
Trong khi cả nền nông nghiệp ở ĐBSCL đang loay hoay tìm lối ra, thoát cảnh phập phù được mùa mất giá thì Sóc Trăng mạnh dạn đưa những mô hình mới bên cạnh cây lúa truyền thống, ứng dụng khoa học kỹ thuật tăng hàm lượng “chất xám” trong nông sản ở những vùng đông đồng bào Khmer.
>> Kỳ 1: Đột phá trên vùng đất khó
Đồng bào Khmer ở Phường 5 (TP Sóc Trăng) trên cánh đồng mẫu lớn.
Trong khi cả nền nông nghiệp ở ĐBSCL đang loay hoay tìm lối ra, thoát cảnh phập phù được mùa mất giá thì Sóc Trăng mạnh dạn đưa những mô hình mới bên cạnh cây lúa truyền thống, ứng dụng khoa học kỹ thuật tăng hàm lượng “chất xám” trong nông sản ở những vùng đông đồng bào Khmer.
Bên cạnh việc dám nghĩ, dám làm của chính quyền địa phương, những nhân tố tích cực có vai trò quan trọng, làm “đầu tàu” kéo phum sóc đi lên.
Tỷ phú “lúa”
Nằm ngay trên địa bàn TP Sóc Trăng, Phường 5 có đến trên 60% là đồng bào dân tộc Khmer. Trong đó có nhiều tỷ phú “lúa”, sở hữu diện tích ruộng lên đến hàng trăm công. Đây cũng là địa bàn đã mạnh dạn ứng dụng mô hình cánh đồng mẫu lớn rất thành công.
Trong đó, ông Sơn Nưl (74 tuổi) được xem là một trong những nông dân đi đầu trong tiếp cận, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào ruộng đồng.
Ông Sơn Nưl gắn với bầy trâu, cánh đồng, cây lúa đã hơn nửa thế kỷ rồi. Đối với ông, cây lúa là một phần của cuộc đời, là cây “ăn chắc” và có thể làm giàu nếu biết cách làm ăn. Bước vào căn nhà rộng thênh thang của ông trông giống như hình mẫu của HTX nông nghiệp.
Phía trước sân là dãy nhà để chiếc máy gặt đập liên hợp trị giá hơn nửa tỷ đồng, 2 chiếc máy kéo. Kề bên là khu nhà kho, xưởng sửa chữa máy móc.
Người thợ phụ trách kỹ thuật, cũng chính là đứa trẻ nghèo trong xóm hồi xưa, ông nhận về nuôi cho ăn học, rồi cưới vợ cho, bây giờ trở thành người phụ việc đắc lực cho ông. Hồi xưa nhà ông lúc nào cũng nuôi 5- 6 đứa trẻ nghèo trong xóm như vậy.
Biết đến như một tỷ phú “lúa”, ông còn là người luôn quan tâm hỗ trợ về nhiều mặt cho những hộ nghèo trên địa bàn, như cho mượn đất sản xuất, hỗ trợ tre, lá cất nhà… Do đó, tiếng nói của ông luôn được bà con nghe theo.
Tuy nhiên, điều ông tâm đắc nhất là 2 trai và 2 gái của ông đều được học hành đến nơi đến chốn, có bằng đại học, những người dâu, người rể cũng giỏi giang, cũng có những công ty riêng, cũng có trong tay hàng chục hecta đất…
Không chỉ giỏi giang trong việc sản xuất, là nông dân sản xuất giỏi tiên tiến toàn quốc, ông còn nhiệt tình đến các vùng nông thôn xa xôi để truyền đạt kinh nghiệm, giới thiệu phân thuốc cho bà con nông dân. Trong đó, vài lần ông đã sang Campuchia để hướng dẫn bà con nông dân nước bạn kỹ thuật trồng lúa.
Nếu như Phường 5 có những tỷ phú từ cây lúa truyền thống thì cũng chính cây lúa đã biến vùng đất nhiễm phèn Lâm Tân thành những cánh đồng mẫu mà ít ai ngờ tới.
Về thăm xã nghèo Lâm Tân (huyện Thạnh Trị) với hơn 40% dân số là đồng bào Khmer, chúng tôi càng bị thuyết phục hơn.
Việc Lâm Tân đạt tiêu chí thu nhập trong bộ tiêu chí xây dựng nông thôn mới vào cuối năm 2013 được xem là một bất ngờ lớn. Thành công là nhờ làm tốt công tác tổ chức sản xuất và ứng dụng khoa học công nghệ.
Lâm Tân trước đây vốn là vùng nhiễm phèn nặng, nên sản xuất rất khó khăn, đất đai hoang hóa còn nhiều, đời sống người dân còn hết sức khó khăn. Tuy nhiên, khi hệ thống thủy lợi được hoàn thành, giúp tháo chua, rửa phèn, sản xuất lúa đã bắt đầu tăng lên 2 rồi 3 vụ trong năm.
Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Dạng cho biết: “Sau khi hoàn chỉnh hệ thống thủy lợi, đặc biệt là cống Bưng Côi, năng suất lúa bắt đầu tăng lên rõ rệt, các mô hình hợp tác trong sản xuất như: cánh đồng mẫu, tổ hợp tác, HTX... lần lượt ra đời, giúp sản xuất ngày càng hiệu quả và ổn định hơn”.
Bất ngờ con bò sữa
Một bất ngờ nữa là con bò sữa lại “đứng chuồng” được trong vùng nông thôn nghèo ở Sóc Trăng. Từ những con bò sữa ban đầu còn khá lạ lẫm với bà con Khmer, đến nay, con bò sữa đã trở thành một trong những vật nuôi chủ lực của tỉnh.
Triển vọng cho nghề nuôi bò sữa là rất lớn khi hiện tại khoảng cách cung- cầu vẫn còn khá lớn. Ít ai nghĩ rằng, một địa bàn có 2/3 đất đai nhiễm phèn mặn như Sóc Trăng lại có thể phát triển được nghề “vắt sữa bò”.
Vậy mà chỉ sau hơn 9 năm thử nghiệm, Sóc Trăng đã vươn lên trở thành một trong những địa phương có đàn bò sữa lớn trong khu vực ĐBSCL.
Trại bò của anh Sơn Hoàng.
Gia đình bà Kim Thị Sà Ranh (ấp Chắc Tưng, xã Văn Tài, huyện Trần Đề) đã gần 10 năm gắn bó với nghề này. Từ 1 con bò ban đầu giờ đã có đàn bò 7 con, trong đó có 3 con đang cho sữa và 4 con đang trong giai đoạn thúc ăn.
Vợ chồng bà quyết định chuyển hẳn 7 công đất ruộng sang trồng cỏ nuôi bò. Một trong những người thành công rực rỡ từ con bò sữa chính là tỷ phú Kim Ngỡ (ấp Tài Công).
Từ 2 bàn tay trắng quanh năm chỉ biết làm thuê, nhưng với 2 con bò được hỗ trợ năm 2007, nhờ chắt chiu tích cóp, giờ đây ông đã có hơn 3ha đất ruộng, 8 con bò sữa và một ngôi nhà khang trang trị giá hàng trăm triệu đồng.
Không chỉ am hiểu việc chăn nuôi bò sữa, ông Kim Ngỡ còn là lão nông thành thạo trong sản xuất nông nghiệp. Nhờ biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào đồng ruộng nên năng suất lúa của gia đình ông vụ nào cũng đạt trên 8 tấn/ha. Bình quân một năm gia đình ông Ngỡ thu nhập gần 500 triệu đồng từ các mô hình sản xuất.
Theo đánh giá của Sở Nông nghiệp- PTNT tỉnh Sóc Trăng, một trong những thành tựu quan trọng của nghề chăn nuôi bò sữa ở địa phương là công tác cải tiến và quản lý tốt nguồn giống bò sữa, thông qua việc tiếp cận công nghệ sản xuất, nhân giống bằng gieo tinh nhân tạo.
Phương thức và công nghệ chăn nuôi bò sữa cũng được cải tiến đáng kể thông qua hệ thống chuồng trại, vắt sữa, thu gom và bảo quản sữa, các vật tư kỹ thuật phục vụ nhân giống được tăng cường cho các địa phương.
Ông Lý Bình Can- Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sóc Trăng- đánh giá cao tính hiệu quả của nhiều mô hình, hình thức liên kết sản xuất trong những năm qua, đặc biệt là cánh đồng mẫu và HTX chăn nuôi bò sữa đã mang lại giá trị kinh tế cao, tăng thu nhập ổn định cho bà con.
Những mô hình này đang được nhân rộng trên những địa bàn có đông đồng bào Khmer. Phân tích sự thành công của những mô hình, ông Lý Bình Can cho rằng, nhờ có sự phối hợp chặt chẽ và đồng bộ giữa chính quyền, ban ngành, các nhà khoa học, ngân hàng, doanh nghiệp, nhằm hỗ trợ bà con về vốn, kỹ thuật, giống và đầu ra của nông sản.
Hợp tác xã nông nghiệp Evergrowth huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) có hơn 80% xã viên là người dân tộc Khmer, sau 3 năm thành lập với mô hình chăn nuôi bò sữa (Chính phủ Canada tài trợ không hoàn lại), hiện được đánh giá thành công và cho hiệu quả cao nhất, giải quyết việc làm cho nhiều người lao động. Từ 117 xã viên khi mới thành lập nay tăng lên 903 xã viên. |
Kỳ 4: Kỳ tích nông thôn mới
Bài, ảnh: NHÓM PV
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin