Gác ước mơ vào đại học, làm nông dân giỏi

12:09, 20/09/2013

Từ bỏ ước mơ vào giảng đường đại học, anh Nguyễn Thanh Hiệp (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) quyết định phụ giúp gia đình nuôi các em ăn học. Bằng tinh thần chịu khó, chí thú làm ăn, anh đã đưa kinh tế gia đình ngày càng đi lên…


Từ bỏ giảng đường đại học, anh Hiệp luôn hăng say lao động, chí thú làm ăn.

Từ bỏ ước mơ vào giảng đường đại học, anh Nguyễn Thanh Hiệp (xã Mỹ Lộc- Tam Bình) quyết định phụ giúp gia đình nuôi các em ăn học. Bằng tinh thần chịu khó, chí thú làm ăn, anh đã đưa kinh tế gia đình ngày càng đi lên…

Chúng tôi đến thăm mô hình kinh tế của anh Hiệp khi anh vừa vinh dự đạt giải Lương Định Của năm 2013 của Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh.

Anh Hiệp tuổi chưa đến 30 nhưng trông “dày dạn nắng sương” đồng ruộng. Không giấu niềm vui, anh chia sẻ:
 
“Tôi nghĩ mình làm kinh tế là chỉ lo phụ giúp gia đình nuôi các em ăn học. Lúc nào tôi cũng lao động, làm việc hết mình chứ có nghĩ mình được nhận giải thưởng thanh niên sản xuất giỏi đâu. Khi có thông báo đạt giải, tôi thấy vui lắm”.

Theo chân anh tham quan ruộng lúa giống chất lượng cao đang chuẩn bị vào mùa thu hoạch. Dưới ánh nắng vàng buổi sáng, những bông lúa oằn sai trĩu hạt hứa hẹn một vụ mùa bội thu. Anh cho biết trước đây anh thích làm luật sư nên sau khi tốt nghiệp THPT, anh đăng kí thi đại học luật.

Nhận giấy báo trúng tuyển, chàng trai trẻ này lại quyết định gác đường học vấn, ở nhà phụ cha mẹ nuôi các em ăn học. Bởi lúc đó kinh tế gia đình anh còn khó khăn, cha mẹ lớn tuổi mà phải gồng gánh nuôi 5 đứa con. “Tuy buồn nhưng tôi nghĩ đại học không phải là con đường duy nhất”- anh tâm sự.

Từ đó, anh bắt tay vào đỡ đần công việc gia đình và “tập tành” làm kinh tế. Lúc đầu, chưa có kinh nghiệm làm nông nên anh mua 1 con bò nuôi vỗ béo thử nghiệm. Qua 4 tháng chăm sóc, anh thu lãi 4 triệu đồng. Từ hiệu quả này, anh tiếp tục nhân rộng mô hình. Hiện tại, mỗi năm anh nuôi 7- 8 con bò vỗ béo, lợi nhuận gần 30 triệu đồng. Chưa kể anh còn nuôi thêm 5 con bò cái sinh sản.

Thấy 9.000m2 đất ruộng gia đình trồng lúa thu nhập không cao, anh luôn trăn trở, tìm tòi trên sách báo, tham gia các lớp tập huấn sản xuất để tìm mô hình kinh tế mới hiệu quả. Lúc đó, xã triển khai mô hình sản xuất lúa giống chất lượng cao cung ứng cho thị trường. Nhận thấy mô hình này khả quan nên anh mạnh dạn áp dụng.

Ban đầu, gặp không ít khó khăn về cách chăm sóc, phòng ngừa sâu bệnh, nhưng nhờ chịu khó học hỏi mà mỗi vụ anh lãi gần 30 triệu đồng, mỗi năm làm 3 vụ thì con số này không hề nhỏ. Tính cả chăn nuôi, anh có tổng thu trên 110 triệu đồng mỗi năm.
 
“Là Bí thư chi đoàn ấp, tôi thấy mình cần phát huy vai trò xung kích. Không chỉ giúp gia đình cải thiện kinh tế mà còn góp phần vào sự phát triển của địa phương”- anh nói.

Bí thư Xã Đoàn Huỳnh Minh Lý cho biết: “Không chỉ là cán bộ Đoàn siêng năng, làm kinh tế giỏi mà anh Hiệp còn giúp đỡ bà con trong sản xuất như lên lịch thời vụ, hợp đồng máy cắt... Anh làm việc nhiệt tình và trách nhiệm nên ai cũng quý mến”.

Có dịp trò chuyện và nghe anh chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế cũng như phương châm làm việc, chúng tôi thấy anh xứng đáng được nhận phần thưởng cao quý ấy. Dù mô hình kinh tế của anh quy mô chưa lớn, song sự cần cù, chịu khó và tinh thần trách nhiệm của chàng trai này mới là điều đáng học hỏi.
 
Xin mượn lời nhắn nhủ của anh thay cho lời kết: Thanh niên phải dám nghĩ, dám làm, có ý chí vươn lên làm giàu chính đáng thì nhất định sẽ thành công.

Bài, ảnh: CẨM HUỆ

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh