Chưa có vợ, nhưng anh Nguyễn Thanh Tuấn ở Phường 4 (TP Vĩnh Long) có đến 24 đứa con. Đó là những đứa trẻ mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, yếu thế,… được anh- Chủ nhiệm CLB Cà phê Suối Mơ TP Vĩnh Long nhận làm con nuôi, trợ cấp cho đến trưởng thành.
Chưa có vợ, nhưng anh Nguyễn Thanh Tuấn ở Phường 4 (TP Vĩnh Long) có đến 24 đứa con. Đó là những đứa trẻ mồ côi, hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, yếu thế,… được anh- Chủ nhiệm CLB Cà phê Suối Mơ TP Vĩnh Long nhận làm con nuôi, trợ cấp cho đến trưởng thành.
Niềm vui của anh Nguyễn Thanh Tuấn là mang nụ cười đến học sinh nghèo. |
“Đó là ba Tuấn của con”
Một ngày tình cờ đến thăm nhà học sinh mồ côi, tôi bắt gặp rất nhiều hình ảnh của anh Tuấn trên vách ngôi nhà nhỏ đó. Em Nguyễn Diễm Thúy- học sinh lớp 5, Trường Tiểu học Hòa Bình D (xã Hòa Bình- Trà Ôn) giới thiệu: “Đó là ba Tuấn của con!” Mẹ Diễm Thúy xoa đầu con, cười: “Nó thương chú Tuấn như ba ruột”.
Vì ba Tuấn thương con, ba Tuấn cho tập vở, cho tiền con đi học, cho nhà con ở, động viên, an ủi khi con buồn,… Những điều ấy ba Thúy chưa làm được, vì người cha xấu số bị bệnh tâm thần thường xuyên đánh đập mẹ con Thúy đã mất gần 3 năm nay.
Không chỉ trợ cấp sách vở, quần áo, học phí và khoảng 5 triệu/năm học, ba Tuấn còn chăm lo cho các chị em của bé Diễm Thúy. Khi cha Diễm Thúy mất, ba Tuấn còn lo tiền chôn cất.
Chị Nguyễn Thị Chính ở cùng xã Hòa Bình cũng không bao giờ dám quên ơn chú Tuấn, quên ơn CLB Suối Mơ dù chị bị mù nên chưa một lần thấy mặt.
Điều ngạc nhiên là cả hàng xóm của chị cũng rành chú Tuấn, nên í ới nói: “Thấy có khách tưởng chú Tuấn ghé thăm chị Chính”, hay những câu như “Chú Tuấn đã lo cho con Ni, thằng Kiệt còn chở mẹ con Ni đi khám mắt ở Sài Gòn nữa”, “cái mái chái này dột, chú Tuấn kêu cho tôn lợp”,…
Khi ba Tuấn bị đứt dây chằng hai chân phải phẫu thuật, các con anh lần lượt lên thăm. Bé Diễm Thúy còn vẽ tặng ba một bức tranh, mong ba mau hồi phục. Tôi hỏi anh có nhớ rõ từng hoàn cảnh của 24 đứa con mà anh nhận nuôi trong 3 năm không? Anh Tuấn nói nhớ chứ, rồi kể rõ những hoàn cảnh, những mảnh đời trẻ thơ bất hạnh đó.
“Tôi thương tất cả các con của mình, các em còn nhỏ đã quá thiếu thốn vật chất, tinh thần”. Thương bé Đậm ở Bình Tân có cha mẹ bị bệnh tật, sống bằng nghề chăn vịt nhưng học giỏi nhất khối, còn là lớp trưởng nữa. Hay bé Tiên cũng ở cùng xã thì hoàn cảnh cũng đầy trăn trở: cha bỏ, mẹ lấy chồng xa, nhà bị nước ngập đến giường ngủ.
Em vừa đi học vừa phụ bán đồ ở chợ hoặc đi lựa khoai. Còn một bé ở Sóc Trăng thì mồ côi cha mẹ, bé vừa học vừa đi bán bánh tiêu,… Anh Tuấn cười, nhìn xa xăm: “Ước mơ của tôi là có thể giúp tất cả trẻ em có được một cuộc sống ấm no, hạnh phúc”.
“Tranh thủ” làm từ thiện
Là một người trẻ làm từ thiện, anh Nguyễn Thanh Tuấn có cách làm riêng “rất trẻ” và rất năng động: vận động qua facebook, zalo bằng những hình ảnh, bài viết về hoàn cảnh học sinh nghèo, vùng khó khăn,…
Anh vừa tốt nghiệp ngành Luật ĐH Cần Thơ nhưng vẫn chưa đi tìm việc làm vì “Sợ đi làm không tổ chức được nhiều chương trình. Đang có nhiều nhà hảo tâm ủng hộ,… tôi muốn tranh thủ làm từ thiện”.
Đúng 3 năm thành lập, CLB cà phê Suối Mơ đã vận động trên 7,6 tỷ đồng làm cầu đường, xây nhà, trao học bổng, nhận nuôi học sinh nghèo,…
Trước đây, anh tham gia nhóm từ thiện ở Bến Tre, rồi sau đó về Vĩnh Long vận động gia đình trích lợi nhuận kinh doanh làm từ thiện, được sự ủng hộ của mọi người, CLB từ thiện cà phê Suối Mơ ra đời.
Ý tưởng thành lập nhóm bắt đầu từ cái tâm yêu trẻ của anh, rồi một lần tình cờ sang nhà người bạn làm giáo viên- anh Nguyễn Thanh Ngoan (Long Hồ), anh Tuấn thấy anh Ngoan nhận dạy thêm miễn phí cho học sinh nghèo, trong khi “thầy giáo cũng nghèo”. Vậy là, anh chọn đối tượng trẻ em để nhóm hỗ trợ vì “trẻ em là tương lai của đất nước mà”- anh Tuấn cười.
Anh kể lại: “Cái gì khởi đầu cũng gian nan, may nhờ có anh em bạn bè ủng hộ. Đến nay, CLB đã có hơn 30 thành viên ở 12 nước”.
Đó là những kiều bào muốn chia sẻ khó khăn, đóng góp cho quê hương mình. Khi tập hợp được những người có cái tâm từ thiện, anh Tuấn lên kế hoạch theo tháng, theo năm và thống kê số liệu rõ ràng.
Mỗi chương trình, mỗi hoàn cảnh đều được anh và nhóm khảo sát kỹ, không để nhầm đối tượng. Sau đó, anh đăng những thông tin, hình ảnh lên mạng xã hội, dự kiến số tiền thực hiện chương trình và bắt đầu quyên góp.
Tôi không nhớ đã đi cùng anh bao nhiêu chuyến từ thiện, chỉ nhớ ánh mắt trong veo của học sinh nghèo khi được trao tập vở, quần áo, gạo hay xe đạp. CLB trao quà theo đối tượng, nghĩa là khảo sát kỹ xem các em cần gì, thiếu gì,…
Như trong Chương trình tiếp sức đến trường ở Vũng Liêm vừa qua, tất cả các em đều được nhận quà, nhưng một số em không có phương tiện đi học được tặng xe đạp, các em rất khó khăn về nhà ở thì được trao kinh phí xây nhà,…
Mỗi món quà như gói ghém tấm lòng của người cho, từ “từng đôi dép vừa chân, từng bộ đồ vừa mặc”. Tôi vẫn còn nhớ như in nụ cười của những người dân ở xã Tân Phú (Tam Bình) khi chiếc cầu mơ ước được bắc qua sông thay cho chuyến đò không an toàn,…
Sau mỗi chương trình, anh lại đăng hình ảnh, lời cảm ơn và chi tiết những số tiền đã vận động sử dụng ra sao, còn lại bao nhiêu…
“Rõ ràng và chi tiết vậy là cách giữ uy tín tốt nhất để các thành viên luôn ủng hộ nhóm”- anh Tuấn nói. Anh Tuấn còn bắt thêm những mối quen để “mua hàng sát giá” nhất cho trẻ em nghèo. Theo anh, mọi người đều có cái tâm, biết mình mua hàng từ thiện thì hiếm ai nỡ lòng bán mắc.
Hôm chúng tôi lại thăm, chân anh Tuấn còn băng bó phải chống nạng nhưng nhìn anh rất yêu đời. Anh khoe: “Mới nhận tin nhắn của các con, hỏi thăm sức khỏe của anh. Rồi các con khoe giấy khen, phần thưởng hôm tổng kết,…
Niềm vui lớn nhất của tôi là vậy”. Không chỉ đi làm từ thiện, anh Tuấn còn tập hợp những bạn trẻ có cùng lý tưởng vào hội để góp công góp sức cho trẻ em nghèo. Đến nay, CLB đã có hơn 30 tình nguyện viên tiếp sức cho những chương trình.
Sau 3 năm thành lập, CLB từ thiện Cà phê Suối Mơ TP Vĩnh Long đã vận động hơn 7,6 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội- từ thiện. CLB đã tổ chức 157 chương trình, giúp đỡ hơn 4.300 lượt người. |
Bài, ảnh: CAO HUYỀN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin