
Tỷ lệ hộ sử dụng nước từ trạm cấp nước tập trung ở nông thôn ngày một tăng cao, nhưng đi kèm với niềm vui đó là nỗi lo chất lượng nước máy, nhất là các nhà máy nước do tư nhân đầu tư.
>> Kỳ 1: Đầu tư mạnh vẫn chưa đáp ứng
Tỷ lệ hộ sử dụng nước từ trạm cấp nước tập trung ở nông thôn ngày một tăng cao, nhưng đi kèm với niềm vui đó là nỗi lo chất lượng nước máy, nhất là các nhà máy nước do tư nhân đầu tư.
![]() |
Nhiều năm qua, một số hộ dân lo lắng chất lượng nên họ dùng đủ cách mới có nước sạch sử dụng. Trong ảnh: Canh lúc nửa đêm, người dân Thanh Đức kéo ống nước qua Đường tỉnh 902. |
Vừa xài vừa lo
Trong đêm tối, trên Đường tỉnh 902 thuộc xã Thanh Đức (Long Hồ), chúng tôi thấy người dân kéo ống nhựa qua lộ.
Đứng canh nước vào bồn, chị Đặng Thị Kim Hồng (ấp Thanh Mỹ 2) nói: “Nhà tui có vô nước máy mà vẫn kéo nước nhờ bên kia”. Chồng chị ngồi nhìn ra lộ nói: “Tui canh xe, nếu xe nào chạy làm xì ống thì mình vá liền. Thường truyền ống từ 1 tới 3 giờ sáng, lúc đó xe cộ ít lắm”.
Chú Mai Thế Dũng- nhà kế bên- nói: “Tui thì phải đi chở từng can nước về. Mỗi tháng chở bốn năm chục can mới đủ xài. Hồi đó chưa quen ai gần đây nên chạy xe gần tới cầu Thiềng Đức mới mua được nước, bây giờ chở từ nhà hàng xóm kế bên cũng đỡ hơn”. Đó là những trường hợp hộ dân sống cạnh con lộ, thương lượng được nước của hộ đối diện.
“Còn đối với những hộ dân sâu trong ấp, xa đường lộ, thì buộc phải dùng nước. Nhưng vừa dùng vừa lo bởi không có nguồn nước nào khác tốt hơn. Bởi ở đây bà con chăn nuôi nhiều mà xả nước thải trực tiếp xuống rạch, sông nên đâu có dám bơm lên dùng.”- ông Nguyễn Hữu Thanh cán bộ mặt trận ấp cho biết.
Giải thích việc vô nước này mà mua nước kia dùng, ông Nguyễn Hữu Thanh dẫn chúng tôi vào nhà, mở van nước rồi nói:
“Nước máy của nhà máy nước Thăng Long thấy trong veo, nhưng chỉ để tắm, giặt. Tắm là bị nhớt giống như xà bông rửa không sạch. Nấu cơm thì cơm chuyển màu ngà ngà. Còn nấu canh thì rau mau nhừ, nát, ra màu hết luôn”.
Thực nghiệm, ông Thanh đưa chúng tôi lấy nước đun sôi từ nước máy trong nhà và nước máy mua rồi đổ vào 2 bình pha trà, bên ly nước máy từ trạm cấp nước ngầm thì một hồi thấy trà chuyển màu sẫm đen và bị mất hết mùi trà.
Chị Đặng Thị Kim Hồng bức xúc: “Vô nước máy mà khi giặt đồ tôi phải dùng vải bịt đầu ống nước để lọc cặn. Quần áo trắng giặt qua nước này thì mau ngả màu vàng. Dụng cụ bằng inox cũng bị chuyển sang sẫm luôn”.
Ở một nơi khác, cô Bùi Thị Kiều My (ấp An Thới, xã Tân An Thạnh- Bình Tân) phân trần, nước máy của ông Nguyễn Viết Vĩ bị cặn thường xuyên, nhưng vì khó bơm nước qua lộ nên buộc phải xài.
Dẫn chúng tôi đến hệ thống nước trong nhà, cô cho biết: “Tôi sử dụng một moteur nửa ngựa để hút nước từ ống nước của nhà máy, đầu kia đổ ra một cái thùng phuy những cái kiệu, lu để lắng cặn. Nếu thêm bột xử lý thì nước sẽ mau trong, để tự nhiên thì 2 ngày mới xài được. Nên tui chỉ dùng để tắm, giặt, còn ăn uống thì mua nước bình”.
Cô My buồn bã: “Tui và hơn 20 hộ ở đây đến UBND xã phản ánh từ khoảng 4 năm trước, hàng năm vẫn than vãn chuyện này. Hồi trước, ông chủ thu tiền nước khoảng 3.500 đ/m3, bây giờ nước cặn, ổng hết lại đây thu tiền nước luôn rồi. Nếu mà nước sạch như bên khu dân cư thì giá cao hơn tui cũng trả, tui không có tiếc tiền nước sạch. Nhưng nghe nói nếu tụi tui mà bỏ của ổng mà kéo bên kia thì không được”.
Tìm hiểu thêm một số địa phương có nhà máy nước do Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn khai thác và quản lý, phần lớn đáp ứng nhu cầu của bà con. Tuy theo bà con, có vài trạm nước bị đục trong khi thu hoạch lúa vụ 3 hoặc tháng nước kém. Dù vậy người dân vẫn chấp nhận vì lượng nước sông, rạch ở nông thôn ít, không thể đòi hỏi nước sạch như nước ở đô thị.
|
Thực hiện kế hoạch cấp nước an toàn tại tất cả các trạm, kịp thời khắc phục chất lượng nước khi có sự cố xảy ra, từ năm 2012 đến nay, các đơn vị quản lý cấp nước nông thôn đã lấy và phân tích trên 2.690 mẫu nước tại tất cả các trạm, trong đó có 609 mẫu do Trung tâm Y tế dự phòng tỉnh thực hiện, kết quả đạt QCVN-02. Theo đánh giá của Trung ương, tỉnh có trên 98% các trạm cấp nước nông thôn hoạt động bền vững. |
Chờ đến bao giờ?
Vẻ mặt buồn rầu, ông Bùi Văn Nhanh- Phó Chủ tịch UBND xã Tân An Thạnh cho biết: “Bà con ở đây phản ánh nhiều lần về nước máy bị cặn. Nhưng nếu người dân chuyển đổi qua nhà máy nước khác thì vướng. Chúng tôi chỉ biết ghi nhận ý kiến của bà con, đề xuất lên cấp trên chờ giải quyết”.
Ông nói thêm: “Mới đầu, nhà máy nước tư nhân ở đây mở ra đã đáp ứng một bộ phận nhỏ cho bà con ở đây. Lúc đó có nước sạch, người dân rất phấn khởi. Tuy nhiên, sau một thời gian mở rộng thêm thì xảy ra tình trạng nước cặn, chảy yếu.
Mỗi lần như vậy là ổng có bao nhiêu vốn bỏ ra khắc phục được bấy nhiêu, nhưng khắc phục cũng chỉ ở mức độ nhất định, vẫn gặp tình trạng trên. Mới đây, sau khi huyện xuống làm việc thì tình trạng vẫn chưa cải thiện vì ổng kêu là thiếu vốn nên chờ ổng có tiền mới nâng cấp”.
Riêng đối với các nhà máy nước khai thác nước ngầm như ở Long Hồ lại “đau đầu” hơn. Cán bộ Phòng Tài nguyên- Môi trường huyện Long Hồ đưa cho chúng tôi một xấp giấy tờ, cho thấy kết quả kiểm định nước trong thời gian qua tại các nhà máy nước khai thác nước ngầm trên địa bàn đều đạt mức cho phép.
Như vậy, chất lượng nước được cho là đảm bảo sức khỏe, nhưng ngặt nỗi những hiện tượng đã phản ánh thì lại không có hướng giải quyết, khắc phục. Vì vậy, dù có nước dân vẫn không dám xài.
Nói chuyện nước máy, ông Nguyễn Văn Nhung- Chủ tịch UBND xã Thanh Đức nói: “Dân họ sợ, phản ánh không biết là bao nhiêu lần trong 2 nhiệm kỳ qua rồi mà chưa giải quyết được. Nếu kéo bên của công ty khác qua là vướng Nghị định 117 của Chính phủ”.
Ông nói thêm: “Phải chi các cơ quan chức năng giải trình rõ ràng cho bà con về chất lượng và đặc tính của từng loại nước. Dù kết luận rằng nước ở đây đạt chất lượng nhưng dân thấy hiện tượng như vậy thì làm sao dám xài? Tắm giặt thì không sao nhưng nước vậy ai dám đem đi nấu ăn, bây giờ không sao, ai có dám đảm bảo nó không tích tụ trong cơ thể và phát bệnh đâu. Còn nếu người dân chuyển đổi qua nhà máy nước khác thì lại vướng nghị định”.
![]() |
Sử dụng nước máy mà phải mua từng can nước thế này. |
Trao đổi về giải pháp trên, Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Phan Anh Vũ cho biết:
Chủ trương của Chính phủ là hạn chế đến mức thấp nhất việc sử dụng mạch nước ngầm, nên không cấp phép mới, mở rộng khai thác nước ngầm. Riêng những nơi đã sử dụng nước ngầm thì từng bước chuyển đổi sang khai thác nước mặt khi có điều kiện.
Chỗ Trương Vách đang chuyển đổi là do giấy phép đầu tư đã hết hạn. Nếu như các chỗ khác hết hạn giấy phép thì mình sẽ khuyến khích chuyển đổi sang nước mặt. Riêng tại các nơi khác như kiểu của nhà máy nước Tân An Thạnh thì phải xem lại hợp đồng.
“Tỉnh đã chỉ đạo với Bình Tân rồi, bây giờ rà soát lại hợp đồng, nếu không đảm bảo thì khắc phục trong thời gian nhất định. Nếu quá thời hạn đó mà doanh nghiệp không khắc phục nữa thì buộc phải ngưng cung cấp, cho nhà máy nước khác vào khai thác”- Phó Chủ tịch UBND tỉnh- Phan Anh Vũ cho biết thêm.
>> Kỳ cuối: Tìm giải pháp linh hoạt và hài hòa
Bài, ảnh: TẤN ANH- TUYẾT NHI
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin