Chuyện xử lý rác ở nông thôn

02:06, 06/06/2013

Hiện nay, ở hầu hết các xã đều có xe đến thu gom rác. Tuy nhiên, lượng rác được thu gom rất ít (do chỉ thu gom ở chợ, nơi đông dân cư…), phần lớn còn lại do các gia đình tự xử lý. Người thì quăng rác xuống sông, người để rác quanh nhà,… rất ít hộ đào hố chôn lấp rác nên môi trường ngày càng ô nhiễm.

Hiện nay, ở hầu hết các xã đều có xe đến thu gom rác. Tuy nhiên, lượng rác được thu gom rất ít (do chỉ thu gom ở chợ, nơi đông dân cư…), phần lớn còn lại do các gia đình tự xử lý. Người thì quăng rác xuống sông, người để rác quanh nhà,… rất ít hộ đào hố chôn lấp rác nên môi trường ngày càng ô nhiễm.

Mạnh ai nấy xử lý rác

“Cặp sông thì quăng, cặp lộ thì đốt, quanh nhà có ao mương thì cứ vụt xuống…” Đó là thực trạng xử lý rác ở một số nơi hiện nay- khi mà xe thu gom rác chưa đến tận nhà của họ.

Dọc Đường tỉnh 903 hay 904, không thể đếm hết được những bãi rác nhỏ tự phát mọc ngay bên đường, trước nhà dân. Thỉnh thoảng, để bảo vệ mỹ quan trước nhà mình, nhiều hộ đốt rác. Tuy nhiên, do rác lẫn nhiều thứ, trong đó có chai nhựa, bịch nilon… nên tạo ra hôi mùi khó chịu và ô nhiễm không khí.

Ở nông thôn, rác thường trú ngụ quanh nhà gây ô nhiễm.

Trên Hương lộ Phú Lộc, Bầu Gốc giáp với QL1A, thỉnh thoảng xuất hiện vài người buôn bán trái cây, rau, cá,… Đáng nói là cứ vài ngày, quanh các khu vực này lại xuất hiện thêm rác, nên đến nay, dù chỉ cách bãi rác Hòa Phú vài trăm mét nhưng nơi đây vẫn chi chít những bãi rác tự phát hai bên đường.

Đó chỉ là một trong rất nhiều cái “chợ chồm hổm” xuất hiện tại các giao lộ giữa hương lộ, lộ đan,… Nếu khu vực chợ xã, huyện là nơi được chú ý thu gom rác thì ở các chợ chồm hổm này, rác được gom lại thành đống nằm ven vệ đường.

Cái chợ tuy nhỏ, nhưng lượng rác tích tụ mỗi ngày nên lớn dần và mọi người lại bị tra tấn... bằng mùi hôi. Không ai bảo ai nhưng tất cả người dân đều biết rõ sự hiện diện của nó, thế là cứ vứt. Chợ chồm hổm mọc lên ở đâu là bãi rác cứ xuất hiện ở đó.

Ở cặp đường nhựa nhỏ, “xe 4 bánh chạy được” nhưng do chưa có xe thu gom rác nên nhà chị Trương Thị Tuyết Nhung (Thạnh Quới- Long Hồ) phải xả rác xuống mương nhỏ sau nhà. Lâu ngày, đống rác đầy dần gây mất mỹ quan lại bốc mùi nên chị định kêu ghe cát lấp mương.

Hình ảnh thường thấy ở kinh rạch- bao rác, xác súc vật chết.


Chị nói: “Biết quăng xuống sông thì dơ nguồn nước nên mới gom rác tại nhà nhưng ô nhiễm nhà cửa quá trời. Lúc trước đã lấp một ao nhỏ rồi đó, giờ lấp mương này nữa, nếu không có người thu gom, không biết mai mốt sẽ để rác ở đâu đây?”

Nhà ở cặp sông, chị Lê Thị Thùy Vân (Phú Quới- Long Hồ) chau mày: “Ở đây có đường xe 4 bánh mà không có xe thu gom rác gì hết. Vả lại cũng không nghe hướng dẫn cách chôn rác hay xử lý sao cho bớt ô nhiễm môi trường. Bởi vậy, theo thói quen xưa nay, ai ai cũng… quăng rác xuống sông. Họ cho rằng đó là cách tiện lợi nhất”.

Còn tại sông Pô Kê, một hộ nhà sàn trên sông cho biết: “Trước giờ không có thùng rác, không biết đổ rác ở đâu nên hầu hết dân ở đây tranh thủ lúc không có ai để ý là quăng thẳng xuống sông. Bởi vậy, dọc theo con sông này, nhất vào lúc nước ròng rất dễ bắt gặp những bọc rác to nổi lềnh bềnh”.

Ngoài ra, rất dễ dàng tìm thấy những chai lọ thuốc trừ sâu bệnh ngay tại ruộng hoặc trôi nổi trên những dòng kinh.

Cần có giải pháp xử lý rác thải ở nông thôn

Cán bộ về xây dựng- môi trường xã Hòa Bình (Trà Ôn) Đặng Hồng Điệu cho biết, từ năm 2011, xã đã hợp đồng với Công ty TNHH Trần Đức Huy thu gom, vận chuyển rác về bãi rác tập trung của huyện. Tuy nhiên, nếu tính theo số hộ thì chỉ khoảng 10% được thu gom rác (các hộ ở khu vực trung tâm, chợ, điểm đông dân cư…).

BCĐ Xây dựng nông thôn mới xã đã chỉ đạo các hội, đoàn thể vận động gia đình tự xử lý rác bằng cách đào hố chôn lấp có kích thước ngang khoảng 8 tấc, sâu 1m, có nắp đậy. Theo đó, mỗi nhà phải đào 2 hố để phân loại rác: 1 hố để rác hữu cơ- tận dụng làm phân bón cho cây trồng, 1 hố để rác vô cơ.

Khi hố đầy rác thì lấp đất lại, đào hố khác. “Chúng tôi đang đề nghị hỗ trợ nắp đậy hố rác cho hộ nghèo và cận nghèo để các hộ này thực hiện trước”. Sắp tới, sẽ vận động hộ dọc các tuyến đường nhựa để công ty thu gom rác, giảm một phần lượng rác trong dân”.

Chú Nguyễn Chí Thành (Xuân Hiệp- Trà Ôn) cho biết: “Gần đây, ấp có vận động người dân đào hố để rác cho vệ sinh môi trường. Nghe vậy tui mừng lắm, trước giờ rác mạnh ai nấy quăng nên dơ quá trời. Giờ có tuyên truyền, vận động thì từ từ người ta sẽ ý thức hơn. Có vậy, cảnh quan mới đẹp, môi trường mới sạch sẽ hơn”.

Để trả lại cho nông thôn môi trường trong lành, hiện nhiều địa phương đang tích cực vận động các hộ dân xây dựng hố rác đúng quy cách, thực hiện các cam kết bảo vệ môi trường...

Thiết nghĩ, tình trạng quăng xả rác bừa bãi, xử lý rác không đúng cách đã trở thành thói quen, bệnh kinh niên bao đời nay. Việc đào hố phân loại rác sẽ giúp người dân dần thay đổi thói quen này, góp phần gìn giữ môi trường nông thôn nên cần nhanh chóng thực hiện.

Theo Bộ Tài nguyên Môi trường, có 10 cách đơn giản để bảo vệ môi trường sống là: giữ gìn cây xanh, sử dụng các chất liệu từ thiên nhiên, rút các phích khỏi ổ cắm, sử dụng năng lượng sạch, nguyên tắc 3R (giảm sử dụng, tái sử dụng, tái chế), sử dụng các sản phẩm tại địa phương, tiết kiệm giấy, giảm sử dụng túi nilon, tận dụng ánh sáng mặt trời, sử dụng các tiến bộ của khoa học.

Bài, ảnh: THẾ QUÂN – NAM ANH 

Đường dây nóng: 0987083838.

Phóng sự ảnh