Qua tìm hiểu của chúng tôi, tuy hầu hết những hộ sống trong cụm- tuyến dân cư vượt lũ đều có chung niềm phấn khởi vì được thụ hưởng hạ tầng thiết yếu như gần trường học, trạm y tế, chợ, điện, nước sạch cho sinh hoạt. Song, họ lại gặp không ít khó khăn mưu sinh, bởi đa phần họ không ruộng đất, không việc làm, thiếu vốn và trình độ học vấn thấp...
Chuyện này xảy ra ở nhiều cụm- tuyến dân cư vượt lũ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Long.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, tuy hầu hết những hộ sống trong cụm- tuyến dân cư vượt lũ đều có chung niềm phấn khởi vì được thụ hưởng hạ tầng thiết yếu như gần trường học, trạm y tế, chợ, điện, nước sạch cho sinh hoạt. Song, họ lại gặp không ít khó khăn mưu sinh, bởi đa phần họ không ruộng đất, không việc làm, thiếu vốn và trình độ học vấn thấp...
Cỏ mọc um tùm quanh các căn nhà “không chủ” tuyến dân cư ở xã Thạnh Quới (Long Hồ).
Tiện nhưng… chưa lợi
Hình ảnh đầu tiên chúng tôi nhận thấy khi đến tuyến dân cư ấp Thạnh Phú (xã Thạnh Quới- Long Hồ) là khung cảnh khá vắng vẻ. Nhiều căn nhà bỏ hoang, cỏ mọc tận cửa. Thi thoảng mới thấy có người qua lại nhìn “người lạ” là chúng tôi. Thời điểm này, ở cánh đồng lúa trước tuyến dân cư, một bên ruộng máy gặt đập liên hợp đang “ăn lúa”, còn bên thì một nhóm người đang cắt lúa đổ ngã.
Chị Lê Thị Loan nhanh tay cắt từng bụi lúa trĩu bông nằm rạp xuống ruộng cho biết: Nhà nghèo, 8 nhân khẩu nhưng không ruộng đất nên được xã xét cấp cho nền nhà ở khu dân cư. Chị vay thêm ở Ngân hàng Chính sách xã hội 9 triệu đồng cất nhà. “Tụi tui mần mướn quanh năm, ai mướn gì mần đó. Hên là mấy bữa nay mưa lớn nên lúa bị ngã người ta mới mướn cắt kiếm tiền mua gạo, chứ nắng thì máy gặt luôn rồi!” Nghe mẹ nói, Ân nghỉ tay: “Ở đậu đất người ta hoài cũng kỳ ra đây có nhà ở cũng mừng nhưng hổng có việc làm. Hổm rày nước lên, tranh thủ đặt mấy cái dớn mà chưa có cá, chỉ bắt được vài trăm gram cá lòng tong”.
Cũng vậy, cô Nguyễn Thị Oanh (59 tuổi) được xét cấp nền nhà ở cụm dân cư này. “Trước ở tuốt trong đồng, muốn đi đâu phải lội qua bờ đê. Giờ đường tráng nhựa, lót đan tới nhà, đi đứng thuận tiện lắm”. Để mưu sinh, hàng ngày cô cùng 3 người con lội gần chục cây số để bán vé số. Hôm gặp, trên đường bán về, đi dọc ruộng cô tranh thủ mót lúa hay kiếm ốc cho vịt ăn, bán dành dụm mua gạo.
Cỏ leo tận nóc các nhà bỏ hoang tại tuyến dân cư xã Mỹ Lộc (Tam Bình).
Chạy dọc trên Đường tỉnh 909 vào khu dân cư vượt lũ xã Mỹ Lộc (Tam Bình), quang cảnh có phần sung túc hơn nhưng thử đếm cũng có trên 30 căn nhà bỏ hoang. Có căn không có cửa, chỉ mới xây gạch; có căn dây leo kín nhà; có căn cỏ mọc um tùm; có căn là nơi “cư trú” của gà, vịt hay làm chỗ phơi quần áo;… Chị Hồ Thị Thủy ở Ấp 9 than thở: “Ra đây ở cao ráo sạch sẽ nhưng chan chát cái gì cũng mua”.
Chị kể, nhà chỉ vài công ruộng nên cũng đủ gạo ăn. Chồng đi làm hồ, bữa làm bữa nghỉ nhưng phải tích cóp để lo cho 2 con đang học đại học trên TP Hồ Chí Minh. Khi chúng tôi hỏi mấy căn nhà bỏ hoang kế bên, chị Đinh Thị Lùn cùng ấp cho biết: “Ra đây sống có điện, nước tiện nghi thiệt nhưng ngặt cái thiếu việc làm nên nhiều hộ bỏ đi. Có hộ được cấp nền nhà, cất nửa chừng rồi bỏ; có hộ đóng cửa đi mần ăn xa lâu lâu mới về; có hộ thì trở về nơi ở cũ do ở đây ở không, không tìm được việc làm”.
Cần việc làm ổn định
Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ về việc đầu tư xây dựng cụm- tuyến dân cư vượt lũ ở ĐBSCL. Từ ngân sách Trung ương và địa phương, tỉnh Vĩnh Long đã đầu tư 219 tỷ đồng để xây dựng 43 cụm- tuyến dân cư với tổng diện tích 282ha, bố trí cho hơn 6.000 hộ dân thoát cảnh ngập lũ. Và, năm 2006 tỉnh đã khánh thành cụm- tuyến dân cư giai đoạn 1. Thế nhưng đến nay, một số nơi không có người ở. Nhiều căn cất xong phần thô phải bỏ hoang, gây lãng phí ngân sách.
Ông Trương Văn Ba- cán bộ nông nghiệp xã Nguyễn Văn Thảnh (Bình Tân) cho biết: Năm 2005, khoảng 390 hộ được cấp nền nhà ở 2 tuyến dân cư vượt lũ ấp Hòa Bình và Hòa Hiệp. Xã hỗ trợ nền nhà 10 triệu đồng, Ngân hàng Chính sách xã hội cho vay từ 7- 9 triệu đồng. Riêng năm 2012, thì cho vay 20 triệu đồng/hộ. Nhà ở đều đạt yêu cầu đúng quy định bê tông cốt thép, nền gạch, lợp tôn nhưng vẫn có hàng chục căn xây xong chủ nhà bỏ về nơi ở cũ.
Còn theo báo cáo của UBND xã Thạnh Quới: 6 năm qua, 2 cụm- tuyến dân cư của xã là Thạnh Phú và Hòa Thạnh có trên 150 hộ dân đến cất nhà nhưng chỉ mới có hơn 100 hộ vào ở, 50 căn nhà xây dựng dở dang, bỏ hoang.
Qua tìm hiểu được biết, trước đây tại các xã có cụm- tuyến dân cư vượt lũ, hội phụ nữ xã đều phối hợp với trung tâm dạy nghề các huyện mở các lớp dạy nghề nông thôn như đan thảm lục bình, đan giỏ nhựa hoặc kết cườm… Thế nhưng hiệu quả không cao vì không nguồn hàng và đầu ra không ổn định.
Nhiều hộ mưu sinh bằng nghề “có sẵn”.
Ông Nguyễn Văn Thép- Phó Chủ tịch UBND xã Nguyễn Văn Thảnh nói: “Toàn xã hiện còn trên 130 hộ nghèo, 350 hộ cận nghèo, trong đó có rất nhiều hộ đang sinh sống trên các cụm- tuyến dân cư vượt lũ. Nếu không có biện pháp tạo việc làm kịp thời rất có thể những hộ này sẽ tái nghèo”. Cũng theo ông Nguyễn Văn Thép, thời gian qua, xã phối hợp nhiều ban ngành tổ chức hàng chục lớp dạy nghề tại địa phương nhưng không hiệu quả. Ngoài ra, còn giới thiệu việc làm tại Khu công nghiệp Hòa Phú nhưng đa phần người dân trình độ thấp nên các công ty không nhận!
Khi hỏi những kế hoạch của xã thời gian tới, ông Nguyễn Văn Thép thừa nhận: “Một mình xã không thể nào giải quyết nổi việc làm ổn định cho những hộ này. Những công ăn việc làm phù hợp như đan thảm lục bình, kết cườm xã đã tổ chức nhiều nhưng không ổn định, vì vậy rất cần sự hỗ trợ cấp trên”.
Ông Nguyễn Đăng Khoa- Phó Chủ tịch UBND xã Thạnh Quới cũng thừa nhận: “Bây giờ chỉ biết vận động người dân vào sinh sống và tiếp tục liên hệ các cơ sở dạy nghề để mong tìm việc ổn định cho dân”.
Chương trình xây dựng cụm- tuyến dân cư vượt lũ là chủ trương lớn của Chính phủ nhằm giúp người dân vùng lũ ổn định cuộc sống, nâng cao mức sống và thay đổi bộ mặt nông thôn. Vì vậy, giải quyết việc làm để họ ổn định đời sống là bức bách lớn nhất cũng là mong mỏi lớn nhất người dân nơi đây.
Bài, ảnh: THÚY QUYÊN- NGUYỄN HOÀNG
Thông tin bạn đọc
Đóng Lưu thông tin