Vĩnh Long có những dòng sông uốn quanh, lượn lờ làm nên vẻ thơ mộng của một đô thị vùng sông nước. Thế nhưng, những con sông, kinh rạch trong xanh dường như chỉ còn ở... ngày xưa.
Vĩnh Long có những dòng sông uốn quanh, lượn lờ làm nên vẻ thơ mộng của một đô thị vùng sông nước.
Thế nhưng, những con sông, kinh rạch trong xanh dường như chỉ còn ở... ngày xưa. Thay cho bông lục bình tím trôi thì nay là rác thải, bọc ny lông, hộp xốp... lềnh bềnh trên sông.
Tình trạng ô nhiễm gây ảnh hưởng đến sức khỏe, mỹ quan đô thị. |
Còn đâu “con kinh xanh xanh”...
Sông rạch uốn lượn không chỉ tạo nét độc đáo đặc trưng cho đô thị vùng sông nước mà còn góp thêm vẻ tươi mát cho TP Vĩnh Long. Tuy nhiên, thời gian gần đây, mức độ ô nhiễm ở các sông rạch đang trở thành vấn đề đáng lo ngại, cần được quan tâm.
Theo Phòng Tài nguyên- Môi trường TP Vĩnh Long, nội ô thành phố có 49 kinh rạch. Đặc biệt, mức độ ô nhiễm ở các kinh rạch có chiều hướng tăng theo từng năm.
Nguyên nhân là do dân số tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh với ngày càng nhiều khu dân cư. Hệ thống xử lý rác thải, nước thải còn chưa đến nơi đến chốn, chủ yếu thải trực tiếp ra sông, rạch.
Bên cạnh đó, nhiều kinh rạch nằm xa sông lớn, bồi lắng hàng năm, không có dòng chảy, không được nạo vét, nên theo thời gian ngày càng ô nhiễm. Song, nguyên nhân lớn nhất vẫn là do ý thức của người dân. Tại những khu chợ nhỏ ven sông, tiểu thương “vô tư” đổ rác xuống sông. Hộ dân vẫn trực tiếp thải rác ra sông rạch.
Một trong những con rạch ô nhiễm nhất nội ô thành phố là rạch Cá Trê, chảy qua địa bàn Phường 3 và Phường 4. Nước lớn thì không đâu là không thấy bọc rác, ny lông, còn trên ven bờ rạch thì nào là rau củ, trái cây hư thối, vỏ xe,...
Ông Võ Hữu Xuân- Trưởng Phòng Kinh tế TP Vĩnh Long cho biết: Hiện nhiều kinh, rạch đang ô nhiễm ở mức độ từ 50- 70%. Riêng rạch Cá Trê có chiều dài 2.600m đang ở mức ô nhiễm trên 90%. Nguyên nhân là do người dân còn xả rác trên sông, thêm vào đó, tình trạng nhà dân lấn rạch, ảnh hưởng nhiều đến môi trường. Hiện thành phố cũng đã có kế hoạch nạo vét kinh này nhưng chưa đưa phương tiện vào được nên còn gặp khó.
Mới được dọn sạch, vét sông không bao lâu với kinh phí 500 triệu đồng, thì nay rạch Kinh Cụt (Phường 1) lại sắp tái diễn tình trạng cũ với rác thải ngày càng nhiều dưới sông. Cô Nguyễn Thị Minh (Phường 1- TP Vĩnh Long) bày tỏ: “Vui chưa bao lâu thì nay “đâu lại vào đấy” với đầy rác thải. Nhiều người còn quăng cả xác chết động vật xuống rạch”.
Thêm vào đó, một bộ phận không nhỏ người dân còn có suy nghĩ “đâu có xài nước sông nữa nên tha hồ vứt rác”. Trong khi đó, thực tế, hiện vẫn còn một số người dân vẫn phải sinh hoạt bằng nguồn nước ô nhiễm này. Theo ghi nhận, trên một số con sông, rạch như Kinh Cụt, Cầu Lầu, Bình Lữ,... người dân vẫn còn tắm, giặt, rửa rau... dù đã có nhiều cảnh báo nước bị ô nhiễm có thể gây ảnh hưởng đến sức khỏe.
Trẻ em vô tư tắm lội ở con rạch trôi đầy rác thải. |
Giữ cho sông xanh
Tình trạng ô nhiễm môi trường, ô nhiễm sông rạch vẫn là chuyện “biết rồi, khổ lắm, nói mãi” nhưng vẫn cứ tái diễn.
Dù các ngành chức năng đã tăng cường các biện pháp khắc phục như nạo vét, vớt rác, khai thông cống, rãnh, tạo dòng chảy thông thoáng cho sông rạch nhưng nếu ý thức của người dân không được nâng cao thì công sức, tiền của đổ ra cũng chỉ “bỏ sông”. Nhiều kinh rạch đã bị rác thải lấp đầy đến mức ghe tàu không thể đi qua.
Nhiều cửa cống cũng bị tắc nghẽn vì rác. Ông Nguyễn Thanh Hà- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long cho biết: Hiện nay tình trạng ô nhiễm sông rạch vẫn còn nhiều.
Tại các chợ, việc xả rác thải xuống sông bừa bãi là do một bộ phận người bán hàng tự sản tự tiêu, bán không thường xuyên nên ý thức chưa cao, do đó cũng sẽ tập trung tuyên truyền đối với những đối tượng này, để cùng chợ, địa phương giữ gìn, bảo vệ môi trường.
Riêng rạch Kinh Cụt dù đã được khai thông, nạo vét nhưng thời gian qua vẫn còn xuất hiện rác thải. Thời gian tới, thành phố sẽ yêu cầu ngành chức năng Phường 1 và Phường 3 chấn chỉnh tình trạng này, đẩy mạnh tuyên truyền để người dân để rác đúng nơi quy định.
Không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, sông rạch bị ô nhiễm còn làm mất vẻ mỹ quan đô thị. Để góp phần bảo vệ nguồn nước và mỹ quan đô thị, ngoài các cấp các ngành có biện pháp tích cực để bảo vệ, quản lý, thì người dân cũng nên chung tay giữ cho những dòng sông xanh, thân thiện, yên bình.
Ông Nguyễn Thanh Hà- Phó Chủ tịch UBND TP Vĩnh Long |
|
Tình trạng nhà vệ sinh trên sông cũng gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe, môi trường, mỹ quan ở đô thị. Hiện thành phố cũng đã có kế hoạch di dời những nhà sàn trên sông kết hợp với xây kè chống ngập.
Theo đó, trước mắt sẽ giải tỏa một số hộ dân ở khu vực cầu Cái Cá, cầu Kinh Cụt, cầu Lầu. Đây là kế hoạch “dài hơi” nên thành phố sẽ từng bước thực hiện. |
Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin