Tiếp tục chuyện "quản" bàn ăn mùa tết

Cập nhật, 05:38, Thứ Sáu, 29/01/2016 (GMT+7)

Còn chỉ hơn tuần nữa là đến Tết Nguyên đán Bính Thân và mùa lễ hội Xuân 2016, xin tiếp tục câu chuyện rất được quan tâm là việc “quản” cái bàn ăn đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP), đảm bảo người dân vui xuân đón tết.

Năm 2015, 3 vụ ngộ độc thực phẩm trong tỉnh với tình huống rất đơn giản: 2 vụ do ăn bánh mì dồn thịt, 1 vụ do ăn mắm tép. Trong ảnh: Người dân điều trị vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì.
Năm 2015, 3 vụ ngộ độc thực phẩm trong tỉnh với tình huống rất đơn giản: 2 vụ do ăn bánh mì dồn thịt, 1 vụ do ăn mắm tép. Trong ảnh: Người dân điều trị vụ ngộ độc thực phẩm do ăn bánh mì.

Vi phạm về an toàn thực phẩm vẫn phức tạp

Năm 2015, ngành y tế thanh tra, kiểm tra 11.584 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, sản phẩm thực phẩm, dịch vụ ăn uống. Qua đó, có 9.459 cơ sở đạt yêu cầu, 166 cơ sở bị xử lý.

Ngành công thương trong năm qua test nhanh 315 mẫu thực phẩm các loại (thịt heo, thịt bò, cá biển, rau cải, chả cá, chả viên, chả lụa, tàu hủ, bún, bánh phở,...), kết quả 49 mẫu (15,5%) phản ứng dương tính với chất cấm (hàn the, dư lượng thuốc trừ sâu). Các đội quản lý thị trường thuộc cơ quan này đã thanh tra, kiểm tra 250 vụ, kết quả vi phạm 149 vụ. Trong 182 mẫu thực phẩm gửi kiểm nghiệm, có 50 mẫu không đạt chất lượng.

Ngành nông nghiệp kiểm tra 1.668 cơ sở (kinh doanh thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, bảo vệ thực vật, các cơ sở giết mổ tập trung, nuôi trồng, sản xuất, chế biến nông- thủy sản,...). Qua đó, phát hiện 216 trường hợp vi phạm, trong đó 176 vụ bị phạt tiền. Ngành công thương cũng đã xử lý 15 cơ sở trong số 47 cơ sở vi phạm sau thanh tra, kiểm tra 208 cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm.

Đáng chú ý, trong 24 hộ chăn nuôi heo nghi ngờ có sử dụng chất cấm salbutamol được lấy mẫu để xét nghiệm, có 5/24 hộ nuôi heo có kết quả dương tính với salbutamol ở cả định tính lẫn định lượng. Kiểm tra 68 mẫu nước tiểu heo thịt giai đoạn xuất chuồng cho kết quả test nhanh có 15 mẫu dương tính với salbutamol. Đặc biệt trong đó có 6 mẫu dương tính với salbutamol với hàm lượng cao hơn từ 1,5- 177,5 lần so quy định.

Phía ngành y tế, điểm cuối trong lộ trình 3 ngành “quản” bàn ăn, trong năm qua với các mẫu xét nghiệm giám sát mối nguy cơ ô nhiễm thực phẩm cũng phát hiện 69 trong 96 mẫu thực phẩm mất an toàn vi sinh. Đây là nguyên nhân phần lớn gây ngộ độc thực phẩm.

Về 3 vụ ngộ độc thực phẩm (60 người mắc, trong đó 51 người đi viện, không có tử vong) tại tỉnh trong năm qua, ông Nguyễn Văn Thanh- nguyên Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Vĩnh Long, nguyên Trưởng BCĐ liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Vĩnh Long, cho rằng: Tuy dưới mục tiêu 6 người/100.000 dân, nhưng ở mức bình quân 5,76 người/100.000 dân vậy là khá cao, vì gần đạt tới mức mục tiêu và cần hết sức lưu ý. Tức yêu cầu phối hợp 3 ngành trên cần phải chặt chẽ hơn nữa để quản lý thực phẩm từ khâu sản xuất, lưu thông thị trường và lên bàn ăn người dân.

Đảm bảo ăn sạch, vui khỏe mùa tết

Đó là yêu cầu cao nhất đặt ra với các cơ quan chức năng để “quản” an toàn thực phẩm dịp tết và mùa lễ hội Xuân Bính Thân tới.

Ông Trần Văn Út- Giám đốc Sở Y tế- nói thông tin quen thuộc: 3 ngành “quản” món ăn của mọi người dân, là: y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn, “nhưng có cảm giác vẫn còn bỏ ngỏ”. Dẫn chứng trong hơn 11.600 cơ sở sản xuất kinh doanh, chế biến, buôn bán thực phẩm toàn tỉnh, ông Trần Văn Út nói cơ bản xác định 2 ngành y tế, công thương quản lý khoảng 8.000 cơ sở, số còn lại “bỏ hở nhiều lắm!”. Đó là kết quả phối hợp liên ngành dù tích cực, nhưng vẫn còn chồng chéo, lẫn lộn.

Theo ông Liêu Cẩm Hiền- Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp- PTNT, cái khó quản lý chất cấm trong chăn nuôi, trồng trọt hiện nay có khi từ cơ chế quản lý. Như cơ sở trồng trọt có diện tích 2.000m2 trở lên; cơ sở nuôi thủy sản diện tích 1.000m2; nuôi heo thì 5 heo thịt, 5 heo nái; nuôi gà thì từ 200 con;... mới đưa vào diện đăng ký sản xuất kinh doanh để quản lý. Thực tế chỉ rất ít trong số gần 7.700 cơ sở sản xuất, nuôi trồng các sản phẩm trên là đủ điều kiện đưa vào quản lý, còn lại hầu hết nhỏ lẻ.

Vẫn theo ông Liêu Cẩm Hiền, thời gian qua chất cấm trong chăn nuôi heo (salbutamol, vàng ô), rau củ quả (tồn dư thuốc bảo vệ thực vật) mà ngành nông nghiệp phát hiện, xử lý “chỉ là phần ngọn, chứ chưa xử lý tận gốc”. Tức khi phát hiện cơ sở nào đó sử dụng chất cấm (salbutamol, vàng ô) trong nuôi heo, thì biết cơ sở đó sử dụng vậy và xử lý thôi, chứ không biết nguồn gốc đường đi của chất này từ đâu ra!

Ông Lữ Quang Ngời- Phó Chủ tịch UBND tỉnh kiêm Trưởng BCĐ liên ngành về vệ sinh an toàn thực phẩm tỉnh Vĩnh Long- khẳng định vấn đề đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm hết sức quan trọng, “nóng” trong xã hội hiện nay. Thời gian qua, truyền thông, tập huấn, thanh tra, kiểm tra rất được quan tâm và đạt kết quả tích cực. Ông đánh giá trong gần 14.000 lượt cơ sở được các ngành và đoàn liên ngành các cấp thanh kiểm tra năm qua, có hơn 96% cơ sở đạt yêu cầu là cao. “Tỷ lệ cơ sở đạt yêu cầu cho thấy mức độ nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được nâng lên”- ông Lữ Quang Ngời nhận xét và cho biết thêm: “Năm qua, 3 vụ ngộ độc thực phẩm là phức tạp. Gần 4% cơ sở không đạt yêu cầu sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Hơn 400 vụ vi phạm bị phạt tiền hơn 1,2 tỷ đồng là nghiêm theo quy định, nhưng sắp tới cần xử lý nghiêm hơn và công khai dư luận. Trước mắt, các ngành, đoàn thể, chính quyền các cấp chủ động kiểm tra, giám sát để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm dịp Tết Nguyên đán và mùa lễ hội Xuân 2016 để bà con vui xuân đón tết, đảm bảo an toàn sức khỏe”.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Lữ Quang Ngời: Tỷ lệ cơ sở đạt yêu cầu cho thấy mức độ nhận thức của các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm được nâng lên. Tuy nhiên, năm qua 3 vụ ngộ độc thực phẩm là phức tạp. Gần 4% cơ sở không đạt yêu cầu sẽ tiềm ẩn nguy cơ gây ngộ độc thực phẩm. Hơn 400 vụ vi phạm bị phạt tiền hơn 1,2 tỷ đồng là nghiêm theo quy định, nhưng sắp tới cần xử lý nghiêm hơn và công khai dư luận..

 

Bài, ảnh: MINH THÁI