói ghém cũng đủ cho tui chạy thận và tiền chợ”.

“Thằng Trường nằm một chỗ vậy chứ ở sạch lắm. Chiều là nhắc mẹ pha nước tắm. Trời mưa cũng tắm, hỏng tắm là cằn nhằn suốt. Chiếu mền cũng phải giặt thường mới chịu. Mần cực, nhưng nếu con khỏe là vợ chồng tui mừng dữ lắm. Chỉ hy vọng…”- cô Thắm thở dài, đôi mắt nhìn xa xăm.

Xoa dịu nỗi đau da cam

Đa số các hộ gia đình nạn nhân CĐDC/dioxin đều có đời sống kinh tế rất khó khăn. Cùng sự quan tâm của Đảng, Nhà nước, thời gian qua, Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Vĩnh Long làm cầu nối vận động các ngành, đoàn thể và nhiều nhà hảo tâm quan tâm sẻ chia, tìm mọi cách để hỗ trợ cho những gia đình này nhằm nâng cao đời sống và xoa dịu nỗi đau tinh thần mà họ phải gánh chịu.

Ở ấp Tân Thuận (xã Hòa Bình- Trà Ôn), chúng tôi đến thăm gia đình chị Phạm Thị Hồng Thắm- có 4 người con trai thì 3 người bị nhiễm CĐDC/dioxin, chỉ có em Vũ Phương 14 tuổi may mắn lành lặn. Anh em sinh đôi Nguyễn Phạm Hồng Tân và Nguyễn Phạm Hồng Tú đón chúng tôi bằng nụ cười hiền và cái nét bẽn lẽn, rụt rè. Chị Thắm kể, năm 1996, chị sinh con đầu lòng là Trương Vũ Ca.

Niềm vui làm mẹ chưa trọn vẹn, chị đã đau xót nhìn cơ thể quặt quẹo của con. Ngày ngày chị đưa con đến phòng tập của bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Điểu với hy vọng chân tay con bớt co rút, có thể đi được. Miệt mài suốt mấy năm trời, song bệnh tình con không giảm.

Rồi những đứa em của Vũ Ca lần lượt ra đời. Sinh con ra cơ thể lành lặn, chưa kịp vui mừng thì chị như nghẹn lòng khi lại phát hiện cặp con trai song sinh Hồng Tân, Hồng Tú cứ co giật và trí não không phát triển.

Trái tim người mẹ quặn thắt nghẹn ngào khi năm 2012, vì bệnh tình quá nặng, Vũ Ca đã ra đi trong vòng tay của mẹ. Nén nỗi đau mất con, chị Thắm đưa 2 con Tân- Tú sang Tam Bình tập vận động để con bớt té giật.

Chị tâm sự: “Thằng Tân đỡ hơn anh Tú nhiều. Tay phải của Tú không cầm nắm được gì. Tới khi quậy lên là không kiềm chế được. Chị cũng lo lắm”.

Dù năm nay 2 em lên lớp 5, nhưng “học trước quên sau” vì bác sĩ nói bị chậm phát triển trí tuệ. Song, chị vẫn hy vọng: “Con được đi học, học chậm nhưng con biết được chữ, biết được số cũng còn may mắn hơn những bé bị nhiễm CĐDC/dioxin nặng”.

Cô Nguyễn Thị Thắm chăm sóc con trai út Văn Trường.
Cô Nguyễn Thị Thắm chăm sóc con trai út Văn Trường.

Hàng ngày, chị Thắm bán vé số lời được khoảng 70 ngàn đồng. Số tiền ít ỏi cùng với tiền trợ cấp khuyết tật hàng tháng, 3 mẹ con nhín nhút cũng tạm đủ.

Nhìn căn nhà tường ấm áp, chị Thắm nói: “Gia đình được ngân hàng hỗ trợ 30 triệu cất nhà. Rồi bà con, anh em thương, cho mượn thêm cất nhà đàng hoàng để ở, mừng lắm”. Bé Tú cười nói rổn rảng: “Ở nhà đất chạy té lạch bạch. Ở nhà gạch, con thích lắm. Nghỉ hè không học, con theo xách giỏ cho ông ngoại đi cưa cây. Con khoái lắm”.

Còn gia đình chú Huỳnh Thanh Nhã và cô Trần Thị Như Yến (ấp Phạm Thị Mến, xã Trà Côn- Trà Ôn) được Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh vận động cất nhà cấp 4 tươm tất.

Cô chú có 2 người con thì đều bị nhiễm CĐDC/dioxin, con trai lớn nằm một chỗ, con gái nhỏ thì thiểu năng và đi đứng cũng không được vững vàng. Được cho nhà ít năm, cô chú còn được cho mượn vốn là 10 triệu đồng để tăng gia sản xuất. Cô Yến định mở một cái tiệm tạp hóa nhỏ để vừa bán vừa trông con.

Ông Phan Thanh Rạng- Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin tỉnh Vĩnh Long cho biết: Công tác chăm sóc nạn nhân ngày càng mạnh mẽ, nhờ đó kịp thời hỗ trợ cho hàng ngàn đối tượng. Tuy nhiên, nạn nhân vẫn còn lắm khó khăn, rất mong sự chung tay chia sẻ của cộng đồng.

 

6 tháng đầu năm 2016, các cấp Hội Nạn nhân CĐDC/dioxin trong tỉnh đã vận động được gần 8.500 phần quà, trị giá hơn 2,7 tỷ đồng cho nạn nhân nghèo. Hỗ trợ xây dựng và sửa chữa 16 căn nhà, hỗ trợ vốn sản xuất, khám bệnh cấp thuốc miễn phí cho gần 4.000 lượt người. 

 

 

Bài, ảnh: QUYÊN HUYỀN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh