Đã rớt mưa nhiều, nước nôi sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân ở các xã "then cửa" ngọt- mặn như Trung Ngãi, Trung Nghĩa (Vũng Liêm) đã về guồng bình thường.
Đã rớt mưa nhiều, nước nôi sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt của người dân ở các xã “then cửa” ngọt- mặn như Trung Ngãi, Trung Nghĩa (Vũng Liêm) đã về guồng bình thường.
Tuy nhiên, “cuộc chiến” để thích nghi với hạn mặn vẫn phải tiếp tục và không loại trừ tình huống đặt ra là làm sao để người dân có thể “sống chung với hạn mặn” về lâu về dài.
Bà Lê Thị Thanh Vân- Trưởng Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện Vũng Liêm nhìn nhận, đợt ảnh hưởng hạn mặn kéo dài đầu năm nay tại huyện, ảnh hưởng nguồn nước sản xuất nông nghiệp cũng như sinh hoạt của người dân và “cái nào cũng nghiêm trọng”.
Đã qua mùa... khát ngọt
Sau hạn mặn, chuyện nước nôi sinh hoạt, trồng trặc có thể đã ít nhiều thay đổi: lúa má bị ảnh hưởng sâu bệnh (từ Đông Xuân đến Hè Thu này), cây ăn trái cũng không ngoại lệ, nhiều nhà xây thêm lu, bể tích
trữ nước,...
Theo số liệu của Phòng Nông nghiệp- PTNT huyện, 6 tháng đầu năm nay, số hộ sử dụng nước sạch hợp vệ sinh đạt 96,2% (41.570 hộ), trong đó số hộ sử dụng nước đạt chuẩn chiếm 62,1% (26.837 hộ) và tỷ lệ tăng qua từng năm.
Cũng theo ngành nông nghiệp huyện, Vũng Liêm có tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch hợp vệ sinh và đạt chuẩn chiếm cao so nhiều địa bàn khác. Tuy nhiên, giữa mùa hạn mặn vừa qua, nhiều nơi trên địa bàn phải xài nước lợ, nước mặn sau xử lý hoặc thiếu nước xài ở vùng sâu nội đồng.
Nên sau hạn mặn, có nhà đúc 2- 6 cái lu (dung tích 1,7- 1,8 m3) chứa nước. Có nhà xây hẳn hoi bể chứa xi măng kiên cố dung tích lớn.
Lu dung tích khoảng 1,7- 1,8m3 như vầy dùng trữ nước khá phổ biến ở nhà dân thuộc Vũng Liêm. |
Phụ trách lĩnh vực khuyến nông ở huyện, theo thực tế của ông Sơn Ngọc Hưng, thì “nhu cầu nước máy của bà con mình rất lớn”. Tuy nhiên, do phân bố dân cư, do tập quán sinh hoạt, cộng với việc phải có kinh phí đầu tư và dù hệ thống kinh rạch chằng chịt nhưng nguồn nước có nơi chưa sạch, nên... nhu cầu của không ít người dân vẫn chưa được đáp ứng.
Mưa đã vào mùa, nước ngọt cho sản xuất, sử dụng hàng ngày của người dân ở các xã “then cửa” ngọt- mặn hàng năm như Trung Ngãi, Trung Nghĩa đã ổn. Nhưng, “sức công phá” của hạn mặn vẫn còn.
Chú Lê Văn Vá (Ấp 7, xã Trung Ngãi) nói: “Chú em đi dọc lộ liên các ấp này, thấy lúa Hè Thu xanh mướt vậy, chứ chưa chắc ăn đâu. Dân đây chưa vui hoàn toàn vì hết hạn mặn, có mưa, thì lại rầu vì gieo sạ lúa Hè Thu bị thiệt hại, do có nơi chết giống, nơi sâu bệnh. Năm nay thời tiết khắc nghiệt thiệt”- chú Vá còn nói cố “chèo chống” để 6 công ruộng và 3 công vườn của mình ít bị thiệt hại nhất sau mùa hạn mặn.
Ông Phan Thành Tâm- công chức nông nghiệp- xây dựng nông thôn mới thuộc UBND xã Trung Ngãi cho biết, lúa Hè Thu trong xã nay đã khoảng 60 ngày sau sạ rồi.
Nhưng trước đó, do ảnh hưởng hạn mặn kéo dài, sau khi sạ lại được, thì 65,7ha đã bị chết ngúm. Ước thiệt hại từ 70- 100% gần 20ha, còn lại thiệt hại 30- 70%. Còn tại Trung Nghĩa, hết hạn mặn nhưng 686ha vườn cũng ít nhiều hứng chịu “dư âm”- ông Phạm Văn Trai- công chức nông nghiệp xã- cho biết.
“Sống chung với hạn mặn?”
Theo bà Lê Thị Thanh Vân, mẫu số chung của việc phòng chống hạn mặn là: “Nước ngọt phải được ưu tiên có đủ cho sinh hoạt, tưới tiêu”.
Muốn thế, thủy lợi nội đồng phải đảm bảo, tức phải trữ nước ngọt, vì nếu mặn lên, hệ thống cống phải khép kín, vẫn phải còn đủ nước ngọt để sản xuất bền vững; khuyến cáo người dân tích trữ đủ nước ngọt ở vùng diện tích sản xuất lớn từ hệ thống kinh mương, ở gia đình thì chủ động xây lu, bể chứa.
Nhìn nhận giờ không lo chuyện nước nôi sản xuất, sinh hoạt nữa vì đợt hạn mặn đã qua, nhưng ông Đoàn Văn Thảo- Phó Chủ tịch UBND xã Trung Ngãi- cho hay chính quyền địa phương “luôn lúc nào cũng đánh giá và dự báo đề phòng với người dân thời gian tới đây sẽ ảnh hưởng nước mặn thường xuyên”.
Ông Đoàn Văn Thảo kể, giữa mùa hạn mặn và các cuộc họp bàn để chống hạn mặn, đã xuất hiện câu nói quen thuộc “sống chung với hạn mặn”, hay “6 tháng mặn, 6 tháng ngọt”.
Những cái can 20 lít dự phòng cho bà con vùng hạn mặn, kiệt nước ở Trung Ngãi. |
Báo cáo của UBND huyện Vũng Liêm, công tác phòng chống hạn mặn đến nay đã có trên 150 công trình thủy lợi nội đồng với khối lượng đất đào đắp 104.615m3 do các xã triển khai thực hiện. Hiện tỉnh tiếp tục thi công 7 công trình và huyện 12 công trình chống hạn mặn. Đây là một trong các giải pháp từ thực tế để đảm bảo sản xuất nông nghiệp và sinh hoạt của người dân.
Các cán bộ, công chức nông nghiệp mà chúng tôi gặp trao đổi, đã nói rằng: Phải tập cho bà con nông dân thích nghi với hạn mặn, phải tính toán trồng tỉa làm sao đó, cây gì con gì có thể thích nghi tốt để “sống chung với hạn mặn” (một trong các diễn biến của biến đổi khí hậu)...
Nhưng xa hơn dài hơn, để không phải thiệt hại sản xuất nông nghiệp, kinh tế, thiếu nước ngọt sinh hoạt như mùa hạn mặn vừa qua tại Vũng Liêm, nên chăng cần quan tâm đặc biệt đến việc giải quyết chuyện “sống chung với hạn mặn”, và 1 trong 2 vế dự báo bất thường của thời tiết có thể ngày trở nên bình thường như “6 tháng mặn, 6 tháng ngọt”ở những mùa sau.
Bài, ảnh: MINH THÁI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin