“…Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm, qua bến bắc Cần Thơ…” - câu hát trong bài “Chiếc áo bà ba” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh nhắc nhớ một thời chỉ còn trong ký ức về bến bắc Cần Thơ ồn ã. Tuy không còn hình ảnh dòng xe nối nhau xuống phà hối hả như trước, nhưng khu bến bắc (nay thuộc Khóm 2, Khóm 3- phường Thành Phước) đang mở ra triển vọng một đô thị thanh bình bên bờ sông Hậu.
Điểm họp chợ mới tại Khóm 2 (phường Thành Phước) tạo điều kiện mua bán cho nhiều hộ dân tại khu vực bến phà cũ.
“…Em đi mau kẻo trễ chuyến phà đêm, qua bến bắc Cần Thơ…” - câu hát trong bài “Chiếc áo bà ba” của nhạc sĩ Trần Thiện Thanh nhắc nhớ một thời chỉ còn trong ký ức về bến bắc Cần Thơ ồn ã. Tuy không còn hình ảnh dòng xe nối nhau xuống phà hối hả như trước, nhưng khu bến bắc (nay thuộc Khóm 2, Khóm 3- phường Thành Phước) đang mở ra triển vọng một đô thị thanh bình bên bờ sông Hậu.
Khi không còn bến bắc
Bà Hà Thị Nhỏ- bán tạp hóa tại đường dẫn xuống bến phà cũ (Khóm 2- phường Thành Phước), cho biết: “Lúc bến phà còn hoạt động, tui bán trái cây cho khách vãng lai, rồi phà nghỉ tui bán nước giải khát gần cầu Cần Thơ nhưng bị đuổi mấy lần nên tui mở tiệm bán tạp hóa luôn nhưng không thuận lắm, do ít khách”.
Còn dì Năm- chủ quán cơm (Khóm 3- phường Thành Phước) cũng nhớ lại: Trước còn phà nên khách đông, buôn bán được lắm. Giờ thì lượng khách vãng lai không nhiều nên không còn xôm tụ như trước. Nhưng với quán cơm này, vẫn cho thu nhập ổn định nên dì vẫn bán cho đến giờ.
Theo ông Nguyễn Minh Phương- Chủ tịch UBND phường Thành Phước, sau khi cầu Cần Thơ được thông xe, bến phà ngừng hoạt động thì cuộc sống của những hộ dân buôn bán nhờ bến phà có phần bị xáo trộn.
Để sắp xếp lại, chính quyền địa phương đã tạo mọi điều kiện để người dân mua bán tiếp. Số hộ còn lại được hỗ trợ vốn chuyển đổi ngành nghề hoặc giới thiệu việc làm. Đến nay, những hộ nghèo, khó khăn đã được giải quyết ổn thỏa, cuộc sống của người dân đã vào nề nếp và dần ổn định.
Cũng cần ghi nhận sau khi phà ngưng hoạt động, tình hình an ninh trật tự không còn phức tạp, vệ sinh đường phố có chuyển biến tốt, góp phần quan trọng vào việc chỉnh trang đô thị.
Bởi lúc trước rất khó quản lý, không riêng tại khu vực bến bắc, khu chợ tự phát dưới dốc cầu Dầu cũng là một trong những điểm “nghẽn” với tình trạng lấn chiếm vỉa hè, lòng đường ở khu buôn bán không đảm bảo mỹ quan đô thị, cảnh quan môi trường cũng như an toàn giao thông.
Ông Nguyễn Minh Phương nhận định: Tuy có chút xáo trộn khi phà ngừng hoạt động nhưng từ khi cầu Cần Thơ thông xe đã mở ra một cơ hội giao thương, hướng phát triển mới cho phường Thành Phước nói riêng và cả những vùng lân cận.
Bên cạnh đó, việc chấp thuận cho bến phà ngang hoạt động đã giải quyết kịp thời nhu cầu của người dân buôn bán, trao đổi hàng hóa cũng như việc đi lại giữa hai bờ thuận tiện hơn.
Nếp sống đô thị mới đang hình thành
Để lập lại trật tự đô thị, đảm bảo hè thông đường thoáng, phường đã vận động khoảng 50 hộ buôn bán lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường dưới dốc cầu Dầu di dời đến điểm bán ở khu chợ tạm thuộc Khóm 2.
Tuyến dân cư Khóm 1 khá sôi động với những dãy nhà mới |
Có nhà ngay tại điểm họp chợ tạm, bà Mỹ Phượng (Khóm 2- phường Thành Phước) phấn khởi: “Từ khi dời điểm họp chợ về trước nhà, tôi cũng mở tiệm bán gạo, bán lai rai cũng đỡ lắm, có đồng ra đồng vô. Ở đây có sẵn mặt bằng lại sạch sẽ, vệ sinh hơn. Người dân quanh đây ai cũng mừng vì có thêm điểm buôn bán, tuy không như lúc trước nhưng có thêm thu nhập thì sống khỏe hơn”.
Ông Nguyễn Văn Thiên- Phó trưởng Phòng Quản lý đô thị TX Bình Minh, cho biết: Với quyết tâm lập lại trật tự đô thị, tháo dỡ giải tỏa nhà tạm bợ, bảng hiệu, hàng rào, nhà kiên cố vi phạm trật tự đô thị, lấn chiếm vỉa hè, lòng lề đường… đến nay, địa phương đã giải quyết được 95% các trường hợp vi phạm và đang tiếp tục thực hiện.
Người dân cũng dần có nhận thức hơn, nhiều trường hợp qua phổ biến tuyên truyền vận động đã tự động tháo dỡ. Thời gian qua, Phòng Quản lý đô thị kết hợp với UBND phường Thành Phước khảo sát di dời các hộ mua bán lấn chiếm hành lang an toàn giao thông đường bộ trước chợ Cầu Dầu và đường xuống bến phà cũ, tháo dỡ các công trình lấn chiếm trên QL1, QL54 thuộc phường Thành Phước, phường Cái Vồn và xã Thuận An.
Kết quả: đã phát quang 120 cây các loại, tháo dỡ 18 nhà kiên cố, 52 hàng rào kiên cố, 176 mái che và 68 biển báo. Qua đó tạo bộ mặt sáng- xanh- sạch- đẹp cho đô thị mới bên bờ sông Hậu. Ông Thiên vui vẻ nói: “Người dân đã dần nâng cao ý thức, cảnh quan đô thị Bình Minh đã có sự chuyển biến tích cực, lòng đường, hè phố ngày một trở nên thông thoáng, sạch đẹp hơn.
+ Ông Nguyễn Minh Phương- Chủ tịch UBND phường Thành Phước:
Điểm họp chợ mới tại Khóm 2 dự kiến tồn tại đến năm 2014, trong khi chờ khu chợ tại tuyến dân cư Khóm 1 hoàn thành sẽ bố trí các hộ vào buôn bán. Việc di dời này trước mắt giải quyết được tình trạng buôn bán lấn chiếm tại chợ Cầu Dầu, đồng thời cũng tạo điều kiện để vực dậy không khí mua bán tại khu vực bến phà cũ một thời sôi động.
+ Cô Mỹ Phượng (Khóm 2- phường Thành Phước):
Tôi thấy nhiều người bán lấn ra cả lề đường dưới dốc cầu Dầu rất nguy hiểm, lại gây mất vệ sinh, mùa mưa là nước thải tràn ra lộ. Từ khi có điểm họp chợ mới, người dân ở đây mừng lắm, vì buôn bán sẽ thuận lợi hơn. Sau buổi họp chợ sáng, người dân lại cùng tiểu thương dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo vệ sinh môi trường. + Cô Hà Thị Nhỏ (Khóm 2- phường Thành Phước):
Gần 2 tháng nay, chợ dời về đây tui bán đỡ hơn. Mong sao có nhiều tiểu thương vô chợ này bán cho khách đông hơn. |
Bài, ảnh: LÊ SƠN- THẢO NGUYÊN
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin