Ấm áp những tấm lòng thiện nguyện

Cập nhật, 15:12, Thứ Sáu, 23/05/2014 (GMT+7)

Với mong muốn tiếp sức cho hộ nghèo vượt qua khó khăn, những cá nhân cùng chung tấm lòng thiện nguyện đã kết hợp cùng Hội Chữ thập đỏ (CTĐ) địa phương tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa như bếp ăn từ thiện, mái ấm tình thương…

Cứ vào 10 giờ và 15 giờ mỗi ngày, những suất cơm được trao cho bệnh nhân nghèo.

Góp những tấm lòng

Chúng tôi gặp cô Võ Thị Bùi- hội viên tình nguyện của Hội CTĐ xã An Bình, đồng thời là nhóm trưởng bếp ăn từ thiện của Hội CTĐ tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long. Tuy mái tóc đã pha sương nhưng cô Bùi không ngại khó khăn cùng hội tổ chức một số hoạt động nghĩa tình, ấm áp dành cho người nghèo. Cô cho biết: “Ban đầu cô chỉ vận động các nhà hảo tâm góp tiền mua gạo cho bà con và các chùa. Sau đó vận động các hội viên tham gia nấu bếp ăn từ thiện, giúp đỡ được phần nào hay phần đó cho người bệnh khó khăn”.

Tham gia từ năm 2012 đến nay, cứ một tháng là nhóm bếp ăn của cô Bùi nhận nấu 3 ngày với chi phí là 6 triệu đồng. Tuy không nhiều nhưng giải quyết được một phần nào cơm cháo cho người nghèo, cơ nhỡ trong bệnh viện. Qua đó giúp bệnh nhân nghèo tiết kiệm phần nào chi phí lúc điều trị bệnh.

Chị Võ Thị Thanh- một phụ bếp trong nhóm của cô Bùi, cho biết: “Tham gia cùng nhóm mấy năm nay, tui cảm thấy được chung tay với mọi người giúp đỡ cho bà con nghèo, cùng san sớt khó khăn với họ là việc làm ý nghĩa”. Mang tâm trạng đồng cảm sâu sắc, chị Thanh cho biết hoàn cảnh gia đình lúc trước của chị rất khó khăn, thuộc diện hộ nghèo. Từ khi được Hội CTĐ xã giúp đỡ, hiện đã làm ăn vươn lên thoát nghèo, giờ chị ra công giúp đỡ lại người khác.

Còn cô Bùi chia sẻ: Qua các mục địa chỉ nhân đạo trên báo đài, cô thấy có ý nghĩa nên kết hợp cùng Hội CTĐ xã vận động một số y- bác sĩ ở quận Nhà Bè (TP Hồ Chí Minh) đến địa phương để khám chữa bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho bệnh nhân nghèo; vận động các Mạnh thường quân ủng hộ tiền xây nhà tình thương.

Anh Phan Văn Lấn- Chủ tịch Hội CTĐ xã An Bình cho biết: “Chúng tôi ghi nhận sự hoạt động tận tâm của những tấm lòng thiện nguyện trong thời gian qua. Bên cạnh đó, nhằm chú trọng vào việc nâng cao chất lượng cuộc sống người dân, trong quý I/2014, hội đã bàn giao 3 căn nhà tình thương cho các hộ nghèo”.

Niềm vui trong ngôi nhà mới

Niềm vui đã đến với cuộc sống các hộ nghèo từ khi có được những ngôi nhà ấm áp nghĩa tình. Tuổi đã ngoài 60, bà Cao Thị Huệ (ấp An Thạnh, xã An Bình) chưa từng nghĩ sẽ được sống trong một ngôi nhà khang trang.

Từ khi được Hội CTĐ xã bàn giao nhà tình thương, bà rất vui và không còn lo lắng. “Lúc trước mỗi khi trời mưa gió, tui sợ nhà sập lắm. Từ khi được hỗ trợ căn nhà, tui thấy thoải mái tinh thần mặc dù tuổi đã cao, bệnh tật nhiều. Rất cảm ơn chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho tui”- bà Huệ chia sẻ về hoàn cảnh của mình.

Do bị tật ở chân, không tiện đi lại nên công việc hàng ngày của bà Huệ là may vải vụn thành những miếng thảm, miếng nhắc nồi... Thu nhập không quá 10.000 đ/ngày nhưng đó cũng là thành quả lao động đáng quý của bà. Bà Huệ cho biết không còn cảm thấy phải sống phụ thuộc quá nhiều vào xã hội. Bên cạnh số tiền trợ cấp 300.000 đ/tháng, cuộc sống của bà đã phần nào vơi bớt
khó khăn.

Đối với hoàn cảnh của anh Phạm Văn Linh (ấp An Thới, xã An Bình), từ khi được trao tặng nhà tình thương, cuộc sống của anh đã thay đổi rất nhiều. Trò chuyện với chúng tôi, anh kể lại những tháng ngày gia đình 4 người phải sống trong căn nhà hay nói đúng hơn là cái chòi tạm bợ, xiêu vẹo. “Lúc trước phải đi làm mướn rồi ở đậu, sau nhờ hội hỗ trợ được căn nhà có chỗ che mưa che nắng cho con cái học hành nên tui cũng yên tâm làm ăn”- anh Linh chia sẻ.

Xác định khi có nhà mới, phải tìm một công việc gì đó để ổn định cuộc sống, anh Linh chọn cho mình nghề phụ hồ, vợ anh ở nhà vừa chăm sóc các con, vừa tận dụng khoảng trống trước sân để bán nước giải khát. Nguồn thu từ những công việc trên hoàn toàn giúp gia đình trang trải được cuộc sống.

Việc làm của những tấm lòng thiện nguyện dù không giúp được tất cả các hộ nghèo, nhưng nếu mỗi người cùng góp sức, cả xã hội cùng đồng lòng sẽ thay đổi được nhiều mảnh đời bất hạnh, phát huy truyền thống “lá lành đùm lá rách” của dân tộc.

Bài, ảnh: TẤN PHONG