Nỗi lo tai nạn thương tích cho trẻ dịp hè

10:07, 12/07/2013

Mùa hè- mùa vui của các bạn nhỏ. Song, hè về là số lượng trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT) lại tăng. Phần lớn do sự bất cẩn, chủ quan của người lớn, cũng như việc thiếu sân chơi cho trẻ.

Mùa hè- mùa vui của các bạn nhỏ. Song, hè về là số lượng trẻ em bị tai nạn thương tích (TNTT) lại tăng. Phần lớn do sự bất cẩn, chủ quan của người lớn, cũng như việc thiếu sân chơi cho trẻ.

Ẩn họa rình rập trẻ

Chúng tôi đến Khoa Ngoại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long, thấy có khá nhiều trẻ em đang điều trị tại đây do TNTT. Chị Phan Thị Thanh Hương (xã Phú Quới- Long Hồ), ngồi quạt mát cho con trai- Phùng Đăng Khoa (5 tuổi) đang ngủ.

Thi thoảng, chỉ cầm nhẹ bàn tay trái đang được bó bột xem các ngón tay của em có bị tím không. Chị tâm sự: “Sau nhà có cây ổi, thằng nhỏ hiếu động trèo, tui thấy kêu con xuống.


Chị Thanh Hương xót xa khi con nghịch trèo cây té gãy tay.

Nó liến khỉ phóng từ trên cây xuống (khoảng hơn mét rưỡi). Ai dè, dưới nền đất có ống gạch bể ghim dưới đất, té xuống trúng…Con ôm tay khóc quá trời, tui chở vô bệnh viện cấp cứu thì mới biết con bị gãy tay”.

Nằm phòng kế bên, bé Nguyễn Hữu Đăng (2 tuổi, xã Hiếu Thành- Trà Ôn) hồn nhiên chơi đồ chơi với mẹ.

Nhìn ngón tay của con bị băng, chị Trúc Quyên xót xa: “Thằng bé hiếu động lắm, đang ăn cơm tuột xuống không chịu ăn, cái ổ cắm điện cũng vừa tầm tay, nó đưa ngón tay vào ổ bị điện giật, cháy ngón tay luôn”.

Rồi chị tiếp lời: “Sanh con ra lành lặn, ai ngờ chỉ một chút sơ sẩy thì con bị tật suốt đời. Ngón tay bị bỏng điện hoại tử phải tháo khớp…Về nhà tui kêu thợ đi lại đường dây điện, mấy ổ điện phải tuyệt đối xa tầm tay trẻ nhỏ mới an toàn. Giờ mình biết đã muộn nhưng phải làm để tránh tai nạn về sau.”

Trẻ em được chở bằng xe máy mà không đội nón bảo hiểm, không cài dây an toàn hoặc vì sự ôm giữ lỏng lẻo của người lớn mà trẻ nhoài người ra ngoài và tai nạn xảy ra. Em V.T.P. (4 tuổi) bị tai nạn giao thông.

Chị T. hối hận: “Do chủ quan, tui chở cháu mà không đội nón bảo hiểm cho cháu. Bị xe quẹt, cháu té may mà chỉ bị xây xát, may mấy mũi vùng trán. Không biết cháu tui có bị sẹo không, tui hối hận dữ lắm”.

Còn bé Phan Võ Ngọc (12 tháng tuổi, xã Phú Quới- Long Hồ) đang ngồi ăn bánh với mẹ, thấy bác sĩ mặc áo bluose trắng, bé khóc đến nôn hết thức ăn. Chị Hoài Thanh dỗ con cho biết: “Nó thấy mấy bác sĩ sợ lắm, nãy bó bột tay nó đau khóc quá trời.

Sáng mẹ con em được dì chở về ngoại ở Đồng Tháp, bị xe quẹt. Em bị xây xát nhẹ, còn con em té gãy tay, tội nghiệp lắm”.

Phòng tránh TNTT cho trẻ tại nhà

Và không ít trẻ bị ngã khi trèo cây hay đá banh dưới lòng đường và bị xe lưu thông va quẹt. Một số gia đình đưa con đến các khu vui chơi, tắm biển, tắm sông mà không quan sát, nhắc nhở, hướng dẫn trẻ vui chơi đúng mực, đề phòng nguy cơ va chạm vật nhọn, ngạt nước hoặc té từ trên cao...

Cách hạn chế hiệu quả tình trạng chết đuối là dạy bơi cho tất cả trẻ em càng sớm càng tốt, ngay từ bậc tiểu học.


Đặc biệt, ở nhiều vùng nông thôn chết đuối là nguyên nhân gây tử vong cho trẻ em nhiều nhất. Những con vật nuôi thân thuộc trong nhà có thể trở thành kẻ thù nguy hiểm, gây thương tích cho trẻ bất cứ lúc nào nếu người lớn bất cẩn không để ý trông chừng trẻ.

Tai nạn do động vật gây ra phổ biến là chó, mèo, trâu bò… Động vật, kể cả những vật nuôi trong nhà có thể cắn, húc, đốt trẻ và có thể gây nhiều thương tích nguy hiểm như chảy máu, rách da, gãy xương và gây nhiễm độc dẫn đến tử vong.

Trẻ dễ bị những thương tích này vì bản tính trẻ hiếu động, tò mò hay trêu chọc súc vật mà chưa lường hết được sự nguy hiểm có thể xảy ra.

Theo thống kê của Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long, từ đầu năm 2013 đến nay, toàn tỉnh có 614 trẻ em bị TNTT, trong đó có 13 trẻ bị tử vong. TNTT do bị chết đuối là nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở trẻ em, chủ yếu do gia đình bất cẩn (từ đầu năm 2011 đến nay, tỉnh có 37 trẻ em bị chết đuối, chiếm tỷ lệ 83,2%).

Các trường hợp gây TNTT cho trẻ em như: bỏng/cháy, bom, mìn/vật nổ, tai nạn giao thông,… vẫn là mối đe dọa đối với sự sống còn của các em và cũng là một trong những nguyên nhân chủ yếu gây tử vong, tàn tật, dị tật làm ảnh hưởng tới tính mạng và cuộc đời của trẻ.

Đáng tiếc, không ít những trường hợp trẻ em gặp phải TNTT ngay trong chính ngôi nhà của mình. Vì vậy, việc xây dựng một ngôi nhà an toàn, môi trường an toàn phòng tránh TNTT cho trẻ đang là một vấn đề cấp thiết.

Ngoài ra, gia đình, nhà trường phải trang bị cho trẻ những kiến thức và kỹ năng để phòng chống TNTT là vô cùng quan trọng.

Anh Vinh Hiển (Phường 2- TP Vĩnh Long) cho biết: “Việc học bơi là kỹ năng sống đầu tiên mà các em cần học. Do vậy, ngay 6 tuổi con trai lớn của anh đã được đi học bơi để vừa có sức khỏe và có thêm kỹ năng bơi, cứu hộ an toàn cho bản thân.”

Theo Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Long, bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Văn Năm, để phòng tránh trẻ em bị TNTT, các gia đình nên hết sức thận trọng trong sinh hoạt hàng ngày.

Giám sát thường xuyên các hoạt động của trẻ, đặc biệt không để trẻ leo trèo lên cao; chú ý tác nhân có thể gây bỏng là bếp gas, nước sôi, thức ăn đang nóng, kể cả vòi nước nóng, thau nước nóng ở phòng tắm; các thiết bị điện phải đặt trên cao, xa tầm tay trẻ. Không cho trẻ chơi gần ao, hồ, sông mà không có người lớn giám sát. Không cho trẻ tiếp xúc các dị vật;…

Để ngăn ngừa và phòng chống TNTT trẻ em, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh tập trung đẩy mạnh công tác truyền thông, giáo dục, vận động rộng rãi trong toàn xã hội để mọi cá nhân, gia đình, cộng đồng và bản thân trẻ chủ động phòng chống TNTT tại các xã điểm thuộc 8 huyện, thị, thành phố trong tỉnh.

Song song đó, sở tiến hành phát động các hộ gia đình đăng ký thực hiện mô hình “Ngôi nhà an toàn cho trẻ em” với 12 tiêu chí nhằm loại trừ các nguy cơ gây TNTT cho trẻ em trong nhà và khu vực chung quanh.

Từ hè năm 2011 đến nay, Sở Lao động- Thương binh và Xã hội tỉnh Vĩnh Long phối hợp với Phòng Văn hóa Thông tin ở các huyện Tam Bình, Vũng Liêm, Trà Ôn, Bình Tân, TX Bình Minh và TP Vĩnh Long tổ chức lớp dạy bơi cho trên 410 trẻ em được học bơi miễn phí.

Lớp dạy bơi nằm trong chương trình phòng chống TNTT cho trẻ em của tỉnh Vĩnh Long nhằm giúp địa phương có điều kiện triển khai sâu rộng công tác phổ cập bơi lội, phòng tránh tử vong do đuối nước cho trẻ em vùng sông nước, vùng lũ; trang bị kỹ năng bơi lội, giúp trẻ tự bảo vệ tính mạng của mình.

Bác sĩ chuyên khoa 2 Phan Văn Năm cho biết, khi trẻ em bị té ngã có thể bị nhiều chấn thương cùng một lúc. Cho nên, chúng ta cần xem xét chấn thương nào ảnh hưởng đến tính mạng trẻ. Và khi sơ cứu, cần thực hiện như sau:

-Nhanh chóng đưa trẻ ra khỏi khu vực nguy hiểm.

-Hà hơi, thổi ngạt và xoa bóp tim ngoài lồng ngực khi trẻ có biểu hiện tim ngưng thở.

-Cầm máu và cố định gãy xương hay trật khớp nếu có.

- Cố định vùng đầu, cổ tránh chấn thương đốt sống cổ.

- Đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất

Bài, ảnh: THÚY QUYÊN

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh