Xã Tân Quới (Bình Tân) đang có bước chuyển mình toàn diện, từ hạ tầng đô thị đến các mặt kinh tế- xã hội. Sau khi được tỉnh công nhận Tân Quới là đô thị loại V, Đảng bộ và chính quyền nơi đây đang tập trung lập quy hoạch điều chỉnh đô thị phấn đấu lên thị trấn vào năm 2014.
Khu hành chính huyện Bình Tân chuẩn bị đưa vào hoạt động.
Xã Tân Quới (Bình Tân) đang có bước chuyển mình toàn diện, từ hạ tầng đô thị đến các mặt kinh tế- xã hội. Sau khi được tỉnh công nhận Tân Quới là đô thị loại V, Đảng bộ và chính quyền nơi đây đang tập trung lập quy hoạch điều chỉnh đô thị phấn đấu lên thị trấn vào năm 2014.
Nhiều điều kiện thuận lợi
Về Bình Tân, nói đến Tân Hưng, Tân Thành là nghĩ ngay đến khoai lang, còn Tân Quới được biết đến như vùng chuyên canh màu nổi tiếng. Nằm cặp sông Hậu màu mỡ phù sa, hàng năm Tân Quới có hơn 2.000ha rau màu chuyên canh; trong đó nhiều nhất là bắp, dưa hấu, đậu nành...
Những ngày mùa, dọc kinh Mười Thới và Đường tỉnh 908, Quốc lộ 54, từng chuyến xe hàng trọng tải lớn đầy ắp những rau quả tươi vừa mới thu hoạch từ chân rẫy, hối hả xuôi ngược về các khu chợ ở thành phố lớn rồi từ đó tỏa đi khắp nơi, để kịp tham gia thị trường.
Cũng từ đây, nhiều cánh đồng thu nhập 50- 60 triệu đồng/ha ngày một nhiều hơn. Đây được xem là hướng đi đúng trong chuyển dịch cây trồng theo hướng tăng lợi nhuận cho nông dân trên cùng diện tích đất.
Đặc biệt, tiểu thủ công nghiệp- thương mại và dịch vụ cũng là một thế mạnh của Tân Quới, đóng góp lớn vào quá trình phát triển kinh tế của địa phương. Nhiều làng nghề đã hình thành và tồn tại hàng chục năm qua, nổi tiếng nhất là nghề làm nước mắm, nước tương, chao… Tân Quới hiện có khoảng 165 cơ sở sản xuất tiểu thủ công nghiệp.
Một số nghề mới phát sinh vài năm gần đây như sản xuất than tổ ong cũng đã góp phần chuyển dịch cơ cấu lao động, tạo thêm công ăn việc làm cho người dân. Sản phẩm từ đây được tiêu thụ rộng khắp, nhất là các tỉnh
Bên cạnh, huyện cũng đang dồn sức xây dựng môi trường cảnh quan và kiến trúc đô thị theo hướng văn minh, hiện đại. Năm 2012, bằng nguồn vốn ngân sách và vốn các chương trình mục tiêu quốc gia, Tân Quới đã được đầu tư hàng chục tỷ đồng để xây dựng phát triển hạ tầng đô thị.
Huyện cũng đã lên danh mục các công trình mang tính động lực trong năm 2013, chủ yếu tập trung đầu tư các tuyến đường trung tâm của đô thị Tân Quới và các dự án phục vụ đời sống dân sinh.
Ngoài ra, được biết ngành chức năng địa phương cũng đang tích cực triển khai, thực hiện gấp rút các công trình của năm 2012 chuyển sang như: hệ thống giao thông từ Quốc lộ 54 ra sông Hậu, khu hành chính, khu tái định cư, bệnh viện đa khoa, sân vận động và trung tâm dạy nghề…
Bản đồ quy hoạch chung khu đô thị Tân Quới.
Nỗ lực bứt phá
Theo đề án điều chỉnh mở rộng đô thị Tân Quới thành thị trấn Tân Quới bao gồm các ấp: Tân Hữu, Tân Thuận, Tân Hòa, Tân Lợi, Tân Vinh, Tân Hạnh, Tân Đông với tổng diện tích khoảng 875,11ha; xã Thành Đông: ấp Thành Quới, với diện tích khoảng 155ha; xã Thành Lợi: ấp Thành Nhân, với diện tích khoảng 139,5ha.
Tân Quới có khoảng 11.000 dân, với thu nhập bình quân đầu người năm 2012 ước đạt hơn 19 triệu đồng, tăng khoảng 5 triệu đồng so với năm 2011. Đất xây dựng đô thị đến năm 2015 khoảng 98,5ha và đến năm 2020 là 125ha. Tỷ lệ lao động phi nông nghiệp đạt 65%.
Hiện Tân Quới đã cơ bản đạt được 4 tiêu chí: chức năng đô thị, quy mô dân số, mật độ dân số và tỷ lệ lao động phi nông nghiệp. Riêng 2 tiêu chí hệ thống công trình hạ tầng và kiến trúc cảnh quan đô thị vẫn đang được quan tâm đầu tư.
Địa phương cũng đang tích cực mời gọi các doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh mạnh dạn đầu tư vào các dự án thuộc một vài lĩnh vực, như: công trình công cộng, giao thông, thoát nước, cây xanh, thu gom xử lý chất thải, nâng cấp chợ, tuyến phố văn minh…
Nhiều tuyến đường được đầu tư mở rộng thúc đẩy giao thương hàng hóa.
Ông Nguyễn Văn Bé Tư- Trưởng Phòng Nội vụ huyện Bình Tân cho biết: Địa phương có nguồn nguyên liệu nông sản tại chỗ dồi dào, thuận lợi phát triển các lĩnh vực chế biến nông sản- lương thực- thực phẩm.
Còn theo ông Nguyễn Thanh Sơn- Trưởng Phòng Tài chính- Kế hoạch huyện Bình Tân, hiện cụm công nghiệp Tân Quới, diện tích 42ha và cụm công nghiệp sạch xi- măng Công Thanh là thế mạnh địa phương sau khi đưa vào hoạt động; tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, nhà đầu tư cạnh tranh mở rộng thị trường trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, theo ông, khó khăn lớn nhất của địa phương trong việc phát triển kinh tế- xã hội hiện do thiếu vốn đầu tư xây dựng các dự án động lực thúc đẩy nhanh quá trình đô thị hóa như hệ thống giao thông kinh Chú Bèn ra sông Hậu; Quốc lộ 54 hướng về Trung tâm Văn hóa huyện. “Tuy nhiên, chúng tôi đang phấn đấu hết mình, vận động cả hệ thống chính trị tham gia xây dựng, quyết tâm đưa đô thị Tân Quới thành thị trấn trong thời gian sớm nhất”- ông khẳng định.
Những làng nghề truyền thống gắn liền văn hóa sông nước, những cánh đồng màu xanh tốt quanh năm cùng các nhân tố công nghiệp mới đang hình thành… đã phần nào phác thảo diện mạo của một đô thị xanh giữa vùng đất rẫy Tân Quới trong tương lai.
Ông Nguyễn Thanh Sơn cho biết: Thuận lợi của địa phương là có trục sông Hậu, dài hơn 5km thuận lợi nuôi trồng thủy sản, đồng thời tiếp giáp với TP Cần Thơ- trung tâm kinh tế trọng điểm ĐBSCL; Quốc lộ 54 thông suốt TX Bình Minh năng động và nhiều tuyến đường nội ô đô thị như trục đường Chòm Yên giao với lộ Thành Đông vừa mới đưa vào hoạt động, giúp vận chuyển hàng hóa nông sản dễ dàng. |
Bài, ảnh: HOÀNG MINH
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin