Vô hẻm đụng... gờ giảm tốc

06:08, 28/08/2013

Với mong muốn xe máy vô hẻm giảm tốc độ, giảm tai nạn giao thông, tại một số con hẻm, người dân xây các gờ bê tông nhô lên khỏi mặt đường theo kiểu gờ giảm tốc (GGT). Việc làm này có người đồng tình nhưng cũng không ít người cho là bất tiện!


Nhiều xe máy phải ép sát vào lề né gờ giảm tốc.

Với mong muốn xe máy vô hẻm giảm tốc độ, giảm tai nạn giao thông, tại một số con hẻm, người dân xây các gờ bê tông nhô lên khỏi mặt đường theo kiểu gờ giảm tốc (GGT). Việc làm này có người đồng tình nhưng cũng không ít người cho là bất tiện!

Thời gian gần đây, tại một số con hẻm ở Khóm 4 (Phường 2- TP Vĩnh Long) xuất hiện các GGT. Đây là cách làm của Ban nhân dân Khóm 4 nhằm hạn chế tốc độ môtô, xe máy qua khu vực này.

Người dân nơi đây cho biết, do là khu vực đông dân cư và có khá nhiều nhà trọ sinh viên nên các xe máy ra vào thường xuyên. Đáng ngại nhất là vào ban đêm, nhiều thanh thiếu niên phóng xe máy bạt mạng, vô hẻm nhưng vẫn chạy tốc độ cao nên thường xảy ra tai nạn.

Từ mối lo ngại này, Ban nhân dân Khóm 4 đã lấy ý kiến người dân, đồng thời vận động góp tiền để xây dựng những GGT nhằm hạn chế tai nạn.

Theo ông Đậu Xuân Quy- Tổ Trưởng Tổ Mặt trận Khóm 4, khi vận động, nhiều hộ dân đã đồng tình và đóng góp được trên 500 ngàn đồng. Số tiền này được dùng để mua xi măng và trả tiền nhân công, riêng cát, đá thì khóm đã có sẵn nên tận dụng để tiết kiệm chi phí. Do chưa có kinh nghiệm nên ban đầu những GGT được xây hơi lớn và cao, song những cái sau đó đã được điều chỉnh lại nhỏ, gọn hơn. Từ khi xây dựng GGT, các vụ va chạm xe được hạn chế đáng kể.

Bà Trần Mỹ Hồng- Trưởng Khóm 4 cho biết: Qua lấy ý kiến và được người dân đồng tình, ban đầu khóm đã xây dựng thí điểm một vài GGT tại các đoạn hẻm thường xảy ra tai nạn, nhất là những điểm giao nhau.

Thấy có hiệu quả trong việc hạn chế tai nạn giao thông, Ban nhân dân Khóm 4 xin ý kiến của UBND Phường 2 để nhân rộng cách làm này. Chi phí để xây dựng GGT đều do người dân tự nguyện đóng góp.

Ông Nguyễn Thanh Hùng- Chủ tịch UBND Phường 2 cho biết: Sau khi được Ban nhân dân Khóm 4 xin ý kiến xây dựng các GGT, UBND phường đã có đến khảo sát. Lúc đầu, các GGT còn cao và kích thước lớn, chưa được mỹ quan nên yêu cầu xây gọn hơn để không cản trở giao thông. Thời gian qua, phường cũng chưa nhận được ý kiến phản ánh nào từ phía người dân về sự bất tiện của việc làm này.

Không riêng Khóm 4, dọc theo tuyến đường Lê Thái Tổ (Phường 2), tại đầu một số con đường nhỏ và hẻm như: đường Lê Thị Hồng Gấm, đường Ngô Quyền, hẻm Cây Khế,… cơ quan chủ quản đã cho xây những gờ cao.

Thời gian đầu, các gờ này được xây khá cao nên một số xe tay ga qua đây thường bị cọ lườn, sau đó các gờ này đã được sửa lại, tạo độ dốc để xe qua lại dễ dàng hơn. Tuy nhiên, vào mùa mưa, những gờ này vô tình trở thành “bờ bao” bí nước khiến cho các con hẻm không rút nước kịp gây ngập cục bộ. Tình trạng này đã gây nhiều phiền toái cho người dân.


Gờ giảm tốc tại đầu đường Lê Thị Hồng Gấm (Phường 2) đã được tạo độ dốc để xe cộ qua lại dễ dàng hơn nhưng thường gây ngập cục bộ.

Một cách làm khác, tại điểm giao thuộc Hẻm 146 (khóm Nguyễn Thái Học- Phường 1), một người dân còn cho đặt cả chậu kiểng ngay ngã tư con hẻm, để các phương tiện hạn chế tốc độ khi qua đây. Theo một số hộ dân, tại điểm giao này thường xuyên xảy ra va chạm xe. Từ khi có “vòng xuyến” thì tai nạn cũng giảm nhiều.

Xuất phát từ mong muốn giảm tai nạn giao thông, đảm bảo cho việc đi lại trong hẻm được an toàn nên các GGT hay “vòng xoay” bất đắc dĩ cũng có thể xem là sáng kiến nhưng việc làm này cần được sự chấp thuận của cơ quan quản lý cũng như hướng dẫn của ngành chuyên môn.

Bởi GGT có tác dụng chủ yếu là cảnh báo người đi đường chạy chậm lại chứ không phải để cản trở giao thông. Việc xây những GGT không theo quy chuẩn nào đôi khi có tác dụng ngược như tạo tiếng ồn, cản trở giao thông, gây tai nạn, làm hư hỏng phương tiện… Do đó, ngành chuyên môn cần hướng dẫn các địa phương cách xây GGT đúng chuẩn nhằm phát huy tác dụng.

Ông Nguyễn Văn Phước (Khóm 4, Phường 2): Vào ban đêm, nhiều xe máy vào đây chạy rất nhanh nên rất nguy hiểm. Đã có nhiều tai nạn xảy ra do xe phóng quá nhanh. Theo tôi, xây các GGT là rất cần thiết để khi xe vào trong hẻm thì chạy chậm lại để đảm bảo an toàn chung.

Ông Bạch Văn Đạm (Khóm 4, Phường 2): Ở đây, có nhiều hẻm thông nhau, đường lại nhỏ nên xây GGT để đảm bảo an toàn. Tôi đồng tình với việc làm này, nếu cần thiết thì xây thêm ở những nơi chưa có, đặt biệt là các ngã tư.

Bà Nguyễn Thị Kiều Oanh (Khóm 4, Phường 2): Đường đi đang thông thoáng tự nhiên xây những GGT rất phiền phức và mất mỹ quan, xe chạy ngang qua gây tiếng ồn nghe rất nhức đầu. Chưa kể khi xe chở trẻ nhỏ, người già, người bệnh qua đây rất bất tiện, không an toàn. Do đó, tôi đề nghị dỡ bỏ để đường thông thoáng, đi lại thuận tiện hơn.

Ông Nguyễn Hoàng Khang (Khóm 4, Phường 2): Những gờ này xe tay ga qua lại bị vấp một cái là chao đảo, có khi té ngã nữa. Đường đang láng ngon ơ, bỗng xây những đường ngang lục cục không đẹp mà lại còn nguy hiểm.

Ông Nguyễn Văn Sân- Đội trưởng Đội Thanh tra đường bộ VI- 07 (Thanh tra Tổng cục Đường bộ Việt Nam ):

Trên các tuyến đường, ngành giao thông làm GGT bằng sơn gồ lồi nhô lên khỏi mặt đường khoảng 1cm để xe giảm tốc độ khi vào khu dân cư hoặc những giao lộ. Những sơn gồ này phải được thực hiện đúng thiết kế và phê duyệt. Còn những gờ quá cao trong hẻm thì có thể được xem là chướng ngại vật. Hơn nữa, trước khi làm phải có thẩm tra xem có phù hợp và đúng kỹ thuật chứ không thể tùy tiện làm.

Đặc biệt hơn, việc làm tùy tiện khi có xảy ra tai nạn do vật cản sẽ tự chịu trách nhiệm; như trường hợp một hộ dân ở Hẻm 146 (khóm Nguyễn Thái Học- Phường 1) đặt chậu hoa làm “vòng xoay” (ảnh) là tự ý làm vật cản, khi có xảy ra tai nạn do vật cản này gây ra thì người đặt phải chịu trách nhiệm.

Bài, ảnh: HÙNG HẬU- LÊ SƠN

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh