Với đặc trưng sông nước, các đô thị ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thành một khu vực đô thị năng động của cả nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Để phát huy tiềm năng, hạn chế bất cập các đô thị của vùng đang hướng tới chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.
Với đặc trưng sông nước, các đô thị ĐBSCL cần có giải pháp phát triển theo hướng hài hòa và bền vững về môi trường. Ảnh: TRẦN PHƯỚC
Với đặc trưng sông nước, các đô thị ĐBSCL có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển thành một khu vực đô thị năng động của cả nước. Tuy nhiên, quá trình phát triển cũng đặt ra nhiều khó khăn, thách thức. Để phát huy tiềm năng, hạn chế bất cập các đô thị của vùng đang hướng tới chuyển đổi mô hình phát triển theo hướng tăng trưởng xanh.
ThS. KTS. Nguyễn Dư Minh- Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng) cho rằng: Có thể ví đô thị là “sân khấu chính”- nơi hàng triệu người dùng vai diễn của mình với “đạo cụ” là xe hơi, nhà ở, điện thoại… Những sản phẩm mà từ giai đoạn sản xuất đến khi bị vứt bỏ tốn rất nhiều nhiên liệu, tài nguyên, phát thải khí nhà kính.
Và đô thị cũng là nơi các kịch bản về suy giảm hệ sinh thái, biến đổi khí hậu diễn ra. Để giải quyết các vấn đề này, cần tư duy mới, phương pháp hợp tác mới và trên hết là phương thức tăng trưởng mới: tăng trưởng xanh.
Theo Giám đốc Chương trình cao cấp Viện Tăng trưởng xanh toàn cầu- Joosueb Lee, tăng trưởng xanh là một mô hình mới của tăng trưởng kinh tế tại các quốc gia đang phát triển và các quốc gia mới nổi.
Mô hình này đồng thời hướng đến các khía cạnh hiệu quả kinh tế, như giảm nghèo, tạo cơ hội việc làm, hòa nhập xã hội, bền vững môi trường, giảm khí thải nhà kính, giảm thiểu đa dạng sinh học, cải thiện các dịch vụ hệ thống sinh thái và an toàn tiếp cận năng lượng và nước sạch.
ĐBSCL hiện có khoảng 160 đô thị (chiếm 1/5 đô thị cả nước). Với vị trí địa lý có 3 mặt giáp biển, bờ biển dài 700km và hệ thống sông ngòi, kinh rạch chằng chịt, ĐBSCL có lợi thế sông nước- thuận lợi phát triển giao thông thủy. Đồng thời, có nguồn lao động dồi dào với dân số cả vùng hơn 17 triệu người. Trong đó, khu vực đô thị hơn 4 triệu người, phần lớn lao động có tay nghề tập trung ở khu vực đô thị.
Tuy nhiên, nhiều năm qua, tốc độ đô thị hóa vùng ĐBSCL diễn ra khá nhanh trong khi quy hoạch chưa theo kịp nên ảnh hưởng đến đời sống của một bộ phận người dân đô thị. Sự phát triển nóng về không gian đô thị không đồng bộ với hệ thống hạ tầng giao thông, thoát nước, xử lý rác thải dẫn đến tình trạng kẹt xe, ngập lụt cục bộ, ô nhiễm môi trường…
Trong khi, kết cấu hạ tầng trong khu vực rất yếu kém, đặc biệt về nhà ở, giao thông, điện và cung cấp nước. Bên cạnh, các đô thị trong vùng là đối tượng chịu tác động chính của biến đổi khí hậu.
Theo ThS. KTS Trần Anh Tuấn- Cục Phát triển đô thị (Bộ Xây dựng), việc phát triển đô thị vùng ĐBSCL theo hướng tăng trưởng xanh còn nhằm phát huy tiềm năng, hạn chế bất cập của các đô thị.
Theo đó, quy hoạch cần đi trước một bước áp dụng mô hình quy hoạch xây dựng đô thị mới, tập trung xây dựng các đô thị sinh thái. Đồng thời, cần có biện pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Chẳng hạn, cần tạo điều kiện xả lũ định kỳ vào đồng để có thêm phù sa mới và vệ sinh đồng ruộng, tạo điều kiện cho những nông dân còn sống theo lũ. Bên cạnh, cần xây dựng các chính sách thu hút đầu tư, huy động các nguồn vốn tài trợ trong và ngoài nước cho quá trình phát triển đô thị; tập trung đào tạo nguồn nhân lực nhằm khai thác, áp dụng thành tựu khoa học kỹ thuật.
Mặt khác, phát triển ngành du lịch dựa vào tiềm năng của từng khu vực như du lịch biển, du lịch sinh thái, du lịch thắng cảnh… nhưng cần tạo nét riêng giữa các tỉnh trong vùng. Song song đó, cần liên kết du lịch của những tỉnh lân cận với nhau và với các khu công nghiệp, đô thị mới để có du lịch đa dạng, thu hút du khách nhiều hơn.
Riêng Vĩnh Long, việc phát triển đô thị và không gian đô thị thời gian qua luôn được quan tâm đến việc kết nối các đô thị lân cận trong vùng, cũng như kết hợp chặt chẽ với quy hoạch ngành và bảo vệ môi trường, các mảng xanh đã được quan tâm.
Vĩnh Long xác định cần phát triển hệ thống đô thị theo hướng hiện đại, bền vững về môi trường, phát huy tối đa lợi thế, đặc thù của vùng sông nước.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh- Đoàn Thanh Bình, Vĩnh Long sẽ cố gắng tận dụng tối đa những điều kiện thuận lợi trong quá trình hội nhập, phát huy những lợi thế sẵn có, lấy khoa học công nghệ làm động lực và con người làm trung tâm để phát triển đô thị bền vững về môi trường theo hướng kinh tế xanh.
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin