Những đứa trẻ sống chung với "hắc"

10:08, 30/08/2013

Đó là những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ là đa số các em không những nghèo khó, mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ mà còn đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS ("hắc") và không biết cuộc sống sẽ kéo dài được đến bao lâu.

Đó là những đứa trẻ được sinh ra và lớn lên trong những hoàn cảnh rất đặc biệt. Đặc biệt ở chỗ là đa số các em không những nghèo khó, mồ côi cha, mẹ hoặc cả cha lẫn mẹ mà còn đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS ("hắc") và không biết cuộc sống sẽ kéo dài được đến bao lâu.

Nhiệm vụ của chúng tôi là đi đến tận nhà những đứa trẻ nhiễm HIV/AIDS đang được quản lý để thăm hỏi, tư vấn về sức khỏe; về kiến thức phòng, chống HIV/AIDS; giới thiệu tiếp cận các dịch vụ chăm sóc điều trị cho trẻ.

Đồng thời tìm hiểu nắm rõ hoàn cảnh sống của từng trẻ để có thể giúp đỡ được phần nào trong cuộc sống nhằm an ủi và làm giảm đi nỗi bất hạnh cho các em.

Chi đoàn Báo Vĩnh Long đã vận động tiền, quà và phối hợp cùng Trung tâm Phòng, chống HIV/AIDS và các Mạnh thường quân tổ chức vui chơi, phát quà cho các trẻ không may mắn.


Có những hoàn cảnh khi chứng kiến thực tế rồi lòng xót xa vô hạn, vì ước mơ các em vẫn trong trẻo, chưa hề bị vẩn đục dù nỗi đau đớn nhức nhối từ căn bệnh thế kỷ đang âm thầm hiện hữu. Như trường hợp của em P.T.P. ở TX Bình Minh.

Cả cha lẫn mẹ em đều chết do AIDS, hiện em đang sống chung với bà ngoại đã 64 tuổi. Em học lớp 5, năm lớp 4 em là học sinh giỏi.

Có lẽ do sức khỏe không được tốt nên kết quả học kỳ I năm học vừa qua chỉ đạt loại khá. Khi chúng tôi hỏi “ước mơ của em là gì” thì em hồn nhiên trả lời: “Muốn học giỏi, sau này làm bác sĩ để chữa bệnh và chăm sóc cho bà ngoại”.

Trường hợp của em N.V.C. (học lớp 1) ở huyện Bình Tân thì làm nhiều người ngùi ngùi xúc động, vì trong trái tim bé nhỏ ấy là một tình cảm lớn, đong đầy hiếu thảo.

Mẹ mất do AIDS, cha bỏ đi. Em được ông nội năm nay đã 68 tuổi nuôi dưỡng. Ông cũng không lành lặn gì (bị cụt một chân) nhưng vẫn cố gắng kiếm tiền để hai ông cháu đắp đổi qua ngày. Buổi sáng, em cắp sách đến trường, đầu giờ chiều thì đi bán vé số cùng ông nội đến 9 giờ tối.

Ông nội em vui vẻ kể: “Bây giờ, hai ông cháu tui sống không thể nào thiếu vắng nhau được. Có lần ông cháu vui đùa, tui hỏi “con có thương ông hông?” Câu trả lời của cháu làm tui vui lắm: “Thương nhiều lắm chớ, thương ông ở trong tim lận”.

Tui hỏi: “Nếu mai mốt ông chết, rồi con sống ra sao?” Lần này cháu trả lời làm tui muốn rớt nước mắt: “Thì con cũng đi lấy vé số về bán để sống”. Mặc dù còn nhỏ, nhưng em cũng rất ý thức trong việc uống thuốc ARV (thuốc điều trị kháng virus HIV).

Mỗi khi đến giờ uống thuốc, ông nội chỉ cần nhắc “tới giờ làm công chuyện rồi nhe con” là em đã hiểu và tự động đi lấy thuốc uống.

Là con gái, nên B.T. ở Long Hồ có vẻ nết na thùy mị. Cha chết do AIDS, mẹ nhiễm HIV đã bỏ đi lấy chồng khác. Em học lớp 4, đang sống chung với bà nội. Khi chúng tôi hỏi về kết quả học tập thì em vui vẻ trả lời: “Học kỳ I và giữa học kỳ II năm nay con đạt học sinh giỏi.

Trong lớp, con là lớp trưởng, cô giáo rất thương con”. Tôi hỏi: “Vậy con sẽ học như thế nào để được các cô, chú thưởng?” Em trả lời: “Con sẽ cố gắng học đạt loại xuất xắc, để được các cô chú tới thăm và tặng quà”.

Năm 2012, thấy hoàn cảnh của em khó khăn không có xe đi học, tính tình ngoan hiền, dễ thương lại học giỏi nên chúng tôi đã vận động nhà hảo tâm tặng cho em chiếc xe đạp. Em nhận xe mà mừng vui đến rưng rưng nước mắt.

Khi hỏi đến ông nội của em, thì vẻ mặt đượm buồn lại man mác trên gương mặt trẻ thơ. Em nói: “Ông nội đã bỏ bà nội con đi theo người khác cả năm nay rồi”.

Hoàn cảnh của bé T.L., năm nay 9 tuổi ở một xã của TP Vĩnh Long thì trong cái rủi cũng còn cái may. Đó là em vẫn còn đủ cha mẹ, dù họ đều bị nhiễm HIV và có được người chị gái 12 tuổi không bị nhiễm HIV. Nhưng kinh tế gia đình thì thuộc diện hộ nghèo.

Lúc chúng tôi đến, em đã nhận ra người quen, bởi chúng tôi thường hay tổ chức vui chơi và tặng quà cho các em trong dịp lễ, tết. Hiện em chưa được đi học vì chưa làm được giấy khai sinh. Khi tôi hỏi: “Con có thích đi học không?” thì em nhanh nhảu trả lời “Dạ con thích được đi học lắm”.

Có một điều làm cho chúng tôi cũng bất ngờ và lo lắng cho sức khỏe của trẻ em nhiễm HIV, cụ thể là trường hợp của bé T.K. Gia đình thuộc hộ nghèo, nhà gần như ở trung tâm của TP Vĩnh Long mà không có nước máy để sử dụng, phải lấy nước từ một con kinh nhỏ được dẫn vào thông qua một ống cống từ nhánh sông Long Hồ.

Nước chỉ được lóng phèn chứ không có bột xử lý. Trong khi đa số các trẻ bị nhiễm HIV/AIDS thường hay bị tiêu chảy, ghẻ lở ngoài da, vì thế tình trạng sức khỏe của bé T.K. sẽ bị xấu hơn nếu như không có được nguồn nước sạch để sử dụng.

Trong thực tế, còn khá nhiều những hoàn cảnh bất hạnh từ các trẻ nhiễm HIV/AIDS mà chúng tôi chỉ nêu ra đây một vài trường hợp để cùng hiểu, thông cảm và không kỳ thị các em.

Bởi các em chỉ là những đứa trẻ hồn nhiên, ngây thơ và vô tội không may bị nhiễm HIV do người lớn có những giây phút sa ngã, những hành vi thiếu suy nghĩ, không tự chủ được bản thân nên đã để lại những hậu quả nặng nề. Cuộc sống của các em chưa biết là sẽ kéo dài được đến bao lâu.

Có lẽ đây là một sự đau đớn, một nỗi buồn vô hạn, mà trước hết là các bậc cha mẹ, người thân trong gia đình của các em và sau đó là những người đã từng và hiện đang tham gia vào công tác phòng, chống HIV/AIDS như chúng tôi.

Vì thế, chúng ta hãy cùng nhau tạo điều kiện giúp đỡ, hỗ trợ cũng như là đem đến những niềm vui của tuổi thơ cho các em trong khả năng của mình để góp phần làm giảm đi phần nào những nỗi bất hạnh trong cuộc sống của trẻ em nhiễm HIV/AIDS.

Bài, ảnh: L. VŨ

Đường dây nóng: 0909645589.

Phóng sự ảnh