Bà Lê Thị Mười (SN 1960- ngụ ấp Phú Khương, xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) bị sỏi thận và ứ nước, đã phẫu thuật lấy sỏi một bên và được chỉ định phải mổ lấy tiếp sỏi trong quả thận còn lại nhưng đến nay gần 3 tháng vẫn chưa có tiền nhập viện.
Bà Lê Thị Mười (SN 1960- ngụ ấp Phú Khương, xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm) bị sỏi thận và ứ nước, đã phẫu thuật lấy sỏi một bên và được chỉ định phải mổ lấy tiếp sỏi trong quả thận còn lại nhưng đến nay gần 3 tháng vẫn chưa có tiền nhập viện.
Ngày 3/11/2015, bác sĩ hẹn bà Lê Thị Mười đến bệnh viện tái khám và phẫu thuật lấy sỏi trong quả thận còn lại để tránh bệnh phát nặng phải lọc máu suốt đời, nhưng do không mượn được tiền nên bà Mười chịu cảnh “không thuốc uống, bệnh hành đau chỉ nằm một chỗ”.
“Mẹ em ngã bệnh 6- 7 tháng nay. Vay mượn tiền khắp nơi, giờ đâu còn chỗ mượn nữa nên qua ngày bác sĩ hẹn gần 3 tháng mà chưa có tiền trở lại phẫu thuật. Thấy mẹ đau nhức nằm một chỗ, ăn uống không được em xin thuốc BHYT nhưng người ta không cho kêu phải nhập viện, còn mua theo toa thuốc cũ tới hơn 1 triệu đồng, em đâu có tiền”- con gái bà Mười chia sẻ.
Chồng bỏ đi khi con gái chưa tròn 3 tuổi, bà Mười một mình làm thuê nuôi con và chăm sóc mẹ già. Thấy mẹ con bà Mười ở trong căn nhà rách nát, chính quyền địa phương hỗ trợ cất cho căn nhà lành lặn trị giá 30 triệu đồng. Không lâu sau, mẹ bà Mười qua đời, cô con gái mới 22 tuổi bị chồng bỏ “một nách 2 con nhỏ” đi “móc” dừa khô thuê không đủ sống nên bà Mười phải bắt ốc, hái rau bán kiếm thêm tiền phụ con nuôi cháu.
Ngày 19/9/2015, khi bệnh bà Mười phát nặng phải mổ lấy sỏi trong thận, sức khỏe yếu không chăm sóc cháu cho con đi làm kiếm tiền được khiến cuộc sống gia đình lâm vào cảnh bế tắc. Chính quyền ấp Phú Khương thấy vậy đã vận động người dân đóng góp giúp bà Mười thời gian nằm viện.
Con gái bà Mười kể: “Bà con ở đây cũng khó khăn không giúp được hoài nên em phải bỏ con ở nhà cho mẹ ngó chừng để đi làm thuê. Ngày nào không mượn được người đưa đứa lớn (SN 2009) đi học thì nó nghỉ ở nhà giữ đứa nhỏ (SN 2014).
Em nấu nước để sẵn trong bình thủy, đói thì nó lấy mì chế nước ra tô, anh em cùng ăn (ảnh). Bữa nào ở xóm có người cho có giang đến trường thì em để đứa nhỏ ngồi chơi gần võng bà ngoại. Nghe nó khóc quá thì mấy dì ở gần đến ẵm về dỗ đợi em về”.
Chúng tôi tỏ ý lo bé Lê Hoài Bảo mới hơn 6 tuổi mà phải thường xuyên sử dụng bình thủy nước sôi đã cũ để nấu mì và trông em những khi mẹ vắng nhà thì bà Mười thở dài, bảo: “Thấy cháu kêu đói mà mình không có sức đi nấu cho cháu tô mì phải để nó tự làm và giữ em khi còn quá nhỏ, tui lo lắm nên mong có tiền trị bệnh cho khỏe lại để giữ cháu cho con yên tâm đi làm kiếm tiền, nhưng không biết tới khi nào mẹ con, bà cháu tui mới bớt khổ”.
Bạn đọc quan tâm liên hệ địa chỉ bà Lê Thị Mười (ở ấp Phú Khương, xã Trung Nghĩa- Vũng Liêm. Điện thoại 0971212643). Hoặc Phòng Bạn đọc- Xã hội Báo Vĩnh Long- số 166/3B đường Phạm Hùng, Phường 9, TP Vĩnh Long, tỉnh Vĩnh Long (cạnh trụ sở Tỉnh ủy Vĩnh Long), điện thoại 070.3833853. Hoặc qua tài khoản Báo Vĩnh Long 73010000844166 tại Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam chi nhánh Vĩnh Long.
Bài, ảnh: PHƯỢNG NGÂN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin