Cần thiết trong môi trường sống hiện đại

10:07, 27/07/2016

Bằng cách đưa ra nhiều trò chơi để giáo viên có thể rút ra những bài học, kỹ năng để truyền đạt lại cho học sinh (HS) của mình, lớp tập huấn phương pháp, kỹ thuật dạy kỹ năng sống cho cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, trung họ

Bằng cách đưa ra nhiều trò chơi để giáo viên có thể rút ra những bài học, kỹ năng để truyền đạt lại cho học sinh (HS) của mình, lớp tập huấn phương pháp, kỹ thuật dạy kỹ năng sống cho cán bộ quản lý, giáo viên tiểu học, trung học do Sở GD- ĐT tổ chức (ngày 18- 19/7/2016) thật sự đem lại nhiều bài học để áp dụng trong môi trường học tập, đời sống hiện nay…
Nếu được trang bị những kỹ năng sống phù hợp, những hình ảnh vi phạm này có thể sẽ không xảy ra. Ảnh minh họa: TL
Nếu được trang bị những kỹ năng sống phù hợp, những hình ảnh vi phạm này có thể sẽ không xảy ra. Ảnh minh họa: TL

Học tốt, nhưng thiếu kỹ năng sống

Ngồi trong lớp tập huấn, nhiều thầy cô giáo hứng thú với trò chơi mà TS. Phạm Quỳnh- Khoa Triết học (Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn- ĐH Quốc gia Hà Nội) đưa ra. Với 3 tờ giấy báo và cuộn băng keo, kéo, làm thế nào để chúng ta lấy được quả bóng cách đó 1,5m.

Một số quấn tròn rồi ghép nối dài 3 tờ giấy báo lại để lấy bóng. Số khác quấn ghép nối dài 3 tờ báo lại rồi dán miếng băng keo ở đầu, dễ dàng lấy bóng hơn…

Đây là một trò chơi thể hiện khả năng sáng tạo của từng người. Với ý nghĩa là người nào có và muốn đạt mục đích (quả bóng) sớm nhất thì cần có những kỹ năng sống, tư duy riêng mình.

Thực tế, theo nhiều thầy cô giáo, HS hiện nay tuy có kiến thức nhưng kỹ năng sống đang thiếu. Theo cô Nguyễn Thị Xuân Thi- giáo viên dạy Văn (Trường THPT Chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm), có những em học rất tốt, rất giỏi nhưng kỹ năng sống thì… bằng 0. Bởi các em chỉ chăm chú học kiến thức trong sách vở mà bỏ quên những điều xảy ra trong đời sống hàng ngày…

Có rất nhiều kỹ năng sống để các em có thể học tập, tiếp thu như: nhận thức, xác định giá trị, kiểm soát cảm xúc, ứng phó căng thẳng, giao tiếp, giải quyết mâu thuẫn, thương lượng, đạt mục tiêu, kiên định, tìm kiếm sự hỗ trợ, quản lý thời gian, tìm kiếm và xử lý thông tin,…

Theo TS. Phạm Quỳnh, lớp tập huấn đã chia ra 4 bộ môn gồm: Ngữ văn, Sinh học, Địa lý, Giáo dục công dân và 1 hoạt động giáo dục. Từ đó, thầy cô được tập huấn sẽ nắm rõ bản chất của kỹ năng sống, giáo dục thế nào để truyền đạt cho HS một cách hiệu quả nhất,…

Qua đó, đưa giáo viên các phương pháp, quy trình, quy tắc và phụ thuộc vào điều kiện từng địa phương, từng trường, từng giáo viên để truyền đạt cho HS.

Cần thiết trong đời sống hiện đại

Theo cô Nguyễn Thị Xuân Thi, thực chất giáo dục kỹ năng sống đã được thực hiện lồng ghép trong những năm qua, tuy nhiên, qua lớp tập huấn sẽ giúp giáo viên nắm cụ thể để thực hiện hiệu quả hơn. “Kỹ năng sống là khả năng xử lý, ứng xử trong thực tế cuộc sống.

Ví dụ môn Ngữ văn có lồng ghép bài học về đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, bảo vệ môi trường, an toàn giao thông.

Nếu các em được trang bị kỹ năng về kiểm soát cảm xúc, xử lý, nhận thức,… thì sẽ không có chuyện vượt đèn đỏ, vi phạm giao thông, hay nghiêm trọng hơn là vi phạm hình sự. Do đó, giáo dục kỹ năng sống là điều rất cần thiết, nhất là ở các em HS vùng sâu, vùng xa”- cô Nguyễn Thị Xuân Thi nói.

Trong khi đó, cô Trần Huỳnh Nhị- Tổ trưởng Tổ Văn (Trường THPT Nguyễn Thông) thì giáo dục kỹ năng sống hiện nay phù hợp với xu hướng phát triển của xã hội, cách ứng xử với đời sống hàng ngày. Cô ví dụ, trong môn Sinh học, chỉ các em cây xanh, giáo viên đặt câu hỏi “các em ứng xử với cây xanh như thế nào?”

Trong thực tế, nạn phá rừng, đồi trọc, không khí nóng dần lên, thủng tầng ozone, hiệu ứng nhà kính,… đều liên quan đến sự sống của cây xanh.

Vậy cách các em ứng xử với cây xanh như thế nào để hạn chế hoặc không còn xảy ra các hiện tượng trên… Qua đó, rèn luyện cũng như định hướng cho các em nhiều điều hay, lẽ phải, phù hợp với cuộc sống hơn.

Theo TS. Phạm Quỳnh, rèn luyện kỹ năng sống có liên quan đến rất nhiều vấn đề, làm thế nào để thầy cô giáo trang bị cho các em những kỹ năng đó để bước vào đời.

Có nhiều cách tiếp cận khái niệm kỹ năng sống. Tuy nhiên, có thể tiếp cận khái niệm kỹ năng sống qua 4 trụ cột của giáo dục theo UNESCO: Học để biết (learning to know), học để khẳng định bản thân (learning to be), học để chung sống (learning to live together) và học để làm việc (learning to do). Theo đó, có thể hiểu là: kỹ năng học tập, kỹ năng làm chủ bản thân, kỹ năng thích ứng và hòa nhập với cuộc sống, kỹ năng làm việc.

Tuy nhiên, kỹ năng sống cũng có thể hiểu là khả năng làm chủ bản thân của mỗi người, khả năng ứng xử phù hợp với những người khác, với xã hội và khả năng ứng phó tích cực trước các tình huống của cuộc sống. Có thể nói kỹ năng sống chính là nhịp cầu giúp con người biến kiến thức thành thái độ, hành vi và thói quen tích cực, lành mạnh.

Bài, ảnh: KHÁNH DUY

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh