Dần bắt nhịp với khu tái định cư

04:11, 06/11/2013

Hết rồi cảnh lội bì bõm trong nhà khi nước nổi, mỗi ngày nhìn từng mảng đất rơi xuống sông, sống giữa đô thị mà cứ nơm nớp sợ khi mưa giông gió lùa trong căn nhà xiêu vẹo, dột nát. Giờ đây nhiều hộ dân nghèo được ở trong những căn nhà mới khang trang, sạch sẽ, bắt đầu cho cuộc sống mới.

Hết rồi cảnh lội bì bõm trong nhà khi nước nổi, mỗi ngày nhìn từng mảng đất rơi xuống sông, sống giữa đô thị mà cứ nơm nớp sợ khi mưa giông gió lùa trong căn nhà xiêu vẹo, dột nát. Giờ đây nhiều hộ dân nghèo được ở trong những căn nhà mới khang trang, sạch sẽ, bắt đầu cho cuộc sống mới.


Nhiều công trình nhà ở đang xây dựng trong khu tái định cư.

“Có đất, có nhà… như mơ”

Sống trong những khu tái định cư hầu hết là người lao động nghèo, chật vật chạy từng bữa cơm, đến giấc ngủ đôi khi cũng không được yên vì lo mưa dầm, nước nổi. Có được miếng đất, rồi được vay vốn cất nhà, mỗi người không giấu được vui mừng “nằm mơ cũng chưa từng nghĩ có được nhà, đất của mình”.

Mới dọn nhà được 2 tuần, chú Lê Văn Ba- Khu vượt lũ (KVL) Phường 9 (TP Vĩnh Long) nói:

“Tôi chạy xe tải mấy chục năm rồi, lúc trước ở Khóm 1 bên Phường 3, nhà 6 người chỉ với 36m2 sát mé sông, đất lở vô gần tới nhà. Hễ trời mưa, nước lên là ngập hơn đầu gối, phải kê giường. Có khi ngủ quên, đồ đạc, quần áo ướt hết. Thấy đất lở, nước tràn là lo sợ. Sống vậy hơn 30 năm. Giờ có nhà cao ráo, sạch sẽ như vầy, mừng lắm, tưởng cả đời cũng không có được ngôi nhà như vậy”.

Còn cô Trần Thị Nhẫn- vợ chú Ba thì: “Nhờ nhà nước lo tận tình, gia đình tôi mới có được căn nhà như vầy. Mai mốt nhiều nhà dọn vô sẽ còn đông vui hơn nữa”. Bé Dương Kim Ngân- cháu ngoại cô chú loay hoay bên chồng tập vở liến thoắng: “Con thích nhà mới, sạch mát để sách vở vầy nè”.

Có quán nước nhỏ trước nhà, chị Trần Thị Mãi (KVL Phường 9) chia sẻ: “Chồng tôi bỏ đi gần 6 năm nay, một mình tôi gồng gánh nuôi 2 con. Lúc trước làm thuê, làm mướn kiếm sống qua ngày, nhà còn bị sập. Giờ có nhà, buôn bán nhỏ vầy là mừng lắm”.

Được đầu tư khá đầy đủ cơ sở hạ tầng, KVL Phường 8 (TP Vĩnh Long) được nhiều người đánh giá là nơi thích hợp để “an cư, lạc nghiệp”.

Mới đi chợ về, cô Ngọc Mai cho biết: “Lúc trước nhà tôi ở Phường 5, chật chội lắm. Cả gia đình 5 người chen chúc nhau ở. Giờ được có nhà ở đây, tôi lãnh đồ may, có thêm thu nhập”. Đường rộng, nhiều cây xanh, thêm vào đó công viên KVL Phường 8 vừa đưa vào sử dụng. Nhiều người dân cho biết “sáng nào hàng xóm cũng hú hí đi tập thể dục, vui lắm”.

Còn nặng gánh lo việc làm

Có nhà, có đất cho riêng mình đã là giấc mơ có thật của nhiều người dân nghèo. Tuy nhiên, vẫn còn trăn trở, bởi đa số người dân ở KVL là lao động nghèo, còn vướng nợ ngân hàng, nợ người thân tiền cất nhà. Bên cạnh đó, một số người tới KVL chưa có việc làm, phải làm lại từ đầu.

Hơn 60 tuổi mới có được căn nhà, cô Nguyễn Thị Kim Anh bảo rằng: “Lúc trước không có đất đai, nhà cửa gì hết. Ở đậu đất kế mé sông cất chòi, che bạt tạm”. Có nhà mới, cô “mừng dữ lắm và tiếp tục nhận sửa quần áo, mở quán nước nhỏ”. Tuy nhiên, cô mong: “KVL có nhiều người lên ở để bán được hàng, có thêm thu nhập. Vợ chồng tôi già rồi, đau bệnh luôn, đâu làm gì ra tiền nữa”.

 

Gần 5 giờ, nhiều người dân đã đến công viên khu vượt lũ Phường vui chơi


Căn nhà kế bên, gần 5 giờ chiều rồi mà vợ chồng anh Vũ Thanh Bình còn lúi cúi làm nhà- “tổ ấm” của gia đình anh. “Khi được cấp đất cất nhà, tôi mừng hơn trúng số độc đắc nhưng không có tiền nên cất từ tết đến giờ vẫn chưa xong. Bữa nào không ai thuê mướn làm gì thì… làm nhà. Tôi chỉ mong có việc làm, ổn định thu nhập”- anh nói.

Có việc làm ổn định cũng là mong ước của nhiều hộ dân trong những khu tái định cư của thành phố. Nói như cô Nguyễn Thị Bé (KVL Phường 8): “Tôi chỉ hi vọng chị em phụ nữ ở đây có việc làm, phụ gia đình chứ lên đây lâu rồi mà không làm gì ra tiền. Mấy lần chạy đi tìm việc làm nhưng xa quá, nguyên liệu thì không chở về nhà làm được”.

Ông Trương Minh Trí- Phó Chủ tịch UBND Phường 8 cho biết: Hiện Khu tái định cư Phường 8 có 486 hộ sinh sống, còn 30% đất công. Phần lớn các hộ đã có cuộc sống ổn định. Hệ thống chợ- trường- đường được đảm bảo, phường cũng vừa bàn giao công viên đưa vào sử dụng, tạo điều kiện cho người dân có nơi vui chơi giải trí.

Sắp tới chuẩn bị đầu tư xây trạm y tế để phục vụ người dân. Tuy vậy, đa số các hộ là gia đình khó khăn, lao động nghèo. Hàng năm, phường đều có mở các lớp đào tạo, dạy nghề, giới thiệu việc làm…

Chú Huỳnh Công Chấn (KVL Phường 8):

Nhà tôi lúc trước ở khu Xóm Chài, bị giải tỏa nên được đền bù và dời về đây. Lúc đầu, ở đây còn hoang sơ, cỏ mọc nhiều, vừa chưa quen vừa sợ. Nhưng giờ giao thông thuận tiện.

Nhiều nhà cất, vui hơn. Kể từ khi có công viên, tối người đi bộ nhiều, trẻ em có chỗ vui chơi. Chiều nào tôi ra công viên đi dạo với đứa cháu. Thấy vui vì cơ sở vật chất ngày càng hoàn thiện.

Chú Nguyễn Văn Long (KVL Phường 9):


Phường 9 hỗ trợ 30.000 đ/tháng tiền điện cho vợ chồng tôi. Tôi bệnh tim, không làm được việc nặng. Cứ nghĩ tới chết cũng không có được ngôi nhà như vầy. Chỗ này an ninh lắm, tối để đồ ở ngoài cũng không bị mất.

Chị Trần Thị Mãi (KVL Phường 9):


Tôi đang tìm nghề nào làm tại nhà để có thêm thu nhập, cho cuộc sống đỡ vất vả hơn. Phải chi được dạy nghề, hoặc được vay vốn để tôi mua cái máy may làm thêm tại nhà.

Bài, ảnh: THẢO NGUYÊN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh