Xót xa một phụ nữ tâm thần bị "biệt giam" 20 năm

08:07, 26/07/2016

"Một người phụ nữ chỉ còn da bọc xương. Bị bệnh tâm thần nhưng đang bị nhốt trong căn nhà hoang". Đó là những thông tin mà chúng tôi nhận được từ cuộc gọi của một bạn đọc từ xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn). Chứng kiến nơi "cấm cố" người phụ nữ này suốt 20 năm qua, chúng tôi thực sự "sốc".

“Một người phụ nữ chỉ còn da bọc xương. Bị bệnh tâm thần nhưng đang bị nhốt trong căn nhà hoang”. Đó là những thông tin mà chúng tôi nhận được từ cuộc gọi của một bạn đọc từ xã Vĩnh Xuân (Trà Ôn). Chứng kiến nơi “cấm cố” người phụ nữ này suốt 20 năm qua, chúng tôi thực sự “sốc”.

Cô lập gần nửa cuộc đời...

Cách QL54 chừng 2km, men theo lối mòn sình lầy mà hai bên là bụi rậm um tùm, chúng tôi đã đến được nơi ở của bà Nguyễn Thị Bé Sáu (59 tuổi, thường gọi là bà Sáu), ở ấp Vĩnh Tắc, xã Vĩnh Xuân- Trà Ôn).

Nằm lặng lẽ giữa khu vườn hoang vắng là ngôi nhà rộng đóng kín cửa, cỏ mọc khắp sân và dây leo khắp tường nhà.

Khu vực “biệt giam” tại ngôi nhà bị bỏ hoang khoảng 6 năm.
Khu vực “biệt giam” tại ngôi nhà bị bỏ hoang khoảng 6 năm.

Căn phòng được cho là đã “giam cầm” người phụ nữ trạc 60 tuổi mắc “tâm thần” nằm phía sau (chừng 15m2) được xây tường, nền lát gạch. Cánh cửa sắt rỉ sét đã bị khóa chặt. Vài lỗ nhỏ phía vách tường để lọt những tia sáng yếu ớt le lói chiếu qua. Muỗi thì vô số kể và chúng bao vây chúng tôi cũng như bất kỳ ai đến đây.

Chúng tôi tiến lại gần hơn căn phòng ấy. Điều mà chúng tôi chứng kiến thật ngoài sức tưởng tượng: bà Sáu gầy còm, chỉ còn “da bọc xương” và không mảnh vải che thân.

Bao quanh ngoài phòng là cái mùng bằng lưới (loại lưới phơi lúa) đã vô tác dụng vì bị bà xé rách. Từ ngoài quan sát, chúng tôi thấy bóng tối chiếm gần trọn căn phòng dù là giữa trưa. Bên trong căn phòng có bồn cầu, một chiếc giường sắt, cái mền ẩm ướt, lấm lem,... Mùi hôi hám khó chịu bốc lên từ
bên trong...

“Sau khi bệnh trở nặng, bà Sáu bị gia đình cách ly ở đây khoảng 20 năm”.
“Sau khi bệnh trở nặng, bà Sáu bị gia đình cách ly ở đây khoảng 20 năm”.

Nghe thấy bước chân người đến, bà kêu lên những tiếng không rõ ràng, kéo dài. Người dẫn đường đi cùng gọi “Bà Sáu ơi, tới giờ cơm chưa?” Tiếng người phụ nữ trả lời rõ ràng “dạ chưa”. Nhiều câu hỏi đến với bà Sáu nhưng chỉ nghe một câu đáp rõ ràng của bà là “Cho mẹ cho rồi”.

Chúng tôi đi vòng ra phía cửa sắt, thấy chiếc thùng nhựa đặt bên ngoài đã cạn khô nước. Chạnh lòng, xót xa đến lặng người chắc là tâm trạng chung của những ai từng chứng kiến cảnh này.

Theo nhiều người dân sinh sống quanh khu vực này, hàng ngày họ thấy có người mang cơm, nước đến cho bà ăn, uống.

Và mỗi đêm thì nghe tiếng rên rỉ hay mỗi khi trưa nắng gắt cũng nghe thấy tiếng la hét vang lên từ sâu trong khu vườn hoang. Ngoài ra, không ai biết được bà Sáu phải sinh hoạt như thế nào, chống chọi bệnh tật ra sao trong căn phòng nhỏ ấy gần nửa cuộc đời đã qua.

“Sao lại khổ đến vậy?!”

“Cùng là con người mà sao bà Sáu quá bất hạnh vậy? Giờ còn phải sống cảnh như vậy, tội cho bả quá trời”- một người hàng xóm rưng rưng muốn khóc khi nói về hoàn cảnh của bà Sáu.

Lục lọi trong ký ức, ông B. (ngụ cùng ấp) vẫn nhớ như in: “Trước đó, Sáu nó vẫn bình thường. Sau khi lấy chồng rồi ly dị, nó về ở với mẹ ruột trong tình trạng lúc điên lúc tỉnh”.

“Chị Sáu có 4 người con. Sau khi ly dị chồng, tất cả các đứa con đều theo cha. Chị quay về ở với mẹ ruột. Sau đó không lâu, chị hay tin đứa con út chết vì bệnh. Nhiều nỗi buồn dồn dập khiến chị bệnh nhiều hơn, đến nay đã 26 năm”- bà Lạc là em dâu thứ tám của bà Sáu (người hiện tại đang trực tiếp chăm sóc bà Sáu) kể lại.

Theo thông tin từ bà Lạc, sau khi ngã bệnh, bà Sáu được gia đình đưa đến Bệnh viện Tâm thần ở Biên Hòa (Đồng Nai) để điều trị được một năm.

Tuy nhiên, nhận thấy bệnh tình không thuyên giảm, đồng thời do bà Sáu năn nỉ về nhà nên gia đình quyết định đưa bà về và xin lãnh thuốc ở bệnh viện Vĩnh Long uống. Tiếp đó, có vài biến cố, bệnh tình càng trở nặng nên gia đình xây cho bà căn phòng ở phía sau căn nhà để cách ly bà, đồng thời dừng việc chữa trị bệnh từ đó.

Thời điểm đầu, bà Sáu được mẹ ruột chăm sóc. Nhưng cách đây 6 năm, mẹ ruột già yếu và mất. Căn nhà bị bỏ hoang, bà Sáu phải sống ở căn phòng sau nhà một mình, ít người lui tới. Và nhiệm vụ chăm sóc bà được vợ chồng người em thứ tám thay thế.

Đặt vấn đề “các con của bà Sáu có biết tình trạng của mẹ hiện tại hay không” thì chúng tôi nhận được câu trả lời: “Mỗi năm, các con có về thăm, nhưng 2 năm nay không thấy.

Hoàn cảnh của những người con hiện tại cũng khó lòng mà chăm sóc mẹ, bởi tụi nó cũng chỉ có cái ăn. Cả 2 đứa con gái có chồng. Nhưng nghe nói đứa em vừa ly hôn, bị thần kinh yếu phải nhờ chị gái chăm sóc. Còn thằng con trai thì đi làm ở Sài Gòn, cũng không giàu có gì”- bà Lạc cho biết thêm.

Ngoài những người mang cơm, không ai biết được bà sống thế nào trong căn phòng đó.
Ngoài những người mang cơm, không ai biết được bà sống thế nào trong căn phòng đó.

Liên hệ chính quyền địa phương thì được cho biết, một tháng trước chính quyền cũng đã làm việc với gia đình bà Sáu.

Ông Nguyễn Thanh Ngoan- Chủ tịch UBMTTQ xã Vĩnh Xuân nói: “Sau khi biết được hoàn cảnh của bà Sáu, chúng tôi đã mời thân nhân đến làm việc. Qua phân tích, vận động gia đình, bà Lạc là người đại diện gia đình cũng đã ký cam kết và hứa sẽ chăm sóc bà Sáu tốt hơn”.

Hôm chúng tôi đến- tức một tháng sau khi chính quyền đã làm việc với gia đình, thì “tình hình đã khắc phục tốt hơn”- một người dân gần đó nhận xét, rồi ông nói thêm “vì thấy đã dọn dẹp rác, có mền, có chiếc giường, có lưới bao quanh. Tuy nhiên, nếu tiếp tục với tình trạng không người bên cạnh chăm sóc, để bả ở một mình thì tôi thấy tội nghiệp đứt ruột”.

Cũng như rất nhiều người dân địa phương, chúng tôi cũng tự hỏi, chẳng lẽ không có cách nào giải quyết để bà có cuộc sống tốt hơn? Câu trả lời ra sao, chúng tôi còn chờ từ cộng đồng và mong sẽ sớm có thông tin đến bạn đọc trong bài viết tiếp theo.

Bài, ảnh: TẤN ANH- NGỌC LIỄU

 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh