Đô thị “đứng trân” nhìn triều cường

07:10, 23/10/2013

Người dân thị trấn Long Hồ luôn trong tư thế sẵn sàng “sống chung với nước”, vì mưa xuống, triều cường lên là nước ngập. Nhưng, con nước triều cường mấy ngày qua đột ngột tràn qua đường, nhảy vọt lên vỉa hè, tràn cả vào nhà, khiến người ở đô thị trở tay không kịp, cứ “đứng trân” nhìn nước.


Nhiều người trang bị xuồng để đi trên phố.

Người dân thị trấn Long Hồ luôn trong tư thế sẵn sàng “sống chung với nước”, vì mưa xuống, triều cường lên là nước ngập. Nhưng, con nước triều cường mấy ngày qua đột ngột tràn qua đường, nhảy vọt lên vỉa hè, tràn cả vào nhà, khiến người ở đô thị trở tay không kịp, cứ “đứng trân” nhìn nước.

Sống chung với triều cường

Ở thị trấn Long Hồ, chừng hơn 4 giờ, nước bắt đầu mấp mé QL53. Chỉ 15 phút sau, nước lỉnh bỉnh tới gần đầu gối. Đoạn cống Long An, nước sông kéo theo rác… đua nhau qua lộ. Tại đó, người thì xây “bờ kè mi ni”, người dùng cao su chặn, người thì đắp bao cát ngăn… nhưng cũng không ăn thua! Sau những “bờ bao” còn mới toanh, nước cũng “góp mặt sống chung” trong nhà.


Chị Trình Thị Vui (Khóm 2- thị trấn Long Hồ) nói: “Chừng 4- 5 giờ nước lên và “ở lại” tới hơn 3 tiếng đồng hồ mới rút. Từ năm rồi, gia đình tôi đã phòng bị xây thêm 1 cục gạch để chống nước tràn vô nhà. Năm nay xây thêm 1 cục gạch nữa rồi che chắn bên ngoài thêm, ai dè sóng vẫn đánh nước vào nhà mỗi khi xe lớn chạy ngang qua”.

Người lớn thì lo chống nước, còn trẻ con thì vô tư… hát, như bé Cao Trình Khả Ái- con gái chị Vui, thấy nước lên là hát: “Nước lên rồi, nước lại lên rồi”. Ở nhà ngập, còn “ở trường con cũng bị ngập quá chừng, con hổng dám lội vì thấy nước dơ mà đen nữa!”

Nước ngập không chỉ ảnh hưởng lớn đến đời sống, sinh hoạt, thu nhập của người dân. Nhiều cửa hàng, tiệm tạp hóa phải đóng cửa sớm để tránh nước tràn và vì … “hổng ai ghé mua”.

Mới hơn 5 giờ chiều, chị chủ quán ăn Lê Mai đã xếp bàn ghế chuẩn bị đóng cửa và than: “Bán gần 20 năm rồi mà chưa thấy năm nào nước lên nhanh và nhiều như năm nay. Nước lên là không bán buôn gì được hết. Bình thường là 5 giờ sáng dọn hàng bán, 10 giờ tối mới nghỉ, còn tháng nước lũ, sáng đợi nước rút tới 8 giờ mới bán được, chiều 5 giờ hối hả đóng cửa nghỉ rồi”.

Nhiều người dân cho biết, triều cường năm nay lên nhanh và cao hơn so với mọi năm, khiến nhiều người trở tay không kịp, bất lực đứng nhìn nước tràn vô nhà, ướt hết đồ đạc.

Đang căng tấm mủ cao hơn 1m để tránh sóng đánh vào nhà, cô Huỳnh Thị Tuyết Mai (Khóm 2- thị trấn Long Hồ) nói: “Dơ dữ lắm, đồ trong nhà kê lên hết mà cũng bị ngập. Cuối tháng 8 âl là nước bắt đầu lên rồi. Mỗi tháng ngập 2 lần: giữa và cuối tháng, ngập tới 6- 7 ngày”. Đang lúi húi dọn tiệm, chị Trần Thị Trúc Ngân- chủ tiệm game kế bên cũng nói: “Dọn hàng sớm chứ nước tràn vô, dây điện tùm lum nguy hiểm lắm. Tháng này coi như thất thu”.

Và… nước cống

Sống với triều cường đã đành, người đô thị còn phải e dè… nước cống “đen ngòm và hôi thối, chịu không nổi”- chị Vui bảo vậy. 2 ngày nay, cuộc sống của người dân đảo lộn. Bởi thị trấn Long Hồ có đến 2 điểm ngập nặng là trước UBND huyện và đoạn từ chợ thị trấn đến cống Long An, kéo dài hàng trăm mét.

Chỉ tay lên vỉa hè, chú Bùi Văn Hoàng (Khóm 1- thị trấn Long Hồ) cho biết: “Xe người đi đường chết máy hoài, nhờ xe ba gác chở tới tiệm sửa. Mấy hôm nay nước ngập nhiều hơn, có chỗ sâu gần cả mét”. Buổi sáng, nhà lồng chợ cũng bị ngập nặng, mấy tiểu thương trang bị thêm chiếc xuồng ba lá đẩy trên lộ để giao hàng cho dễ. Chiều nhiều người phải dọn hàng vô sớm.

 

Đang hì hục làm bờ bao che chắn nước tràn vào nhà, chú Nguyễn Văn Hưng (Khóm 5- thị trấn Long Hồ) cho biết: “Đâu ngờ nước tràn lên dữ vậy, có phòng trước cũng không kịp. Hôm trước, nước tràn vào bất ngờ quá, kê đồ lên không kịp, đành đứng chết trân”.

Chỉ tay vào bờ gạch xây chưa kịp khô, chú nói: “Bữa nay, nhà tôi đã xây thêm 5 tấc cũng còn mấp mé sóng đánh vào. Nước lên rồi sình bùn rác hùa nhau vào, hôi lắm. Không biết là chịu cảnh này đến bao giờ nữa”.

Để giúp người dân đỡ phần nào khó khăn khi nước lên, UBND thị trấn Long Hồ lập 2 chốt giúp người dân.

Phó Trưởng Công an thị trấn Long Hồ Nguyễn Hải Trân cho biết: Được sự chỉ đạo của Đảng ủy UBND thị trấn Long Hồ và Ban Phòng chống lụt bão thị trấn chỉ đạo cho công an thị trấn, lực lượng quân sự thị trấn và dân phòng thực hiện công tác giúp đỡ xe bị chết máy, lao chùi bu gi, dắt xe và phân luồng, hướng dẫn người dân đi đường tắt, lấy đá gia cố thêm và cắm báo hiệu ở những chỗ có ổ gà, ổ voi. Công tác này đã được triển khai nhiều năm nay.

Tại TP Vĩnh Long, nhiều đường, hẻm cũng trở thành sông. Chợ đêm Phường 1 cũng bị ngập trong sự ngỡ ngàng của nhiều tiểu thương. Đang mua quần áo, chị Trần Thị Kim Nga (đường Ngô Quyền, Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: Chợ đêm bị ngập tới gần đầu gối lận, mua đồ rất khó. Tui tranh thủ đi sớm để không bị ướt. Đường hẻm vào nhà lội đến đầu gối, còn trong nhà thì nước lên tới hơn mắt cá chân. Lội ra vô lỉnh bỉnh nước. Có che chắn nhưng nước vẫn tràn vô”.

Mùa nước lên, nhiều người dân ở phố phân bì vì giờ ở nông thôn khô queo, đi không dơ chân, ướt dép. Vậy mà ở phố nước lên đến đầu gối…

Phó Trưởng Công an thị trấn Long Hồ Nguyễn Hải Trân:

2 chốt ở Khóm 1 và Khóm 5 có gần 20 người. Tùy theo con nước mà đứng chốt gác, sáng từ 6- 9 giờ, chiều từ 4- 8 giờ tối. Hàng ngày có gần cả trăm xe bị chết máy được giúp đỡ.


Cô Nguyễn Thị Phương Hường (Khóm 5- thị trấn Long Hồ)
:


Nước lên là mệt mỏi dữ lắm, “làm kè” ngăn nước rồi lát lại dỡ ra cho xe chạy vào. Ngày nào, chừng 3 giờ lại “làm kè”, 10 giờ mới tháo, sáng 5 giờ dựng kè tới 8 giờ lại tháo ra. Cứ như vậy không làm ăn, buôn bán gì được hết. Tôi thấy mỗi năm nước ngập nhiều hơn. Mong các cơ quan chức năng có biện pháp khắc phục để đời sống tốt hơn.


Anh Tô Bảo Quốc- bán quần áo chợ đêm Phường 1 (TP Vĩnh Long)
:


Bán 6 năm nay nhưng chưa thấy năm nào nước ngập tới vậy. 2 hôm nay, nước ngập lội đến đầu gối. Buôn bán khó khăn lắm, người bán lẫn người mua đều tranh thủ mua nhanh, bán lẹ vì sợ nước lên, chừng hơn 8 giờ là hổng ai ghé mua nữa.

Bài, ảnh: THẢO LY

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh